Siêu Cúp Quốc gia 2019: Không chỉ là bóng đá

Có người đặt câu hỏi: Tại sao phải tổ chức một trận đấu tốn kém, quan trọng như Siêu Cúp QG nhưng lại không mở cửa cho khán giả vào sân?
Siêu Cúp Quốc gia 2019: Không chỉ là bóng đá

Hỏi là bởi: việc khán giả vào sân nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng và việc trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Nhưng, ở thời điểm này, sự an toàn của cộng đồng mới là tối quan trọng và chúng ta rất cần sự hy sinh của các nhà tổ chức, nhà tài trợ cũng như đông đảo NHM.

Bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá là kinh tế. Bóng đá là xã hội. Bóng đá là nghệ thuật, giải trí. Nhưng, dù có mang chức năng nào thì bóng đá cũng đến từ xã hội và vì con người mà tồn tại, phát triển.

Bóng đá nói cho cùng phải hòa mình với cộng đồng, coi con người là trung tâm, cái đích cuối cùng để hướng đến. Có như vậy, bóng đá mới bám rễ sâu vào cuộc sống và tìm thấy cơ sở, lý tưởng để phát triển vượt thời gian, không gian.

Cũng vì những điều trên mà chúng ta không ngạc nhiên khi BTC trận Siêu Cúp QG quyết định đóng cửa sân cuộc so tài thượng đỉnh giữa TP.HCM và Hà Nội FC. Ai cũng biết, cuộc so tài ấy là tiền, là thương hiệu, là cơ hội để quảng bá hình ảnh và đáp đền sự đóng góp, ủng hộ của rất nhiều người, nhiều tổ chức trong suốt thời gian qua.

Nhưng, bóng đá không thể vì quyền lợi, áp lực của mình mà có thể tạo sự chưa an tâm, chứ không muốn nói là nguy cơ đối với cộng đồng. Bởi, xét cho cùng, những nhà tài trợ đến với bóng đá, những nhà tổ chức vốn phải thắt lưng buộc bụng, gồng mình duy trì sân chơi nhiều năm qua đều hướng đến mục tiêu cao cả là vì cộng đồng để hành động.

Một việc làm chỉ ý nghĩa khi nó hướng đến cộng đồng. Và hôm nay, họ sẽ cảm thấy vui vẻ nếu sự hy sinh quyền lợi của mình sẽ đảm bảo sự an vui cho người dân. Sự hy sinh ấy chắc chắn sẽ được ghi nhận.

Tin chắc rằng, những người yêu bóng đá chân chính, những nhà tài trợ bóng đá sẽ có cái nhìn thiện cảm trong bối cảnh chẳng ai mong muốn này.

Và một điều chắc chắn, sự đoàn kết, đồng lòng, thậm chí là hy sinh cho những việc làm tốt đẹp cho cộng đồng, cho xã hội này chính là thông điệp, cơ sở tuyệt vời nhất để bóng đá Việt Nam khẳng định vai trò, giá trị nhân văn của mình trong cuộc sống.

Bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá là cuộc sống, vì cuộc sống! Mà “sống là cho, đâu chỉ nhận của riêng mình”!

XEM THÊM

Hà Nội FC xuất quân, hướng tới mục tiêu ăn 3 mùa giải 2020

Công Phượng đã bớt vô duyên trong vòng 16m50

Thầy ruột nói gì về sai lầm đáng trách của trò cưng Bùi Tiến Dũng?

    Bình Luận