Todd Boehly, người Mỹ không trầm lặng ở Premier League  

Những phản ứng trước các ý tưởng của chủ sở hữu Chelsea là Todd Boehly cho thấy bóng đá Anh thích các ông chủ nước ngoài giữ im lặng hơn là đưa ra đề xuất ngớ ngẩn cho Premier League.  

Bob Dylan từng có một lời khuyên nổi tiếng dành cho các nghệ sĩ tham vọng: Hãy viết 10 bài hát mỗi ngày, và sau đó bỏ đi 9, chỉ giữ lại 1 bài duy nhất. Theo một cách nào đó, đây cũng là cách tiếp cận của Todd Boehly với bóng đá Anh. Ông chỉ đề xuất ra các ý tưởng và xem có ai chào đón nó hay không.  

Không nhất thiết đó phải là những sáng kiến hay hoặc ứng dụng được ngay vào thực tế. Boehly có thể đưa ra những ý tưởng đơn giản, hoặc chỉ có sức nặng và tính logic ở một thời điểm nào đó. Nhưng dù sao thì ông chủ của Chelsea cũng đã nói lên suy nghĩ của mình.  

Vì vậy, trong giai đoạn này, thực sự không cần thiết phải quá chú tâm đến những gì Todd Boehly đã phát biểu tại Hội nghị kinh doanh ở Jerky Falls, Connecticut vào tuần trước. Để có thể đánh giá một cách tỉnh táo lợi ích của một trận đấu giữa các ngôi sao bóng đá miền Nam và miền Bắc nước Anh, cần nhiều chuyên gia cùng cân nhắc kỹ lưỡng và nghiêm túc chứ không chỉ phụ thuộc vào mỗi Boehly.  

Điều gây thú vị là phản ứng mạnh mẽ và sự tức giận của dư luận sau bài diễn thuyết của Todd: Tại sao những bình luận của một người đàn ông Mỹ lại tạo ra sức sát thương lớn đến vậy đối với tâm lý của giới bóng đá Anh? Nguyên nhân có lẽ đến từ việc Boehly là người Mỹ nhưng lại là một người Mỹ rất đặc biệt. Boehly không phải là tỉ phú Mỹ đầu tiên cố gắng kiếm tiền từ bóng đá Anh hay ước mơ thay đổi nó. Nhưng có lẽ ông là người đầu tiên công khai dự định của mình mà không ngại ngùng hay kiêng dè.  

Khi làm như thế, Boehly tạo nên một mối căng thẳng chưa từng có trong giới bóng đá Anh: Giữa văn hóa và truyền thống của môn thể thao vua với những người chủ sỡ hữu và các cổ động viên - bộ phận có sức ảnh hưởng đến bóng đá lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.  

Tất nhiên, hầu hết những người đồng hương của Boehly tại Premier League đều tránh khỏi sự căng thẳng này bằng cách này hay cách khác. Có thể xét tới tính chiến lược và tiềm lực của từng CLB, nhưng họ đều chọn cách né tránh thay vì đối đầu. Ông chủ Randy Lerner của Aston Villa đã gạt đi tính cách Mỹ của mình để đắm chìm vào truyền thống, lịch sử của CLB và xây dựng lại quán rượu Holte mục nát gần Villa Park.  

Ông chủ người Mỹ Todd Boehly thích nói là nói theo đúng phong cách Mỹ

John Henry đã cố gắng thể hiện mình là một ông chủ nhân từ hơn là một kẻ trục lợi ở Liverpool. Stan Kroenke và nhà Glazer, cùng với nhiều chủ sở hữu nước ngoài khác đều có quan điểm… nói và làm càng ít càng tốt. Một câu nói ngắn gọn, như một điều luật bất thành văn khá phù hợp với cách làm của các ông chủ Mỹ trong nhiều năm qua: Này, đây là món đồ của bạn và chúng tôi không muốn thay đổi nó.  

Và như vậy trong gần hai thập kỷ, đây là những gì người ta vẫn hình dung về các ông chủ Mỹ: một đám nam giới có khuôn mặt nhăn nhó, đội mũ bóng chày, xuất hiện thoáng qua dưới ống kính của các phóng viên. Trên sân, đó là câu chuyện tương tự: Nói về các cầu thủ Mỹ là nói về những thủ môn vững vàng, những hậu vệ to khỏe, những tiền đạo kỹ thuật hạn chế và có cặp lông mày rậm. Về bản chất, bóng đá Anh về cơ bản vẫn chấp nhận người Mỹ, miễn là họ cứ ghi séc đều đặn hoặc giữ gôn thật tốt.  

Boehly thì khác. Boehly không xa cách cũng không coi thường. Nếu nhà Glazer hài lòng với những gì mình đang có với bóng đá Anh thì Boehly muốn vỗ béo nó, nhân bản nó, đưa nó vào chế độ ăn kiêng và cấy steroid để tạo ra món bít tết bionic khoái khẩu cho cả thế giới.  

Hãy tổ chức các trận đấu toàn sao và dàn hoạt náo viên nóng bỏng. Hãy tạo nên siêu giải đấu. Hãy mua Cristiano Ronaldo. Hãy sa thải anh chàng huấn luyện viên người Đức. Hãy lắp đặt một sân chơi bowling ở Cung điện Buckingham. Đó chính là lý do khiến dư luận Anh phản ứng một cách quyết liệt với các ý tưởng của Boehly.  

Không chỉ đơn giản là việc Boehly nghĩ thế nào, mà vấn đề là ông đã nói ra điều mà từ trước đến nay không ai dám nói. Theo nhiều cách, ông chủ Chelsea đánh vào nỗi sợ hãi nguyên thủy của bóng đá Anh, nơi họ vẫn luôn ảo tưởng mình là trung tâm của thế giới: người Anh vẫn nghĩ rằng ngay cả khi họ đã bán đi các CLB, đón nhận làn gió thương mại của nền tài chính toàn cầu, nhảy múa giữa những biến động căng thẳng của thị trường nhưng vẫn có thể giữ được bản chất cơ bản của bóng đá xứ sở sương mù.

Klopp cười chế nhạo trước phát ngôn của Boehly

Dù đem về các ngôi sao quốc tế và nhận nguồn tiền nước ngoài đổ vào, Premier League bằng cách nào đó vẫn được coi là bóng đá đích thực của người Anh. Vì vậy, bất cứ khi nào người Mỹ gây ra ảnh hưởng một cách công khai - sự gia tăng của các nhà phân tích đến từ Mĩ, những cầu thủ già cỗi chuyển đến MLS - thì điều đó luôn vấp phải sự chế nhạo.

Chúng ta đã một lần nữa được thấy điều đó khi Juergen Klopp nói về ý tưởng của Boehly một cách đầy châm biếm: “Khi Boehly tìm được ngày tổ chức trận đấu All-Stars, ông ấy có thể gọi cho tôi. Ông ấy có muốn mang theo cả đội Harlem Globetrotters và để họ thi đấu với một đội bóng đá không?". Trong khi đó, Gary Neville tuyên bố rằng sự đầu tư của các tỷ phú Mỹ là “mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” đối với bóng đá.

Một giải Ngoại hạng Anh được Mỹ hóa trong thực tế sẽ như thế nào? Có thể sẽ có âm nhạc sôi động sau mỗi bàn thắng ghi được, những linh vật khuấy động không khí trong giờ giải lao, giá vé tăng đều đặn, sự bùng nổ về lòng hiếu khách và tập trung vào trải nghiệm của khán giả, và một mô hình cạnh tranh ngày càng giống với độc quyền doanh nghiệp.  

Và rất có thể các diễn viên Hollywood sẽ bắt đầu mua một câu lạc bộ địa phương và biến nó thành nội dung phát trực tuyến, một HLV người Mỹ ưa dùng các cầu thủ Mỹ được một đài truyền hình thuộc sở hữu của Mỹ phân tích trên kênh Monday Night Football. Bạn có thể ăn mừng, hoặc than thở về những sự thay đổi này. Nhưng dù chọn cách nào đi nữa, bạn cũng sẽ phải suy xét về những gì đã xảy ra. 

    Bình Luận