Tuchel bắt đầu sự nghiệp huấn luyện chuyên nghiệp ở Mainz vào năm 2009, sau khi giúp đội trẻ vô địch giải U19. Gần như ngay lập tức, các cầu thủ đội một bị ấn tượng mạnh bởi sự chi tiết trong trao đổi thông tin và các phương pháp tập luyện độc đáo của Tuchel.
Học cách khác biệt là lối kỹ thuật được Tuchel sử dụng trong buổi tập luyện đầu tiên tại Mainz: Khi chuyền bóng, các cầu thủ phải hô tên người mà mình muốn chuyền.
Các cầu thủ chỉ cách nhau có 7-8m và chuyền cho nhau, giống như lứa U13 vậy. Ban đầu, họ vô cùng nghi ngờ tính nghiêm túc của ông thầy mới. Nhưng rồi sự hoài nghi nhanh chóng biến mất.
Tuchel tin rằng bóng đá cũng phải học hỏi những môn thể thao khác, ví dụ như bóng rổ, nơi người ta học kỹ thuật bằng cách giải quyết đồng thời các vấn đề số học. Ý tưởng của việc này là nếu kỹ thuật không còn được thực hiện một cách có ý thức vì bộ não đang bận rộn với các nhiệm vụ phức tạp khác thì hành động đó trở nên độc lập: Tư thế ném biên chính xác, những đường chuyền chính xác và những cú sút đúng vị trí trở thành bản năng thứ hai.
Trong các bài tập sút cổ điển, Tuchel cũng thêm chướng ngại vật theo cách tương tự. Ông luôn muốn gây "xao nhãng" cho cầu thủ. Một lần nữa, chướng ngại khiến các tiền đạo cảm thấy ghi bàn trong một trận đấu còn dễ hơn lúc tập luyện. Tuchel muốn các cầu thủ sút bóng bản năng nhất đến những điểm mà thủ môn đối phương có rất ít cơ hội cản phá.
Thời Tuchel còn làm việc ở Mainz, đội bóng không có tiền để mua Footbonaut - một cỗ máy khổng lồ được điều khiển bằng máy tính có thể chuyền bóng chính xác tới các cầu thủ, giúp họ tăng khả năng khống chế. Nhưng thay vì bó tay, Tuchel sẽ đứng bên ngoài sân, giơ các khối màu đỏ, vàng và trắng để mô phỏng chùm đèn LED của Footbonaut. Tuchel luôn biết chính xác mình muốn gì trong mỗi bài tập và tìm ra bản chất của vấn đề.
Mục tiêu của Tuchel là muốn các cầu thủ thể hiện những kỹ năng cơ bản trong khi loại bỏ mọi suy nghĩ xao nhãng trong đầu. Như ở bài tập chuyền bóng đầu tiên, Tuchel tạo ra xao nhãng trong tâm trí cầu thủ ở mọi khía cạnh của trận đấu. Các sân tập do Tuchel và trợ lý thiết kế rất thử thách bởi kích thước. Chúng luôn rất nhỏ và hẹp. Sẽ luôn có áp lực lên các cầu thủ đang có bóng, vì thế các đường chuyền phải được thực hiện và xử lý chính xác.
Cũng có những sân tập mà có vùng bị cấm. Ví dụ như vòng tròn giữa sân không được phép di chuyển hay chuyền bóng qua, hay hai đường biên bị bó lại - điều phụ thuộc vào đối thủ sắp tới của thầy trò Tuchel. Ví dụ, Tuchel từng phân tích Stuttgart rất mạnh trong việc tranh chấp ở hai hành lang. Vì thế, ông muốn các cầu thủ phải xây dựng bóng thông qua trung tuyến và hạn chế tối đa chuyền bóng ra biên.
Tuchel thiết kế sân tập theo kiểu đồng hồ cát. Trước mặt hai khung thành, không gian rất rộng nhưng ở khu vực giữa sân, mọi thứ bị bó hẹp lại. Tuchel buộc các cầu thủ phải chuyền bóng qua vòng tròn giữa sân, giống như việc xâu kim vậy. Nếu họ thành công trong việc luân chuyển bóng qua giữa sân, không gian đột nhiên sẽ mở rộng. Cuối tuần đó, Mainz giành chiến thắng trong trận đấu mà hai cánh của Stuttgart cực kỳ thiếu hiệu quả.
Những cầu thủ từng làm việc với Tuchel đều cho rằng ông gia tăng sự căng thẳng trong tập luyện lên khoảng 20% so với những HLV khác. Nguyên lý của Tuchel là sẽ chẳng có biến cố nào trên sân nếu bạn chuẩn bị sẵn cho nó.
"Bạn bước ra sân mà không hề lo lắng, trái lại còn có niềm tin tích cực. Các chỉ đạo của Tuchel rất cụ thể. Ông ấy không chỉ mô tả điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ mà còn nói chính xác cách phải phản ứng với chúng", một học trò cũ nhớ lại.
Nhưng dù là một mẫu HLV vô cùng chi tiết, Tuchel lại dành sự thờ ơ bất ngờ với các pha bóng cố định. Các bài tập này thường bị nhét vào cuối buổi tập hay giao cho các trợ lý. Khi còn ở Mainz, Tuchel mô tả đó là việc phí thời gian: "Chúng tôi còn rất nhiều thứ cần cải thiện, tôi không muốn phí thời gian vào các bài bóng chết. Việc đó không hiệu quả để tập luyện trên sân, kể cả phòng ngự lẫn tấn công. Nếu vào mùa đông, các cầu thủ có thể bị cảm lạnh vì đứng một chỗ quá lâu".
Theo Tuchel, cách tốt nhất để hạn chế những mối nguy từ các tình huống cố định là phạm lỗi càng ít càng tốt. Nếu có thể thì chỉ trung bình 8 lần/trận.
Tuchel cũng phát triển một thói quen đặc biệt: Tự tạo ra một loại ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình. Theo ông, đó là cách duy nhất để giao tiếp với cầu thủ trên những sân đấu ồn ào.
Ví dụ, Tuchel thường xuyên giả làm một con thỏ khi lấy tay che tai. Đó là ký hiệu để nhắc các học trò hãy nhớ lại những chỉ đạo trước trận đấu. Nếu ông làm tương tự như thế nhưng với các ngón tay duỗi ra, thì đó nghĩa là "bật anten của cậu lên". Cầu thủ bị nhắm vào sẽ hiểu mình cần chú ý hơn.
Nếu Tuchel bóp mũi, ông muốn các tiền đạo đánh hơi cơ hội ghi bàn. Khi Tuchel đưa ngón trỏ của tay này vào giữa ngón trỏ và ngón giữa của tay kia, ông muốn nói tiền đạo của mình phải khoét vào khoảng trống giữa hai trung vệ.
Tối nay, không những các học trò tại Chelsea mà cả các cầu thủ của Tottenham cũng phải đặc biệt lưu ý tới các hành động dù là nhỏ nhất của Tuchel ở đại chiến tâm điểm vòng 5 Premier League.
Bình Luận