Sở trường sút bóng tuyệt luân - cả sút phạt lẫn sút xa - chính xác và mạnh như búa bổ, giúp ông đi vào lịch sử với tư cách một trong những hậu vệ ghi bàn xuất sắc nhất xưa nay. Tất cả tạo ra một chỗ đứng rất riêng trong lịch sử, cho Koeman. Tóm lại, ông không nhất thiết phải thuộc về trường phái hoặc triết lý nào.
Hồi Koeman lần đầu đến Barcelona - trong tư cách cầu thủ, dĩ nhiên - chưa ai nói gì về La Masia. Cũng chưa ai ca ngợi tinh thần hay triết lý nào gắn với Johan Cruyff, cho dù ông đã là HLV thành công, giúp Ajax đoạt Cúp C2 châu Âu rồi đến Barcelona cầm quân. Đấy là vào cuối thập niên 1980.
Barcelona chỉ vô địch La Liga vỏn vẹn 2 lần trong 30 năm (từ sau năm 1960 đến trước năm 1991). Khi Koeman đoạt Cúp C1 châu Âu với PSV và vô địch EURO 1988 cùng đội tuyển Hà Lan, thì Barcelona đứng ở đâu trong BXH La Liga? Xin thưa: số 6 - đồng điểm với đội số 7 Celta Vigo và dưới cả các đội như Real Sociedad, Osasuna.
Thế rồi, Barcelona của Cruyff và Koeman vươn lên mạnh mẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng xứ Catalonia đoạt Cúp C1 châu Âu (năm 1992), với bàn duy nhất trong trận chung kết do Koeman ghi được. Họ vô địch La Liga 4 lần liên tiếp. Vẫn chưa nghe về La Masia.
Barcelona thời ấy là một “dream team” gồm những Koeman, Hristo Stoichkov, Romario, Michael Laudrup. Chẳng ai trong số những siêu sao ấy có “đặc trưng Barcelona”. Cruyff thì chỉ biết huấn luyện. Ông từ chối dùng cơm với chủ tịch Josep Lluis Nunez, sau này giải thích - với báo chí chứ không phải với Nunez: “Tôi có thể làm việc với ông chủ tịch. Dùng cơm thì chỉ với gia đình hoặc bạn bè”.
Bây giờ, khi Koeman trở lại Barcelona trong vai HLV trưởng, người ta xem đấy là một môi trường... thối nát, dù Barcelona đang là á quân La Liga. Thôi thì cũng được. Làm sao để cái môi trường đang thối nát ấy trở lại thành một đội bóng bình thường?
Trước tiên, và căn bản, có lẽ là phải sớm chấm dứt “đề tài Messi”. Anh ta đi đâu cũng được, chứ việc Messi ở lại là đã... mất hay, từ lâu nay rồi. Tổng quát hơn, Barcelona thậm chí chẳng cần “triết lý La Masia” hay “tinh thần Cruyff”.
Đấy đã từng là những giá trị tốt đẹp, thậm chí vĩ đại. Nhưng không có triết lý hay tinh thần nào to hơn bóng đá. Một đội bóng lớn đâu thể trở thành nô lệ cho những thứ ấy. Cả chức danh chủ tịch nữa.
Nếu như bóng đá là một sân khấu lớn, thì vai diễn chính trên sân khấu ấy phải thuộc về các cầu thủ, và HLV. Bóng đá làm sao hấp dẫn cho được, nếu như vai trò ngôi sao thuộc về chủ tịch, nếu các sự kiện đáng xem chỉ xoay quanh ông chủ tịch.
Koeman có thể thất bại, thì đã sao? Chỉ cần ông biết cách biến Barcelona trở lại thành một đội bóng đúng nghĩa, như ngày xưa, thì cũng hay rồi. Ông sẽ làm được!
XEM THÊM
4 lần Real vô địch là 4 lần Barca lại có một cuộc chia tay đau đớn?
Bình Luận