Thất bại 0-2 khiến trận lượt về sẽ trở nên càng khó khăn hơn với thầy trò ông Park Hang-seo. Và muốn vượt chướng ngại cực khó vào ngày 26/12, tuyển Việt Nam phải rút kinh nghiệm được từ thất bại ở lượt đi này.
Trọng tài đã có những quyết định quá bất công với tuyển Việt Nam, đặc biệt là pha kéo ngã Văn Toàn một cách trắng trợn của thủ thành Budprom. Và vận may cũng không mỉm cười với chúng ta khi Quang Hải hai lần dứt điểm chạm xà và cột. Nhưng điều đó cũng không đủ để đổ lỗi cho thất bại. Chúng ta đã thua vì lẽ gì? Thầy trò HLV Park cần học từ thất bại này để đứng lên ở ngay chỗ ta vừa vấp ngã.
Huấn luyện viên Polking trên cơ thầy Park
Đây là thất bại mang tính chiến thuật trong cuộc đấu trí giữa Park Hang-seo và Polking. Huấn luyện viên của Thái Lan đã trên cơ Park Hang-seo ở trận đấu này khi đọc vanh vách bài của đối thủ trong khi ở chiều ngược lại, HLV người Hàn Quốc đã không hiểu đội bạn mạnh yếu như thế nào.
Thái Lan xác định luôn thế mạnh sở trường của tuyển Việt Nam là phòng ngự phản công, và họ không cho chúng ta triển khai sở trường ấy. Ngay từ đầu trận, Polking đã để đội bóng của mình chơi phản công chứ không cho tuyển Việt Nam cơ hội thi triển lối chơi ưa thích của mình. Người Thái để chúng ta chủ động cầm bóng, nhưng họ tổ chức quây bắt, pressing rất tốt. Đặc biệt là ở khu vực giữa sân và ở khu vực cách mặt khung thành Budprom khoảng 30 m.
Chính việc người Thái bắt tuyển Việt Nam phải chơi chủ động đã khiến chúng ta bỡ ngỡ. Và việc họ tổ chức đội hình chặt chẽ, chia cắt các cầu thủ tuyến trên của chúng ta rất tốt đã khiến tuyển Việt Nam gần như không thể phối hợp.
Tỷ lệ chuyền chính xác của tuyển Việt Nam thấp một cách đáng ngại. Và khi chúng ta không thể tạo được thế áp đặt trước đội bạn, các pha phản công của họ trở nên nguy hiểm nhờ vào lối chơi ít chạm tinh tế và cả thể lực sung mãn của những cầu thủ chịu di chuyển liên tục.
Trong khi đó, ông Park đã hiểu Polking như thế nào? Người Thái phô diễn ngay từ đầu giải lối chơi trực diện với những đường bóng hướng lên là chủ đạo và luôn chủ trương tổ chức lên bóng từ hàng thủ với vai trò nổi bật của Kritsada. Vậy mà để đối phó với họ, ông Park lại cất những cầu thủ tấn công có khả năng tranh chấp tốt, tạo được áp lực lên đối phương như Tiến Linh. Và việc ấy đã khiến chúng ta trả giá.
Tuyển Việt Nam mắc lỗi sơ đẳng
Bóng của người Thái được triển khai một cách khá dễ dàng từ tuyến dưới và chỉ cần 1-2 nhịp là họ đã có thể tiếp cận 1/3 phần sân của chúng ta. Ở khu vực này, người Thái chú trọng đánh vào các khe giữa các hậu vệ và tổ chức tấn công nhờ lối bật nhả một chạm. Tuyển Việt Nam đã mắc những lỗi khá sơ đẳng khi đối đầu cách chơi này khi tuyến phòng ngự bị hút theo bóng nhiều hơn là theo di chuyển của cá nhân.
Bàn thua thứ 2 thể hiện rõ điểm yếu này của chúng ta. Thêm vào đó, việc quá chú trọng vào Dangda mà không bố trí quản lý chặt Chanathip cũng khiến cái giá phải trả quá lớn. Chanathip và Quang Hải đã có màn thi thố quá hay trong trận cầu này mà phần may mắn không thuộc về số 19 của chúng ta. Trong khi Hải liên tục phải hoạt động trong vòng vây của đông địch thủ hơn, thì Chanathip thường chỉ phải một đối một và do đó, anh ta dễ dàng phát huy đẳng cấp của mình.
Ở đây, chúng ta phải quay lại với chính trận gặp Campuchia để cảm thấy mình đã lãng phí cơ hội luyện cho nhuần nhuyễn cách chơi tấn công áp đặt như thế nào. Các trận trước Malaysia, Indonesia, chúng ta đã làm quen với lối chơi mới này và cũng đã thấy được những điểm cần tinh chỉnh. Nhưng cơ hội để tinh chỉnh ở trận Campuchia đã bị bỏ lỡ và đến khi cần áp dụng nó trước đối thủ khó nhằn như Thái Lan, chúng ta (nói thẳng ra là) đã không có bài.
Cách đánh của Việt Nam cũng đã lộ quá rõ khi chủ động phát động từ biên nhiều hơn và khi Polking dùng sự khôn ngoan của mình để yêu cầu các cầu thủ Thái Lan quản chặt Văn Thanh lẫn Hồng Duy, gần như 2 biên của Việt Nam tê liệt. Thêm vào đó, việc họ phong tỏa chia cắt tốt các điểm nối sáng tạo như Hoàng Đức, Quang Hải với các vệ tinh xung quanh, chúng ta gần như vô hại.
Trận lượt về chúng ta buộc phải thắng họ ít nhất 2 bàn để giữ hy vọng đi đến cùng ở AFF Cup 2020 này. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là khi ấy người Thái sẽ đá thế nào? Họ sẽ chơi phòng thủ phản công tiếp tục hay họ sẽ chơi tấn công áp đặt? Nội câu hỏi đó thôi đã đủ cân não ông Park rồi.
Nhưng chắc chắn, ở thế cần bàn thắng, tuyển Việt Nam rất có thể sẽ chơi tấn công áp đặt ở lượt về. Vậy bài đánh sẽ ra sao, và đối phó với cách chơi trực diện của người Thái sẽ như thế nào? Đây là lúc ông Park cần khẳng định năng lực của mình hơn lúc nào hết.
Bình Luận