Tính đến lúc này, Barca đã thực hiện 3 đòn bẩy tài chính, thu về gần 700 triệu euro để tăng cường lực lượng và trả các khoản nợ. 2 đòn bẩy đầu tiên là khi Barca bán 25% tiền bản quyền truyền hình trong 25 năm tới cùng 49,9% quyền sở hữu BLM, công ty chính quản lý việc marketing và quyền sở hữu trí tuệ của CLB. Hai đòn bẩy này giúp họ có gần 600 triệu euro.
Đòn bẩy thứ ba, Barca quyết định bán tiếp 24,5% bản quyền Barca Studio cho Socios.com, một công ty chuyên về lĩnh vực tiền mã hoá. Việc làm này giúp Barca nhận về 100 triệu euro.
Việc kích hoạt 3 đòn bẩy tài chính tính đến lúc này để vung tiền ra thị trường chuyển nhượng và mang về 5 ngôi sao hàng đầu cho thấy tham vọng của đội chủ sân Camp Nou trong mùa giải này. Thương hiệu và quyền lực mềm của Barca với bóng đá thế giới đủ tốt để các cầu thủ không băn khoăn về khía cạnh tài chính mà cống hiến trọn vẹn vào chuyên môn.
Robert Lewandowski, chữ ký lớn nhất của Barca hè này, thậm chí không giấu được sự sung sướng: "Tôi như đứa nhóc đang đứng trước cửa hàng đồ chơi vậy. Barca là thuần túy hạnh phúc".
Việc Barca có phải hạnh phúc thực sự hay không thì cần tới khi mùa giải bắt đầu để xác định. Tình hình tài chính bi đát của Barca lúc này khiến không ai trong số Lewandowski, Andres Christensen, Franck Kessie, Jules Kounde hay Raphinha được được đăng ký đá La Liga mùa này. Hạnh phúc mấy nhưng không được thi đấu thì đều chóng tan.
Nỗ lực giải phóng quỹ lương của Barca
Bất chấp việc chưa dừng lại trên thị trường chuyển nhượng khi dường như đã đạt thỏa thuận với Man City về trường hợp của Bernardo Silva, Barca đang buộc phải đẩy đi nhiều ngôi sao lương cao tại Camp Nou lúc này.
Memphis Depay, Frenkie de Jong và Martin Braithwaite là ba cái tên Barca muốn giải phóng ngay lập tức để thiết lập khoảng trống trong quỹ lương, từ đó đăng ký các ngôi sao mới. Quá trình này không đơn giản.
Thương vụ De Jong vốn đã thu hút sự chú ý trong thời gian qua khi Barca vốn nợ tiền vệ người Hà Lan khoảng 18 triệu euro tiền lương, thưởng các loại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Barca hiện muốn quịt luôn khoản nợ này khi đồng ý bán De Jong cho đối tác hỏi mua (MU). Khi De Jong không đồng ý, Barca yêu cầu tiền vệ người Hà Lan giảm lương, hình thức khác của việc từ chối trả khoản nợ.
Trong diễn biến mới nhất, Barca còn đe dọa sẽ đưa De Jong ra tòa vì phát hiện hợp đồng gia hạn hồi tháng 10/2020 giữa tiền vệ này với BLĐ cũ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. De Jong dĩ nhiên không chấp nhận chuyện này.
Nhưng may cho Barca là cứu tinh Chelsea đã tới. Những nguồn tin thân tín nhất của hai CLB này tại Tây Ban Nha và Anh đều xác định thương vụ đang dần đi tới hồi kết. Chelsea trong nỗ lực khuếch trương thanh thế ở thời tân Chủ tịch Todd Boehly sẵn sàng trả đủ phí chuyển nhượng và trả luôn cả khoản nợ của Barca với De Jong.
Memphis Depay trong khi đó đang ngắm nghía được bến đỗ mới là Juventus. Không giống trường hợp De Jong, thương vụ này dễ chịu hơn khi Barca không nợ Depay khoản tiền nào. Khúc mắc duy nhất là Barca phải trả phí hủy hợp đồng với tiền đạo người Hà Lan để anh gia nhập Juve theo dạng chuyển nhượng tự do.
Tính đến lúc này, Barca đã đẩy đi 9 cầu thủ. Ngoài De Jong và Depay được nhiều đội bóng theo đuổi, Barca vẫn còn Samuel Umtiti, Martin Braithwaite và Miralem Pjanic là những gánh nặng về lương cần giải quyết để chuẩn bị cho mùa giải mới sẽ bắt đầu sau đây đúng 2 ngày.
Nếu không thể đăng ký các tân binh, viễn cảnh tệ nhất có thể đến khi Kessie và Christensen được phép rời Barca ngay trong mùa hè này theo dạng chuyển nhượng tự do.
Chủ tịch Laporta đang nỗ lực giúp Barca có lực lượng tốt nhất để cạnh tranh chức vô địch Champions League. Ảnh: Reuters.
Barca mạo hiểm thế nào
Đối mặt khủng hoảng tài chính không mới với thế giới bóng đá. Không ít ông lớn của túc cầu giáo phải chắt bóp, chi tiêu dè sẻn, thậm chí bán máu để thích nghi với thời cuộc.
Tuy nhiên, không CLB nào làm được như Barca lúc này. Bất chấp việc đối diện khoản nợ 1,5 tỷ euro, Barca liên tục kích hoạt các đòn bẩy tài chính để có được khoản tiền trong ngắn hạn nhằm mua sắm. Tính đến lúc này, 3 đòn bẩy đã được Chủ tịch Joan Laporta cùng bộ sậu thông qua, đủ để Barca mua 3 ngôi sao đắt giá Lewandowski, Raphinha và Jules Kounde.
Sports xác nhận Barca đang chuẩn bị kích hoạt đòn bẩy thứ tư khi bán tiếp một phần bản quyền truyền hình trong 25 năm tới để thu về 100 triệu euro, con số đủ để họ đưa Bernardo Silva về Camp Nou.
Barca đúng hay sai trong toàn bộ quá trình kích hoạt 4 đòn bẩy tài chính này? Dĩ nhiên Barca không sai. Nhưng họ rất liều lĩnh khi chọn cách giải quyết nợ nần bằng việc kích hoạt đòn bẩy kiểu này.
Đứng trên góc độ tài chính, Barca đang có tiền, tương lai gần họ cũng sẽ có tiền. Nhưng tương lai xa thì chưa chắc khi nguồn thu lớn nhất là bản quyền truyền hình đã bị bán dần để đổi lấy chi phí tăng cường của hiện tại.
Dĩ nhiên, đội ngũ lãnh đạo và cố vấn của Laporta thừa đủ thông minh để hiểu rủi ro của các đòn bẩy tài chính này và viễn cảnh sẽ xảy ra nếu họ không thể đăng ký các tân binh vào danh sách thi đấu La Liga mùa này.
Barca có cơ sở để tin vào việc mình đang làm. Về cơ bản, mọi khoản thu sẽ thay đổi nếu Barca giành được các danh hiệu. Họ sẽ có thêm thu nhập từ quảng cáo và từ chính việc giành các chiếc cúp. Nên nhớ, một phần lý do khiến Barca lỗ nặng mùa trước là việc bị loại từ vòng bảng Champions League.
Nếu thi đấu tốt tại Champions League mùa tới, Barca sẽ phần nào giải quyết được các khoản nợ họ đang đối mặt.
Bên cạnh đó, cái đích mà Laporta cùng đồng sự hướng tới là Super League, giải đấu được xem là sẽ tạo ra cú hích không tưởng về tiền bạc với những đội bóng tham gia. Đây là kế hoạch mà Barca vẫn đang góp mặt bất chấp sự phản đối từ UEFA cũng như CĐV.
Nếu Super League thành hình và Barca có vai trò quan trọng như họ vốn vậy, việc giải quyết mọi đòn bẩy tài chính chỉ là chuyện nhỏ. Đội chủ sân Camp Nou sẽ có ngay lập tức 350 triệu euro và được chia đều khoản tiền bản quyền truyền hình được dự tính lên tới 3,5 tỷ euro với 11 CLB khác.
Báo chí Tây Ban Nha nhấn mạnh người hỗ trợ Barca nhiệt tình nhất trong việc kích hoạt các đòn bẩy tài chính là Florentino Perez, Chủ tịch Real Madrid và cũng là người đứng đầu Super League.
Không phải ngẫu nhiên Perez giúp Barca làm điều này. Sự tồn vong của Barca có ảnh hưởng lớn đến Super League, con đường duy nhất giúp các đội bóng lớn như Real Madrid không phải chia sẻ tiền bản quyền truyền hình và các miếng bánh tài chính màu mỡ khác với UEFA.
Song dĩ nhiên, Super League vẫn là giấc mơ chưa thành hiện thực của không chỉ Barca, Real Madrid mà còn nhiều CLB khác. Dù nhìn theo cách nào thì Barca vẫn đang đánh cược tương lai vào hiện tại với 3 đòn bẩy tài chính đã được kích hoạt cùng tương lai phụ thuộc vào thành tích trên sân cỏ và những đàm phán sau cánh gà.
Có lý do để lãnh đạo Bayern Munich bông đùa về việc Barca chưa chắc đã tồn tại trong 2 năm tới. Việc kích hoạt đòn bẩy tài chính trong đầu tư luôn đi kèm rủi ro "cháy tài khoản".
Nếu Barca không gặt hái được danh hiệu trong mùa giải này và Super League không thành hình rồi đi vào hoạt động trong thời gian sắp tới, viễn cảnh tồi tệ nhất với Barca, vỡ nợ, hoàn toàn có thể tới.
Bình Luận