Thắng khó vì sao?
Trên BXH FIFA, ĐT nữ Nepal đứng thứ 100 trong khi ĐT nữ Việt Nam đứng thứ 33. Cách biệt đến 67 bậc ấy cho thấy khoảng cách lớn về trình độ chuyên môn giữa 2 đội. Tuy nhiên, ĐT nữ Việt Nam đã chơi khá bế tắc trong suốt hiệp 1. Lý do, các phương án tiếp cận cầu môn không thực sự đa dạng trước lối chơi “tử thủ” của đối phương, cho dù, HLV Mai Đức Chung tung ra đội hình gần như mạnh nhất hiện có, ngoại trừ Thanh Nhã. Phải đến khi ĐT nữ Nepal có dấu hiệu hụt hơi ở hiệp 2, ĐT nữ Việt Nam mới có thêm nhiều khoảng trống để hãm thành. Cũng chính lý do này đã góp phần giúp cho Hải Yến và Bích Thùy lập công để mang về chiến thắng 2-0 cho ĐT nữ Việt Nam.
Khách quan mà nói, việc ĐT nữ Việt Nam thi đấu không tốt trước đối thủ yếu hơn nhiều có phần bắt nguồn từ hành trình thi đấu liên tục trong thời gian vừa qua. So với các đồng nghiệp nam ở ĐT Việt Nam khi không làm nhiệm vụ quốc tế nhiều, có chăng chỉ tập trung trong các dịp FIFA DAYs để thi đấu giao hữu, các tuyển thủ nữ Việt Nam lại thi đấu liên tục.
Từ vòng loại Olympic Paris 2024 cho đến SEA Games 2023 với thành tích bảo vệ HCV, thầy trò ông Mai Đức Chung lại dồn hết sức lực để tập luyện và thi đấu ở World Cup nữ 2023 hồi tháng Tám. Sau World Cup nữ 2023 một thời gian ngắn, ĐT nữ Việt Nam lại tập trung để chuẩn bị cho ASIAD 2024. Rõ ràng, lịch tập trung, tập luyện và thi đấu liên tục, kéo dài kể từ đầu năm ở rất nhiều giải đấu chính thức, lại rất căng thẳng bởi sự kỳ vọng lớn của khán giả nên ít nhiều, các cầu thủ khó có thể đảm bảo được trạng thái sung mãn, phong độ cao.
Tính toán thận trọng
Nhìn lại quãng đường qua để chia sẻ cho ĐT nữ Việt Nam khi bước vào ASIAD 2023 với trận thắng “chưa sướng”. Hơn hết, đoàn quân của ông Mai Đức Chung cần có những tính toán ở 2 trận còn lại để đảm bảo cho một suất đi tiếp. Theo điều lệ, chỉ 5 đội đầu bảng mới chắc chắn giành quyền vào tứ kết. Ba suất còn lại thuộc về 4 bảng, ngoại trừ bảng C (bảng này chỉ còn 2 đội sau khi Campuchia rút nên chỉ có đội nhất bảng mới giành quyền vào tứ kết. Đội nhì bảng sẽ bị loại).
ĐT nữ Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Nhật Bản, Nepal và Bangladesh. Rõ ràng, thầy trò ông Mai Đức Chung không có hy vọng để tranh ngôi đầu bởi Nhật Bản quá mạnh. Mục tiêu thiết thực nhất của ĐT nữ Việt Nam là 1 suất nhì. Do 2 bảng A và B chỉ có 3 đội nên thành tích giữa đội đứng nhì với đội đứng thứ tư ở 2 bảng D và E sẽ không được tính khi so sánh suất nhì ở 4 bảng.
Trong cuộc đua 3 suất nhì, các đội có khả năng cạnh tranh gồm Uzbkistan (bảng A), Thái Lan(B) có trình độ vượt trội hơn so với các đối thủ (lần lượt là Mông Cổ và Ấn Độ) nên nhiều khả năng sẽ thắng đậm. Ở bảng C, hai đối thủ cạnh tranh ngôi nhì nhiều khả năng sẽ là cuộc đua giữa Philippines và Myanmar, bởi Hàn Quốc thể hiện trình độ vượt trội.
Từ cục diện ấy, ĐT nữ Việt Nam chắc chắn phải có những tính toán để đảm bảo nằm trong Top 3 đội nhì có thành tích tốt nhất. Một chiến thắng đậm trước Bangladesh ở lượt trận tới là cần thiết. Ngoài ra, ĐT nữ Việt Nam phải nỗ lực để có ít nhất 1 điểm trước Nhật Bản, hoặc chí ít cũng tránh rơi vào tình cảnh thua đậm để không phải tự làm khó mình.
Lịch thi đấu lượt 2 ngày 25/9
15h00: Việt Nam – Bangladesh
18h30: Nepal – Nhật Bản
Bình Luận