Thế nhưng, có vẻ càng ngày sức ảnh hưởng của La Masia đến chất lượng chuyên môn của đội bóng càng giảm sút. Nhìn vào đội hình của Barca, không khó để nhận ra, những thành viên của La Masia năm nào giờ đây đều đã luống tuổi, trường hợp gần nhất ngoài Sergi Roberto cũng không còn ai, trong khi những nhân tố mới đều được BLĐ đội bóng mang từ bên ngoài về.
Điều này xảy ra chính là hệ quả của việc chủ tịch Josep Maria Bartomeu dường như theo đuổi chính sách Galacticos của Real Madrid, nhằm tạo nên một dải ngân hà tại Catalonia. Không thể phủ nhận, việc vung tiền tấn nhằm đem về những ngôi sao lớn có tác động tích cực đến chiến dịch tranh đoạt ngôi vương ở La Liga cũng như tại Champions League của CLB.
Trong quá khứ, những Ronaldinho, Samuel Eto’o, Thierry Henry, hay gần đây là Luis Suarez và Neymar, tất cả họ đều là những khẩu pháo hạng nặng, giúp Barca bắn phá tan nát bất kể hàng phòng ngự nào. Thế nhưng, đừng quên, ngôi sao số một thế giới, linh hồn của tập thể Barcelona xuất phát từ đâu, chính là ngôi nhà thân thuộc La Masia. Không chỉ M10, mà Iniesta, Xavi, Pique cũng đều trưởng thành từ lò đào tạo của CLB. Vậy câu hỏi đặt ra là, nên tiếp tục vung tiền săn sao, hay quay lại những giá trị xưa cũ?
Vung tiền săn sao
Trước hết phải khẳng định, thị trường cầu thủ cũng như bất kỳ thị trường nào khác, luôn là tiền nào của nấy. Bỏ ra vài chục, thậm trí là hơn trăm triệu euro, tất nhiên thành quả thu về cũng là tương xứng. Ngôi sao, họ là những cầu thủ đã khẳng định được đẳng cấp của mình. Đương nhiên trên lý thuyết, một cầu thủ dù thi đấu hay ở CLB cũ, chuyển về CLB mới vẫn có khả năng thi đấu không mấy ấn tượng.
Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng hay gặp nhất là vấn đề không hòa nhập được với lối chơi của toàn đội. Tuy nhiên, với những ngôi sao lớn thực sự, xác suất để họ tiếp tục thăng hoa ở bến đỗ mới là khá cao, dù thời gian đầu có thể hơi chệch choạc.
Thứ hai là việc tìm kiếm những món hời trên thị trường chuyển nhượng. Nhìn sang Premier League, điển hình nhất là trường hợp của Mohamed Salah và Kevin De Bruyne. Tiền đạo người Ai Cập khi cập bến Liverpool chỉ có giá 42 triệu euro, còn De Bruyne là 53 triệu. Thế nhưng, nếu giờ đây bất kể CLB nào muốn có được một trong hai người, họ sẽ phải đặt lên bàn đàm phán ít nhất gấp rưỡi chỗ tiền đó.
Lại nhìn sang trường hợp của Umtiti, cầu thủ người Pháp trước khi đến Barca, nếu nói là một gã vô danh thì hơi quá, nhưng cũng chỉ là một cầu thủ hạng hai, chẳng thế mà Barca khi mang số 23 về cũng chỉ đặt mức phá vỡ hợp đồng 60 triệu euro. Sau hơn một năm thi đấu tại La Liga, hậu vệ trẻ sinh năm 1993 đã trưởng thành vượt bậc, vươn lên trở thành một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới. Thế mới thấy, Barca cũng là một CLB rất giỏi trong việc săn những món hời.
Thế nhưng, điều gì cũng có cái giá của nó
Trong những ngày gần đây, vấn đề khiến chủ tịch Josep Maria Bartomeu cũng như HLV Ernesto Valverde đau đầu nhất chính là việc xúc tiến gia hạn hợp đồng với Umtiti. Cầu thủ người Pháp thi đấu càng hay, giá trị trên thị trường chuyển nhượng của Umtiti càng nhảy số liên tục, đó là hệ quả tất yếu.
Thế nhưng, điều này có lẽ sẽ khiến các cule phải lo lắng, bởi những “con sói” của làng túc cầu, sẽ lao vào giành nhau miếng thịt béo bở trên tay gã khổng lồ. Bản thân Umtiti trong những ngày qua cũng ra yêu sách: “Nâng lương hoặc tôi sẽ đến MU”. Chưa kể đến việc Umtiti rời Barca sẽ gây ra những hậu quả gì về mặt chuyên môn, chỉ một chút “làm mình làm mẩy” ngay trước thềm đại chiến AS Roma cũng đủ khiến đội chủ sân Camp Nou chao đảo trong bối cảnh hàng thủ Barca không có một cái tên đẳng cấp để thay thế.
Hãy đặt câu hỏi, tại sao lại như vậy? Câu trả lời là bởi, những cầu thủ bên ngoài đến với Barca, dù là vì tiền, vì để khẳng định tên tuổi, để tìm kiếm danh hiệu, hay vì mục đích gì đi nữa, phần lớn trong số họ chỉ là những “vị khách qua đường”, đến khi cảm thấy cần ra đi thì sẽ ra đi, chứ trong họ, không hề có thứ gọi là “lòng trung thành”.
“Lòng trung thành” – thứ khó xuất hiện từ những cầu thủ bên ngoài
Với những cầu thủ xuất thân La Masia, thi đấu cho đội hai Barcelona, rồi được đôn lên đội một, Barca trong họ, cũng như khẩu hiệu của CLB – không chỉ là một đội bóng. Phải, Barca còn là ngôi nhà thứ hai. Những Carles Puyol, Iniesta, Xavi, hay Lionel Messi, có ai không phải là một trong những siêu sao đẳng cấp nhất trong thời đại của họ.
Iniesta ở tuổi 33 vẫn là một trong những tiền vệ tấn công bậc nhất, Xavi từng là ông vua khu trung tuyến, Carles Puyol là một trong những thủ lĩnh hàng phòng ngự xuất sắc nhất mọi thời đại với lối chơi đầy cống hiến, nhiệt huyết, hay như Lionel Messi, đã, đang, và sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới.
Trong số họ, có ai không từng nhận được sự “mồi chài” từ các ông lớn khác nơi lục địa già. Điển hình là Messi, người từng có tin đồn sẽ cập bến Man City trong một phi vụ thế kỷ để nhận mức lương lên tới 800.000 bảng/tuần. Thế nhưng sau tất cả, họ vẫn ở lại với người dân Catalan, vẫn phục vụ đội bóng quê nhà bằng sự tận tụy, trung thành nhất có thể.
Điển hình là Carles Puyol – người đội trưởng trọn đời phụng sự cho đội chủ sân Camp Nou, hay Messi – người cam kết gắn bó cả sự nghiệp với đội bóng, hoặc chỉ ra đi khi không còn nằm trong kế hoạch của CLB – Xavi và Iniesta.
Cán cân trong lòng họ, bên cạnh lương, thưởng, còn tồn tại một thứ gọi là tình yêu – tình yêu với ngôi nhà Barcelona, một thứ mà không thể đong đếm bằng tiền bạc, một thứ níu kéo đôi chân tâm trí họ mỗi khi đôi chân muốn ra đi.
Tất nhiên không thể đòi hỏi quá nhiều ở các “vị khách qua đường” những thứ xa xỉ như lòng trung thành hay tình yêu, đặc biệt là trong thế giới bóng đá hiện đại, bởi đó là thứ, chỉ xuất hiện ở những đứa con lớn lên ở ngôi nhà La Masia, ngôi nhà Barcelona, ngôi nhà Catalonia.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận