Atletico không phải là đội bóng thiếu tiền. Mùa này, họ được thông qua khoản ngân sách hoạt động lên tới 400 triệu euro. Tuy nhiên, HLV Diego Simeone không phải thích mua gì thì mua. Ông luôn phải tìm mọi cách để giúp CLB tằn tiện từng đồng qua mỗi đợt mua sắm. Nguyên tắc của Atletico trên thị trường chuyển nhượng suốt 10 năm qua là bất di bất dịch: Muốn có tiền “shopping”, ông Simeone bắt buộc phải bán bớt cầu thủ.
Còn nếu không chịu thanh lý cầu thủ trước khi mua sắm, HLV Simeone sẽ phải liệu cơm gắp mắm, thậm chí phải tăng cường lực lượng bằng những bản hợp đồng miễn phí hoặc dưới hình thức mượn cầu thủ. Đó là lý do tại sao nửa đỏ trắng thành Madrid vừa đưa về sân Wanda Metropolitano tiền vệ Axel Witsel từ Dortmund dưới dạng chuyển nhượng tự do. Hay ở những mùa trước là các thương vụ chẳng mất xu phí chuyển nhượng nào như Luis Suarez, Antoine Griezmann…
Nếu nhìn vào lịch sử chuyển nhượng của Atletico qua mấy “phiên chợ” Hè gần đây, có thể nhận thấy rằng, Atletico rất biết cân đối trong việc mua sắm, thậm chí còn làm ăn có lãi. Cụ thể, ở mùa Hè năm 2018, họ thu về 104 triệu euro từ việc thanh lý cầu thủ, trong khi chỉ mua sắm hết 95 triệu euro. 1 năm sau đó, họ kiếm được 309 triệu euro nhờ “bán máu”, nhưng chỉ tiêu 247 triệu euro. Trong mùa Hè năm 2000, Atletico bán cầu thủ được 83 triệu euro và họ cũng chỉ tiêu vượt quá con số này chưa đến 10 triệu euro.
Tính đến thời điểm hiện tại, bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử của Atletico là vụ chiêu mộ chân sút Joao Felix từ CLB Benfica trong mùa Hè năm 2019 với giá 126 triệu euro. Sở dĩ ông Simeone dám phóng tay như vậy bởi cũng trong phiên chợ năm đó, nửa đỏ trắng thành Madrid đã bán Griezmann cho Barca với phí chuyển nhượng 120 triệu euro, chưa kể những khoản đền bù phát sinh sau đó mà đội bóng xứ Catalunya phải chi để Atletico không kiện họ đã “đi đêm” với tuyển thủ Pháp.
Trở lại với mùa Hè năm nay, sau Witsel, Atletico chắc chắn sẽ phải chiêu mộ thêm một số tân binh, trong đó họ cần phải tăng cường ít nhất 1 tiền đạo sau sự ra đi của Luis Suarez. Tuy nhiên, HLV Simeone cũng không có ý định đưa về Wanda Metropolitano những chân sút đình đám. Gần đây, xuất hiện tin đồn Atletico đang tiến rất gần đến việc sở hữu tiền đạo 23 tuổi German Berterame của CLB Atletico San Luis với giá khá “mềm”. Ngoài ra, nửa đỏ trắng thành Madrid còn theo đuổi tham vọng giành chữ ký của Paulo Dybala dưới dạng chuyển nhượng tự do, sau khi anh hết hạn hợp đồng với Juventus vào ngày 30/6 tới.
Ngân sách hoạt động của Atletico không hề nhỏ, không những vậy còn tăng qua từng năm. Phải nhắc lại rằng, năm 2013, đội bóng thủ đô Madrid chỉ được thông qua khoản ngân sách là 140 triệu euro, nhưng bây giờ, con số đã lên đến 400 triệu euro (bất chấp Atletico vừa trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính do sự bùng phát của dịch Covid-19). Tuy nhiên, CLB cũng phải chi rất nhiều, trong đó tiền lương trả cho các cầu thủ cũng như các thành viên trong ban huấn luyện chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chẳng nói đâu xa, thủ môn Oblak và tiền đạo Griezmann hiện mỗi người đều đang bỏ túi 10 triệu euro mỗi năm.
Tất nhiên, Atletico tuy tằn tiện, nhưng không hề hà tiện. Họ chi tiêu có nguyên tắc, để tránh CLB rơi vào tình cảnh đứng bên bờ vực phá sản như trường hợp của “ông lớn” Barca hiện giờ.
Hè 2019 bội thu của Atletico
Đến nay, Top 3 vụ bán cầu thủ được giá nhất lịch sử Atletico đều diễn ra trong mùa Hè năm 2019. Cụ thể, họ bán Griezmann cho Barca với giá 120 triệu euro, bán Lucas Hernandez cho Bayern Munich với giá 80 triệu euro và bán Rodri cho Man City với giá 63 triệu euro.
35 - Rodrigo de Paul là bản hợp đồng đắt giá nhất của Atletico ở mùa Hè năm ngoái, 35 triệu euro từ Udinese. Sở dĩ HLV Simeone phải dè sẻn như vậy bởi họ chỉ thu về 24 triệu euro từ tiền bán cầu thủ.
Bình Luận