Rodgers vs. Ten Hag: Người đàn ông có nhiều khuôn mặt

Rodgers đang đi vào vết xe đổ của chính ông tại Liverpool, một chiến lược gia giỏi chuyên môn nhưng vụng về trong ứng xử và ứng biến với áp lực. Ngược lại, đối thủ của ông đêm nay, Ten Hag lại được xem là một người đàn ông có khả năng biểu đạt nhiều
Rodgers vs. Ten Hag: Người đàn ông có nhiều khuôn mặt

Bổn cũ soạn lại

Brendan Rodgers từng được xem là tương lai của bóng đá Anh khi giúp Swansea thăng hạng ngay ở mùa giải đầu tiên (2010/2011) và trụ lại thành công với ngân sách hạn hẹp. Khi đó, HLV Bắc Ireland mới 37 tuổi và trở thành hiện tượng của Premier League. Triết lý bóng đá của ông thậm chí được so sánh với Pep của Barcelona. 

Nhờ thành công vang dội ở Swansea City, Rodgers được Liverpool trải thảm đỏ mời về vào năm 2012. Ở thời điểm đó, Liverpool ở trong hoàn cảnh của M.U hiện tại: một đại gia vật lộn tìm lại đỉnh cao và đặt niềm tin vào một HLV mới, một triết lý bóng đá mới. 

Tài năng của Rodgers nhanh chóng được bộc lộ. Sau khởi đầu có phần chập chạm ở Anfield, ông biến Liverpool trở thành cỗ máy tấn công siêu hạng ở mùa thứ 2, ghi tổng cộng 101 bàn thắng tại Premier League. Liverpool chỉ thiếu một chút may mắn để vượt mặt Man City giành chức vô địch, nhưng tất cả đều tin rằng họ đã thực sự trở lại. Rodgers được bầu chọn là HLV xuất sắc nhất năm của LMA, trở thành “thuyền trưởng” đầu tiên của Liverpool chiến thắng trong lịch sử giải thưởng này.

Tuy nhiên, chỉ có chuyên môn là không đủ. Ở Rodgers thiếu sự ứng biến linh hoạt. HLV người Bắc Ireland cũng bị đánh giá là “quá hiền” với thế giới đầy rẫy chiêu trò và các tin đồn thất thiệt như Premier League. Những yếu tố này khiến Rodgers không thể làm chủ các ngôi sao trong phòng thay đồ và bất lực với giới truyền thông.

Ông cũng tỏ ra thiếu tự tin, thiếu tham vọng làm việc với những cầu thủ lớn. Trong suốt thời gian tại Anfield, HLV này mua cầu thủ theo số lượng thay vì chất lượng, và đa phần đều thất bại. Kết cục, bản thân ông cũng bị Liverpool sa thải vì dựng lên một đội hình tạp nham.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra với Rodgers tại Leicester. Sau 2 mùa đầu tiên gây ấn tượng mạnh tại King Power, HLV người Bắc Ireland đã không thể kiểm soát đà lao dốc của The Foxes.

Lần này, ông khiến tất cả ngỡ ngàng khi công khai chỉ trích CLB và ban lãnh đạo. “Chúng tôi không có môi trường ổn định để phát triển. Đội bóng thiếu gắn kết và tính tập thể”, Rodgers cay đắng thừa nhận trước trận đấu với M.U.

Một Ten Hag đa nhân cách

Thất bại của Rodgers sẽ trở nên đậm nét khi ông đối mặt với Ten Hag vào đêm nay. Trái ngược với sự “cục mịch” của Rodgers, Ten Hag được giới truyền thông Anh đánh giá là “người đàn ông có nhiều khuôn mặt”. Trong phòng họp báo là một Ten Hag. Trên sân tập là một Ten Hag khác. Trong phòng thay đồ và trên sân đấu là một Ten Hag khác nữa.

Những người không theo dõi Ten Hag có lẽ sẽ bị sốc nặng khi ông văng tục trên sóng truyền hình sau khi M.U đánh bại Liverpool, qua đó cắt mạch toàn thua ở Premier League mùa này. Thực tế, HLV người Hà Lan đã “chửi” các cầu thủ M.U như cơm bữa. Với ông, không có khái niệm ngôi sao trong một đội bóng. Kể cả đội trưởng Harry Maguire hay huyền thoại sống Ronaldo cũng phải ngồi ngoài nếu không phù hợp.

Trong phòng họp báo, Ten Hag luôn hiện diện như một người đàn ông lịch thiệp nhưng cứng rắn. Ông biết cách làm chủ truyền thông, ít nhất ở thời điểm này. Ten Hag biết rõ mình cần nói gì hoặc không. Ông cũng biết mình có thể gây chiến với ai, như cách từ chối thẳng thừng phóng viên của Sky Sports, Gary Cotterill - người đeo bám làm phiền ông từ khi có tin đồn đến M.U.

Tài ứng biến của Ten Hag khiến ông trở nên khó lường. Đây là điều rất quan trọng trong việc quản trị một đội bóng nổi tiếng, chịu nhiều áp lực như M.U. Người tiền nhiệm của Ten Hag, Ralf Rangnick thừa nhận ông “không dám loại Ronaldo” vì tiền đạo này vẫn ghi bàn. Ten Hag thì khác.

Điều thú vị nằm ở chỗ, ngay sau khi truyền thông Anh lên tin đồn phòng thay đồ M.U bất ổn, Ten Hag hoặc đội ngũ của ông lại có cách dập tắt. Điển hình nhất là chuyện HLV người Hà Lan phạt các cầu thủ M.U chạy 13,4 km sau trận thua Brentford.

Bằng cách nào đó, các nguồn tin lớn ở Anh được tuồn tin… Ten Hag cũng chạy cùng. Từ chỗ tiêu cực, thông tin này trở thành tích cực, khiến cánh phóng viên Anh càng thích Ten Hag hơn. Nhờ thế, M.U dưới thời Ten Hag đang đoàn kết khó tin, ngay cả khi ông là HLV khởi đầu tệ nhất 100 năm qua ở Old Trafford.

Ten Hag vừa đấm vừa xoa Ronaldo
Xuyên suốt quá trình Ronaldo đòi ra đi ở mùa hè này, Ten Hag đã xử lý cực kỳ khéo léo trên mặt trận truyền thông. Trước báo giới, HLV người Hà Lan luôn giữ một đường lùi cho CR7. “Cậu ấy chưa bao giờ nói với tôi như vậy”, Ten Hag khẳng định khi bị phóng viên hỏi về việc Ronaldo quyết tâm rời Old Trafford. Nhưng ở phía sau, Ten Hag sẵn sàng đẩy Ronaldo lên ghế dự bị và chứng minh M.U thậm chí chơi tốt hơn mà không cần tiền đạo 37 tuổi này.

    Bình Luận