Bóng đá Tây Ban Nha trước làn sóng xâm chiếm của chủ ngoại

Bóng đá Tây Ban Nha vẫn không ngừng phát triển theo thời gian. Dù vậy, với xu thế toàn cầu hóa, các CLB La Liga nói riêng và bóng đá xứ bò tót nói chung đang đối mặt làn sóng xâm chiếm ngày một mạnh mẽ từ giới chủ ngoại.
Bóng đá Tây Ban Nha trước làn sóng xâm chiếm của chủ ngoại

Bóng đá Tây Ban Nha bị “ngoại hóa”

Theo thống kê, 8 đội bóng thuộc La Liga và 6 đội bóng thuộc Segunda - giải hạng 2 của Tây Ban Nha - hiện có chủ sở hữu đến từ Mỹ, Mexico, Brazil, Argentina, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Trung Quốc hoặc Singapore.

Với việc các nhà đầu tư Mỹ và Mexico đổ bộ vào Zaragoza, Leganes và Sporting Gijon, 14/42 CLB thuộc hai hạng đấu cao nhất bóng đá Tây Ban Nha thuộc về tay các ông chủ nước ngoài, chiếm 33%. Chỉ có 4 đội bóng vẫn thuộc sở hữu của các hội viên là Barcelona, Real Madrid, Athletic Bilbao và Osasuna.

Sporting Gijon hiện nằm trong tay Tập đoàn Orlegi Sports sau cuộc chuyển giao trị giá 42 triệu euro, là cái tên mới nhất tiếp nối làn sóng “ngoại hóa” vào bóng đá Tây Ban Nha kể từ khi các triệu phú như Dmitry Piterman hay Abdullah Al Thani đặt chân đến Racing Santander và Malaga.

Cách đây ngót 2 thập kỷ, Piterman được coi như người đi tiên phong trong việc sở hữu các CLB Tây Ban Nha. Ông mua lại 24% cổ phần của Racing Santander năm 2003 nhưng không thể nâng tầm đội bóng, và chuyển sang mua lại Deportivo Alaves. 

Al Thani cũng là cái tên đáng chú ý khi đổ tiền đầu tư vào Malaga, giúp CLB này trở thành hiện tượng tại La Liga. Dù vậy, mọi chuyện rốt cuộc cũng không đi đến đâu, dẫn tới Malaga sau đó phải bán đi hàng loạt ngôi sao, khiến họ quay trở lại vị thế vốn có của một đội bóng tầm trung. 

Những phi vụ đầu tư của Piterman và Al Thani năm xưa được xem là khởi đầu cho một phong trào bốc đồng, nên thất bại như một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, theo thời gian, giới chủ nước ngoài đổ bộ vào Tây Ban Nha đã thay đổi tư duy, làm bóng đá logic và chuyên nghiệp hơn. Họ đưa về ít hợp đồng ngôi sao, tập trung vào phát triển dài hạn để tạo nền tảng và thu hồi vốn đầu tư.

Theo một nghiên cứu của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha, đầu tư nước ngoài vào nền thể thao nước này đã phá vỡ con số kỷ lục năm 2021, đạt 278 triệu euro, gấp 9 lần so với năm 2020. Trong số này, bóng đá là lĩnh vực được rót vốn nhiều nhất. 

Tập đoàn Ares Management của Mỹ đã bỏ 120 triệu euro mua cổ phần của Atletico Madrid. Rastar Group, công ty của tỷ phú Trung Quốc Chen Yansheng, đã đầu tư 50 triệu vào Espanyol - CLB mà ông sở hữu từ năm 2016. Trong khi đó vài tháng trước, quỹ đầu tư Mỹ Amber Capital đã tiếp quản 51% cổ phần của Zaragoza, CLB hiện do doanh nhân Florida Jorge Mas làm chủ tịch, người cũng có cổ phần tại CLB Inter Miami của David Beckham.

Valladolid của cựu danh thủ Brazil, Ronaldo sẽ trở lại La Liga từ mùa giải 2022/23

3 CLB thăng hạng với nguồn vốn ngoại

La Liga 2022/23 sẽ đón chào sự có mặt của 3 tân binh gồm Almeria, Valladolid và Girona. Đáng chú ý, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả 3 CLB này hiện đều thuộc sở hữu của chủ ngoại.

Almeria đang nằm trong tay ông chủ Turki Al-Sheikh - một cố vấn của Tòa án Saudi Arabia. Valladolid thuộc quyền kiểm soát của huyền thoại bóng đá người Brazil, Ronaldo de Lima. Còn Girona hiện là một trong những đội bóng thuộc City Football Group của UAE. City Football Group cũng chính là Tập đoàn sở hữu Man City.

Trong khi đó, những cái tên khác như Zaragoza, Gijon, Leganes - đội bóng gần đây được mua bởi doanh nhân người Mexico Jeff Luhnow và công ty Blue Crow Sports của ông, vẫn sẽ tiếp tục hành trình tại Segunda. Malaga hiện vẫn nằm trong tay Al Thani và đang chờ bán, còn Real Oviedo thuộc sở hữu của Carlos Slim người Mexico.

Tuy nhiên, dòng tiền nước ngoài đầu tư vào bóng đá Tây Ban Nha không chỉ được sử dụng để tiếp quản tài sản của CLB, mà còn cung cấp ngân sách phát triển, xây dựng đội bóng như trường hợp của American Ares Management và Quantum Pacific Group tại Atletico Madrid. 

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Sevilla, nơi 777 Partners, một Tập đoàn đầu tư đến từ Mỹ, đang chờ đợi cơ hội để tiếp quản cổ phần từ Del Nido và Jose Castro. Tại La Liga mùa trước, Sevilla xếp thứ 3 chung cuộc sau Real và Barca. Họ cũng là những CLB hiếm hoi ở giải đấu này, bên cạnh Bilbao và Osasuna vẫn chưa rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại.

Chủ mới hứa nâng tầm Leganes

Sau khi hoàn tất việc mua lại Leganes vào hôm thứ Năm vừa qua (30/6), ông chủ Jeff Luhnow (ảnh, phải) tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cải thiện CLB “. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Leganes đang khao khát được trở lại La Liga thi đấu trong tương lai gần. Tại Segunda mùa trước, Leganes chỉ xếp thứ 12 trong tổng số 22 đội. Lần gần nhất Leganes tranh tài ở La Liga là mùa 2019/20 - mùa giải mà họ xếp thứ 18 chung cuộc và rớt hạng.

33%. 33% số CLB Tây Ban Nha hiện nay phần lớn thuộc về các doanh nhân, công ty hoặc quỹ đầu tư nước ngoài. Barca, Real, Bilbao và Osasuna là 4 CLB vẫn nằm trong tay “người nhà”. 

14 đội bóng Tây Ban Nha thuộc sở hữu nước ngoài

La Liga (8): Valencia (Singapore), Granada (Trung Quốc), Espanyol (Trung Quốc), Mallorca (Mỹ), Girona (UAE), Valladolid (Brazil), Almeria (Saudi Arabia), Elche (Argentina).

Segunda Division (6): Malaga (Qatar), Leganes (Mỹ), Albacete (Qatar), Oviedo (Mexico), Gijon (Mexico), Zaragoza (Mỹ).

    Bình Luận