Man City chuyền bóng... để làm gì?

Không có gì lạ, khi con số 44 xuất hiện tràn ngập suốt 2 ngày nay, ở các bài viết liên quan đến Premier League. Vâng, ai cũng biết Man City vừa ghi bàn vào lưới M.U sau một pha bóng gồm 44 đường chuyền, qua chân cả 10 cầu thủ phía trên, trừ thủ môn.
Man City chuyền bóng... để làm gì?
Xin nhắc lại: “trừ thủ môn”. Ngay từ khi bắt đầu công việc ở Man City, HLV Pep Guardiola đã tỏ rõ quan điểm: ông sẽ không dùng thủ môn Joe Hart (số 1 nước Anh khi ấy). Guardiola tuyển Claudio Bravo, với lý do thuần túy chuyên môn: thủ môn trong một đội bóng do ông huấn luyện dứt khoát phải giỏi tham gia “chơi bóng”, chứ không chỉ biết cản phá, bắt bóng. Bravo không thành công. Pep lại tuyển thêm Ederson, cũng với quan điểm vừa nêu.

Nhưng, Ederson hoàn toàn không tham gia vào pha ghi bàn đình đám trong trận thắng M.U. Và đấy chính là chi tiết đáng nói, trong một khía cạnh khác. Dĩ nhiên không thể có Ederson, vì toàn bộ 44 đường chuyền đều được thực hiện ở khu giữa sân hoặc 1/3 phần sân cuối cùng. Pha tấn công bắt đầu từ... tiền đạo Raheem Sterling, ở vị trí chỉ cách khung thành M.U khoảng 25m. Cũng chính Sterling - lúc này đã đứng hẳn trong khu 16m50 của M.U - chuyền cho Bernardo Silva, để cầu thủ này thực hiện đường chuyền cuối cùng, trước khi Ilkay Guendogan ghi bàn.

Gần chục năm trước, Barcelona của Pep thống trị thế giới, chiến thắng tuyệt đối trên 6 trận địa trong năm 2009. Khắp nơi tâng bốc lối chơi tiqui-taca, với các đường chuyền nhuyễn đẹp như dệt gấm thêu hoa. Chuyền để giữ bóng. Và khi quả bóng nằm trong chân bạn, đối phương tất nhiên không có cơ hội tấn công. Người ta xem đấy là triết lý, của cả Barcelona lẫn đội tuyển Tây Ban Nha lừng danh trong giai đoạn 2008-2012.

Tại World Cup 2018, Tây Ban Nha ngã chỏng gọng, bị loại trước ngưỡng cửa tứ kết bởi đội tuyển Nga “yếu nhất giải”. Đấy cũng vẫn là một Tây Ban Nha chuyền bóng nhuyễn nhừ. Họ chuyền như những cỗ máy đã được lập trình (mà máy thì không làm sai việc bao giờ). Cứ nhận bóng là chuyền ngay cho cầu thủ gần nhất. Chuyền ngay, kể cả trong trường hợp nếu không chuyền thì... cũng chẳng sao, bởi đối phương đâu có lao vào tranh chấp!


Đấy chính là chỗ khác biệt. Đã rất nhiều lần, Pep “tỏ thái độ” trước những câu hỏi có vẻ mang tính lấy lòng, về khả năng chuyền bóng nơi các cầu thủ do ông huấn luyện. Bản thân cái việc chuyền bóng kia là vô nghĩa, nếu người ta chuyền... chỉ để chuyền. Tất nhiên, vẫn có hệ lụy là đối phương coi như không có cơ hội. Nhưng đội bóng của Pep, cụ thể ở đây là một Man City chơi trên sân nhà, luôn cần cơ hội ghi bàn. Họ chơi bóng đâu phải để M.U không có cơ hội ghi bàn.

Điều cốt lõi trong chuỗi 44 đường chuyền đó không phải là con số cụ thể, mà là mục đích tấn công. Và đấy là lý do vì sao chúng ta không thấy thủ môn Ederson xuất hiện trong pha bóng đó. Man City chuyền để kéo giãn đội hình, phá hỏng cự ly trong hệ thống phòng thủ của đối phương. Tóm lại, chuyền để tạo cơ hội ghi bàn. Đấy mới là cái đích cuối cùng trong cách chơi “tuy đẹp” nhưng vẫn phải hiệu quả, của Man City.

Ederson “phải chơi bóng” ư? Không phải hỏi. Ngay trong mùa này, anh đã trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử Man City có pha kiến tạo thành bàn ở Premier League (quả phát bóng dài cho Sergio Aguero ghi bàn vào lưới Huddersfield, hồi đầu mùa). Vấn đề là tùy hoàn cảnh, dĩ nhiên.

44 đường chuyền trong một pha bóng thành bàn là con số cao hơn tổng số đường chuyền chính xác của bất cứ cầu thủ M.U nào, trong toàn trận? Vâng, nhưng đấy chỉ mới là số liệu thống kê thuần túy. Khi nói bộ ba tiền vệ M.U là Nemanja Matic, Marouane Fellaini, Ander Herrera chuyền chính xác 41, 39, 30 lần, có người sẽ cãi: trong đó có nhiều pha phá bóng chứ không phải đường chuyền!
    Bình Luận