Man United muốn Ratcliffe hay Apollo thay thế cho nhà Glazer?

Kịch không bao giờ thiếu ở Nhà hát của những giấc mơ. Man United đã khởi động mùa giải một cách “phi thường” khi thua liền hai trận, rơi xuống đáy BXH. Tuy nhiên, vở kịch lớn lại diễn ra ngoài sân cỏ, với tâm điểm là những tin đồn
 
 

Mọi tin tức đã bị chi phối bởi các dòng tweet của Elon Musk, các cuộc họp báo được tổ chức bởi người phát ngôn của tỷ phú người Anh Jim Ratcliffe và những câu chuyện về các cuộc đàm phán độc quyền với quỹ đầu tư tư nhân Apollo Global Management của Mỹ.

Tùy theo sở thích của bạn, nó có thể là bữa tiệc tối ngon nhất (hoặc tệ nhất), nhưng đã thu hút sự chú ý của hàng triệu CĐV Manchester United trong suốt tuần qua. Nguyên nhân khiến cho ma trận thông tin này xuất hiện chính là việc gia đình Glazer - chủ sở hữu hiện tại của United là những người bị ghét bỏ nhiều nhất ở Premier League.

Tại sao cổ động viên của Quỷ Đỏ thù ghét gia đình Glazer đến thế? Bởi gia đình Glazer đã mua Man United bằng hình thức đòn bẩy tín dụng, khiến một CLB trước đây không mắc nợ gì phải dính vào khoản nợ trị giá 660 triệu bảng (khoảng 1,2 tỷ đô la vào thời điểm đó) khi Malcolm Glazer mua cổ phiếu đầu tiên của CLB vào tháng 3/2003, và hơn hai năm sau, gia đình tỷ phú người Mỹ chính thức trở thành chủ sở hữu CLB.

Khoản nợ được chia giữa CLB và Red Football, phương tiện đầu tư được sử dụng để tiến hành thương vụ, với trách nhiệm trả lãi của Man United. Như vậy, từ năm 2006 đến 2010, Man United trả trung bình 95 triệu bảng tiền lãi mỗi năm. Các CĐV cho rằng doanh thu của CLB nên được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của CLB, chẳng hạn như SVĐ, học viện và đội một, thay vì xử lý các khoản thanh toán lãi suất do việc tiếp quản của Glazer gây ra.

Việc đưa MU lên thị trường chứng khoán chỉ đem lại tiền bạc cho giới chủ

Nhà Glazer đã tái cấp vốn thông qua phát hành trái phiếu trị giá 500 triệu bảng Anh và sau đó thả nổi chúng trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2012. Lợi nhuận được chia cho các tài khoản ngân hàng của nhà Glazer và trang trải nợ của CLB.

Bất chấp những bất ổn hậu trường, Man United vẫn thành công dưới thời huấn luyện viên huyền thoại Sir Alex Ferguson, người đã giúp Quỷ Đỏ giành được 5 chức vô địch Premier League và lọt vào 3 trận chung kết từ khi ông dẫn dắt CLB cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2013.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nói rằng những người hâm mộ đã chấp nhận quyền sở hữu của nhà Glazer khi đội đang giành chiến thắng. Một bộ phận nhỏ cổ động viên đã ly khai hoàn toàn và thành lập một câu lạc bộ mới mang tên FC United of Manchester để phản đối, ngay sau khi nhà Glazer mua lại United.

Ngay trong năm 2010, sau khi Man United giành được ba chức vô địch Premier League liên tiếp và đánh bại gã khổng lồ nước Ý AC Milan ở vòng loại trực tiếp đầu tiên của Champions League, cổ động viên MU vẫn tiếp tục biểu tình. Họ đeo khăn quàng cổ màu xanh lá cây và vàng, gợi nhớ thời điểm câu lạc bộ được thành lập vào năm 1878 để thể hiện sự bất mãn.

Khi Man United giành chiến thắng 4-0 trước Milan, David Beckham - thần tượng của nhiều thế hệ của Man United khi đó đang chơi cho CLB của Italia. Khi trận đấu kết thúc, anh nhặt chiếc khăn màu vàng-xanh lên và choàng qua vai.

Joel Glazer, theo dõi từ Florida ngay trong đêm hôm đó đã có cuộc trò chuyện với cố vấn PR của mình - Tehsin Nayani. Trong cuốn sách “Người gác cổng nhà Glazer”, Nayani đã hồi tưởng lại cuộc trò chuyện.

“Nhìn mà xem Tes, chắc chắn nhiều NHM đang tức giận và phản đối ở Old Trafford. Nhưng từ nơi tôi đang ngồi, có hàng triệu NHM đang hạnh phúc vì đội được lọt vào vòng trong. Họ cũng là những CĐV của Man United. Tôi hiểu rằng một số người không thích chúng tôi, nhưng ghét chúng tôi thì thật là mạnh mẽ đấy. Ghét chúng tôi khi CLB đã rất thành công thì quả là phi thường”.

David Beckham đeo khăn choàng Vàng Xanh thể hiện sự phản đối
nhà Glazers cùng các CĐV của MU

Tuy nhiên, giờ đây, Man United không còn là một đội bóng thành công và Glazer có thể thấy lý do mới nhất đằng sau sự giận dữ của các CĐV. Kể từ khi Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, Man United đã trở thành cái bóng của chính, thậm chí không thể tham gia một cuộc đua danh hiệu chứ đừng nói đến chức vô địch Premier League. CLB chỉ lọt vào tứ kết UEFA Champions League hai lần kể từ năm 2013.

Những thất bại về chuyên môn càng trở nên sục sôi bởi phát biểu của chuyên gia tài chính Kieron O’Connor, người được mệnh danh là Ramble của Thụy Sĩ trên Twitter.

Trong một chủ đề tuần này, O'Connor giải thích cách các chủ sở hữu của Man Untied trở thành những người duy nhất ở Premier League nhận cổ tức từ một CLB (166 triệu bảng kể từ năm 2016), trong khi Man United hiện đã chi 743 triệu bảng trả lãi kể từ khi nhà Glazer tiếp quản vào năm 2005.

Tổng nợ của Man United vẫn chỉ dưới 600 triệu bảng. Bất chấp tất cả những điều này, doanh thu bất thường của Man United (theo nhà Glazer thì họ đã hỗ trợ CLB có được thành công nhờ chuyên môn thương mại của họ) cho phép Man United chi gần 1,5 tỷ bảng (nếu tính cả thương vụ Casemiro từ Madrid) kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, những CĐV của Man United không hoàn toàn hài lòng với nhận định này, khi nhà Glazer vẫn không cho thấy chiến lược rõ ràng để phục hưng CLB, đưa về những bản hợp đồng kém cõi và thậm chí còn cố gắng tham gia dự án European Super League.

Dù vậy, các ông chủ của Mu chưa bao giờ công khai ý định bán câu lạc bộ. Và cũng vì thế, các fan hâm mộ của United và nhà Glazer dường như luôn bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu.

Trong những tháng gần đây, cựu danh thủ Gary Neville đã liên tục cầu xin nhà Glazer bán CLB và ông một lần nữa lặp lại quan điểm này sau trận thua thảm 4-0 trước Brentford ở vòng hai Premier League mùa này.

Cũng đã có những cuộc nói chuyện về sự phản đối của NHM đối với các chủ sở hữu trong trận đấu với Liverpool tại Old Trafford. Vào năm 2021, sau khi Super League thất bại, những CĐV của Man United đã biểu tình bên trong sân vận động trước trận đấu với Liverpool đến mức trận đấu phải hoãn lại.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới cũng tham gia cuộc vui với lời nói đùa rằng ông sắp mua Man United. Vị tỉ phú 51 tuổi, giám đốc điều hành của Tesla sau đó đã nói rõ dòng tweet ông đăng tải chỉ là trò đùa và ông không có ý định bỏ tiền đầu tư vào một CLB thể thao.

Khi được một trong số 103,3 triệu người theo dõi của mình hỏi rằng liệu ông có nghiêm túc hay không, Musk trả lời: “Không, đây chỉ là một trò đùa trên Twitter. Tôi không mua bất kỳ đội thể thao nào.” Sau đó, ông tiết lộ Man United là đội bóng mình yêu thích từ khi còn nhỏ.

Cuối ngày hôm đó, trang web kinh doanh Bloomberg đưa tin gia đình Glazer sẽ xem xét bán một phần nhỏ cổ phiếu CLB và các cuộc thảo luận ban đầu đã diễn ra. Man United từ chối bình luận, điều họ đã làm tương tự với mọi câu chuyện liên quan đến quyền sở hữu của CLB trong thời gian gần đây, chẳng hạn như bài viết trên tờ The Independent cho biết những người mua tiềm năng rất lạc quan rằng nhà Glazer có thể bị thuyết phục bán toàn bộ cổ phần của họ trong vòng hai năm tới.

Jim Ratcliffe đang muốn mua lại Manchester United

Cũng trong thời gian này, Sir Jim Ratcliffe, tỷ phú người Anh và là giám đốc điều hành của Ineos, bày tỏ ý muốn mua Man United. Ratcliffe và Ineos đã sở hữu một CLB bóng đá, sau khi mua lại Nice, đội bóng hiện đang chơi tại Ligue 1 vào năm 2019. Sir Dave Brailsford, giám đốc thể thao của UCI WorldTeam Ineos Grenadiers là nhân vật chủ chốt trong việc tư vấn cho Ratcliffe về United.

Khi Chelsea bị đem rao bán vào đầu năm nay, Ratcliffe đã cố gắng mua CLB này nhưng lời đề nghị được đưa ra hơi muộn màng nên không thành công. Các nguồn tin quen thuộc với giá thầu đã tiết lộ rằng nỗ lực của Ratcliffe cho thấy sự hiểu biết và nguồn vốn dồi dào của tỷ phú này, nhưng ông ta lại bỏ qua thời hạn của Chelsea.

Nhiều người đoán rằng đó chỉ là một sự “đánh tiếng” của Ratcliffe để chứng minh ông ta có khả năng và nghiêm túc quan tâm đến việc mua một CLB Premier League. Người phát ngôn của Ratcliffe nói với tờ The Times: “Nếu CLB được rao bán, Jim chắc chắn là một người mua tiềm năng. Nếu điều gì đó như thế có thể xảy ra, chúng tôi sẽ quan tâm đến việc thảo luận với quan điểm về quyền sở hữu lâu dài”.

Ngay sau đó, một câu chuyện khác xuất hiện, lần này trên Daily Mail, trong đó tuyên bố gia đình Glazer đã tham gia vào các cuộc đàm phán độc quyền với công ty cổ phần tư nhân Hoa Kỳ Apollo để bán một cổ phần thiểu số của Man United. Như thường lệ, CLB từ chối bình luận và Apollo cũng đưa ra bất kỳ phát ngôn nào.

Đáp lại, tờ The Manchester United Supporter’s Trust cho biết: “Bất kỳ chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư mới tiềm năng nào cũng phải cam kết với văn hóa, bản sắc và truyền thống của CLB.

Họ phải sẵn sàng đầu tư để khôi phục lại những vinh quang trước đây của Man United và khoản đầu tư đó phải thực sự dùng để cải thiện thành tích và nâng cấp SVĐ. Cuối cùng, bất kỳ cấu trúc quyền sở hữu mới nào cũng phải gắn với CĐV, bao gồm cả mức độ sở hữu cổ phần của CĐV vào mô hình hoạt động của họ”.

 

Với việc các quan chức cấp cao của Manchester United từ chối bình luận, chúng ta bị bỏ lại giữa hàng tá thông tin tràn lan và những lời đồn đoán ben ngoài. Những gì chúng ta biết là Manchester United một khi đã được rao bán thì sẽ thu về một khoản tiền khổng lồ.

Thương vụ bán Chelsea trị giá 4,25 tỷ bảng - bao gồm các khoản cam kết đầu tư trong tương lai trị giá hàng tỷ USD. Con số của Man United sẽ còn lớn hơn thế, khi độ nổi tiếng và mức độ phủ sóng toàn cầu của họ ngày một lớn hơn và giá trị tài sản của Man United tất nhiên cũng tăng lên.

Một khi nhà Glazer đã quyết định bán CLB, chắc chắn không bao giờ họ chấp nhận chịu thiệt; các ông chủ hiện tại của Man United sẽ tìm kiếm đối tác tiềm năng nhất, thu lợi nhiều nhất có thể trước khi nói lời tạm biệt Old Trafford.

Anh em nhà Glazer muốn từ bỏ quyền sở hữu MU với giá cao

Những lời đồn đoán mới nhất đã khiến giá cổ phiếu của Man United tăng tới 15% so với tuần trước. Theo niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay, Man United được định giá chỉ dưới 2 tỷ bảng, nhưng trên thực tế, việc định giá một tài sản quý hiếm sẽ khiến mức giá cao hơn nhiều, gần với mức 5 tỷ bảng theo một số nguồn tin từ ngân hàng.

Đã có sự khác biệt đáng kể giữa sáu người con của Glazer, những người thừa kế CLB từ cha của họ, về sự quan tâm và cam kết lâu dài của họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, Joel và Avi Glazer là hai người đóng vai trò cao nhất, trong khi Kevin, Bryan, Edward và Darcie ít tham gia vào công việc ở Man United.

Trong những năm đầu, Bryan Glazer đã tích cực hoạt động ở bộ phận thương mại của CLB nhưng sau đó anh ta đã rút lui. Việc bán một phần CLB sẽ cho phép những người anh chị em ít đóng góp vào công việc chung có thể rời khỏi Old Trafford với một số tiền mặt khá lớn.

Nhiều người trong cuộc tin rằng Joel Glazer vẫn rất quyết tâm và chưa nghĩ đến việc bán hoàn toàn CLB. Ông vẫn tích cực hoạt động, không quan tâm lắm đến việc có được NHM đón nhận hay không. Joel cùng với Avi thực sự quan tâm và hào hứng khi nói về các cầu thủ và chiến thuật.

Tóm lại, tất cả những gì đang xảy ra có thể đơn giản là tỷ lệ phần trăm tổng thể cổ phần đang sở hữu của nhà Glazer tại CLB (hiện đang là 69% nhưng họ sở hữu tất cả cổ phiếu loại B - có quyền biểu quyết cao hơn 10 lần so với cổ phiếu loại A được niêm yết công khai) để tạo nên một đường lui cho một số thành viên gia đình.

Tuy nhiên, còn có những khả năng khác. Man United đang tìm cách tiến hành một dự án cơ sở hạ tầng lớn trong những năm tới, đồng nghĩa với một khối lượng công việc khổng lồ tại SVĐ của CLB, điều đã bị bỏ bê kể từ khi nhà Glazer tiếp quản Man United.

Vào tháng 4/2022, Man United đã thuê các nhà quy hoạch tổng thể để tiến hành nghiên cứu phương án cho việc tân trang hoặc xây dựng lại Old Trafford và một quy trình tương tự đang được thực hiện ở cơ sở đào tạo của CLB.

Những dự án này yêu cầu được rót những khoản tiền mặt lớn và chủ sở hữu buộc phải bơm tiền túi ra bởi không thể trông vào doanh thu của CLB.Điều này sẽ thay đổi cách tiếp cận mà chúng ta vẫn thường thấy từ gia đình Glazer.

Bryan, Avram and Joel Glazer cùng với Sir Alex Ferguson
ở thời điểm MU bị thôn tính năm 2005

Một khả năng khác là bán cổ phần để gây quỹ, đồng nghĩa nghĩa với việc tiền có thể đi vào túi của các chủ sở hữu thay vì được sử dụng để đầu tư vào CLB. Thêm một khả năng nữa là CLB sẽ tăng thêm khoản nợ, nhưng điều này hơi khó xảy ra đối với một CLB đã mắc một khoản nợ lớn, đồng thời có nguy cơ làm bùng nên sự giận dữ trong lòng các CĐV vốn đã chẳng có thiện cảm nào với nhà Glazer.

Mối liên hệ với quỹ đầu tư tư nhân Apollo đã dẫn đến những gợi ý rằng Man United có thể đang tìm kiếm nguồn tài chính từ tập đoàn của Mỹ thay vì bán cổ phần. Tuy nhiên, quan hệ đối tác hoặc cổ phần với công ty tư nhân đòi hỏi lợi tức đầu tư cũng sẽ có nguy cơ khiến CĐV thêm phần bất mãn nếu điều đó dẫn đến thất thoát doanh thu của CLB.

Đó là một bí mật khi Man United đang cần vốn và không ai biết họ có đang thảo luận với Ratcliffe hay không. Tỷ phú này được miêu tả là người thực sự quan tâm và đang tìm cách đầu tư vào CLB. Trong khi đó, Apollo có thể đang tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn với tư cách một quỹ đầu tư tư nhân.

Các quỹ đầu tư tư nhân có thể nhận được lợi tức đầu tư trong dài hạn nếu, ví dụ, họ đầu tư vào khu đất xung quanh Old Trafford, tái phát triển mặt bằng và lợi nhuận có thể đến thông qua các địa điểm hòa nhạc, khách sạn và nhà hàng địa phương. Khả năng kiếm tiền của cả CLB và các địa điểm thuộc khu đất này đều có thể tăng lên.

Những người ủng hộ mô hình đầu tư này sẽ lập luận rằng một câu lạc bộ như Man United có thể hoạt động bền vững về mặt tài chính, đồng thời đóng vai trò là một tổ chức cân bằng giữa thành công trên sân cỏ với lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Liverpool được coi là một trường hợp điển hình, nhưng lỗ hổng trong lập luận này ở Man United là gia đình Glazer đã không thể hiện được chiến lược hoặc khả năng phán đoán để mang lại thành công trên sân cỏ nhưng vẫn tiếp tục hưởng lợi nhuận, không giống các chủ sở hữu của Liverpool.

Trong khi đó, sức mạnh tài chính của United đã bị ảnh hưởng khi đã ba lần lỡ hẹn với Champions League trong 7 mùa giải gần nhất. Hợp đồng trang phục với Adidas cũng sẽ giảm đáng kể trong trường hợp Man United có mùa giải thứ hai liên tiếp không được tham dự giải đấu hàng đầu châu Âu.

MU đã trải qua tròn 10 năm trắng tay tại Premier League

Trong khi đó, Ratcliffe thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới Man United và người đàn ông 69 tuổi lớn lên ở phía Tây Bắc nước Anh đang khiến một số lượng lớn CĐV của Man United rất phấn khích khi ông tuyên bố mình là một fan của Quỷ Đỏ từ thời niên thiếu, mặc dù Ratcliffe cũng nói rằng ông đã phải bỏ qua tình cảm đó khi hỏi mua Chelsea.

Ratcliffe và Ineos đã mua đội bóng FC Lausanne-Sport của Thụy Sĩ và Nice của Pháp. Ông cũng hợp tác với người hùng Olympic, Sir Ben Ainslie, để thành lập Đội đua xe đạp Ineos Vương quốc Anh.

Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nhà Glazer muốn nhả toàn bộ cổ phần của Man United. Do đó, có một lựa chọn khả thi cho Ratcliffe là mua cổ phần thiểu số trước rồi hướng đến việc mua lại CLB trong lâu dài; nhưng điều này có khả năng trở thành một quá trình lộn xộn khủng khiếp với sự chia rẽ của hội đồng quản trị.

Rốt cuộc, trong khi Ratcliffe có thể đầu tư tiền, liệu ông ta có muốn trở thành một cổ đông có trong tay lượng cổ phiếu ít ỏi và quyền điều hành vẫn được nắm bởi gia đình Glazer hay không?

Vì thế, một số người trong ngành đã suy đoán rằng mối quan tâm công khai của Ratcliffe đối với Man United là một nỗ lực để khiến nhà Glazer xem xét bán đứt CLB. Nó đã dẫn tới một làn sóng trực tuyến ủng hộ Ratcliffe, trong khi CĐV cũng tiếp tục gây áp lực với nhà Glazer thông qua các cuộc biểu tình tại các trận đấu, cũng như tạo sức ép để các nhà tài trợ cắt đứt quan hệ với những người chủ sở hữu bị ghét bỏ tại Manchester.

Nhà Glazer đã chống lại mọi ồn ào, mọi điều tiếng và mọi lời chỉ trích. Nhưng những tháng sắp tới sẽ cho chúng ta biết họ có thể tiếp tục bất chấp tất cả, tiếp tục nhìn tiền chảy vào hầu bao của họ, hay ngai vàng tại Manchester United sẽ đổi chủ sau gần hai thập kỷ.

Tương lai của MU vẫn hết sức tăm tối
 
Thực hiện

Nội dung: Khôi Nguyên

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
    Bình Luận