1. Phải thừa nhận, so với cách đây hơn 20 năm, đời sống của các cầu thủ bóng đá nữ dẫu vẫn chưa thể sánh được với bóng đá nam, nhưng thực tế đã khá hơn rất nhiều nhờ sự quan tâm của những người có trách nhiệm và xã hội. Thậm chí, nhiều cầu thủ nữ đến với bóng đá như một cách để đổi đời. Khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Myanmar, Việt Nam chính là nước phát triển bóng đá nữ mạnh mẽ, với hệ thống giải nữ VĐQG ổn định và lâu dài nhất khi bắt đầu từ năm 1998 đến nay và hiện có thêm Cúp Quốc gia và các giải bóng đá nữ trẻ. Đấy là những chiến lược hợp lý trong việc nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, bóng đá nữ Việt Nam phát triển không đồng nghĩa rằng các nước Đông Nam Á, châu Á hoặc thế giới cũng phát triển. Nói thế bởi nhiều lý do như tôn giáo và sắc tộc nên nhiều nước đã không phát triển môn bóng đá nữ. Đơn cử khu vực Đông Nam Á, lâu nay Singapore, Brunei, Lào, Campuchia, Timor Leste và cả Indonesia đều không phát triển bóng đá nữ, hoặc nếu có cũng không mấy mặn mà. 10 năm gần đây, có hai kỳ SEA Games 2011 và 2015 đã không tổ chức môn bóng đá nữ, trong lúc SEA Games 2019 có số đội nữ tham dự đông nhất cũng chỉ có Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Phải nhìn nhận thẳng thắn, bóng đá nữ chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ có thể sánh ngang với bóng đá nam. Cứ nhìn số lượng người theo dõi World Cup bóng đá nam và nữ sẽ thấy rõ. Tại World Cup bóng đá nam 2018, số người theo dõi lên đến 3,57 tỷ; trong lúc tại World Cup bóng đá nữ 2019, con số này chưa đến 1 tỷ. Vì vậy, số tiền thu được từ bóng đá nữ thấp hơn rất nhiều so với bóng đá nam là đương nhiên…
2. Chẳng riêng người hâm mộ Việt Nam lên tiếng đòi bình đẳng cho các tuyển thủ bóng đá nữ, mới đây ĐT nữ Trung Quốc sau khi vô địch Asian Cup nữ 2022 cũng được người hâm mộ lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, tờ Sina của Trung Quốc đã đặt câu hỏi: “Trong số những người hâm mộ than thở về thu nhập của bóng đá nữ, có bao nhiêu người thường xuyên theo dõi giải bóng đá nữ? Bao nhiêu người mua vé xem một trận bóng đá nữ? Sau khi ĐT nữ Trung Quốc vô địch Asian Cup 2022, người hâm mộ cả nước cổ vũ các nữ tuyển thủ và đòi quyền lợi cho họ, nhưng liệu mấy ai biết đội nào đã vô địch giải nữ quốc gia trong 2 năm qua?”.
Câu hỏi của tờ Sina có lẽ cũng để dành hỏi những người hâm mộ Việt Nam, bởi thực sự có bao nhiêu người hâm mộ xứ ta đến sân để xem bóng đá nữ dù vào cửa miễn phí. Còn nhớ có thời điểm giải bóng đá nữ VĐQG tổ chức tại sân Thống Nhất, chỉ có mỗi người viết là phóng viên và số khán giả chưa đến 20 người có mặt xem trận đấu.
Việc khán giả không mặn mà, kéo theo truyền thông cũng không hứng thú tuyên truyền cho giải, bởi chẳng mấy người quan tâm. Vì báo chí không quan tâm, nên các nhà tài trợ cũng không quá mặn mà để “chống lưng” cho các giải đấu của nữ. Vì vậy, muốn bóng đá nữ Việt Nam có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách với các nước có nền bóng đá nữ mạnh của thế giới, đầu tiên khán giả phải quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ, chứ không phải là những lời kêu gọi suông.
Giành vé đến World Cup nữ 2023 là một trong những điều kiện cần, nhưng để bóng đá nữ Việt Nam thật sự nâng tầm, đấy phải là sự quan tâm của khán giả và điều này thực tế chẳng đơn giản, vì nói bao giờ cũng dễ hơn làm!
Bình Luận