Mùa dịch COVID-19, V-League nỗ lực để tồn tại

Dịch bệnh kéo dài đang bắt đầu có những tác động cụ thể lên đời sống bóng đá Việt Nam. Người ta bắt đầu nhận ra, bóng đá không chỉ là trò chơi mà còn là sinh kế của hàng nghìn người.

Hôm mới rồi, tờ Sky News đã trích đăng lá thư LĐBĐ châu Âu (UEFA) gửi 55 thành viên, thúc giục họ để các CLB thi đấu trở lại sau khi COVID-19 bị đẩy lui. “Là những người lãnh đạo trong môn thể thao này, đây là điều chúng tôi phải đảm bảo cho đến khi khả năng cuối cùng còn tồn tại và các phương án hoạt động, quy chế cũng như kế hoạch còn có thể thực hiện”- thư của UEFA viết.

Mùa dịch COVID-19, V-League nỗ lực để tồn tại - 1

V-League nỗ lực để tồn tại

Quy mô các giải bóng đá châu Âu (Europa League và Champions League) cũng như các giải VĐQG Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp... lớn hơn gấp nhiều lần so với bóng đá Đông Nam Á hay V-League của Việt Nam. Cho tới lúc này, Bỉ là quốc gia châu Âu duy nhất ra quyết định về việc dừng sớm giải VĐQG. Trên thực tế, giải bóng đá Bỉ đã trôi qua 29 vòng đấu, chỉ còn 1 vòng sẽ kết thúc và đội đầu bảng, Club Brugge đang hơn đội đứng thứ nhì là Gent tới 15 điểm. La Liga, Serie A hay Premier League... đều đang trong trạng thái chờ đợi. Các nhà tổ chức những giải đấu lớn trên vẫn thường xuyên họp bàn với nhau để lên phương án chuẩn bị cho khả năng giải có thể tổ chức trong điều kiện an toàn nhất. Ngoại hạng Anh thậm chí đã tính cả phương án thi đấu tập trung tại một số sân vận động. Phương án này có gì đó khá trùng với kế hoạch BTC V-League cân nhắc lấy ý kiến các thành viên mới đây.

Dù có quy mô nhỏ hơn nhiều lần, bóng đá Việt Nam rõ ràng có lý do để tìm cách duy trì sự sống trong dịch bệnh. COVID-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam nếu so với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, V-League cũng đã phải hoãn lại tới 3 lần để chờ thời điểm thực sự an toàn.

Cùng với việc các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia phải trì hoãn quá lâu, COVID-19 đang có những tác động cụ thể tới từng đội bóng. Nam Định là đội đầu tiên cắt giảm 25% lương của cầu thủ đội 1 trong tháng Tư. Việc cắt giảm sẽ có thể tiếp tục nếu V-League vẫn chưa trở lại. TP Hồ Chí Minh nối chân Nam Định, thống nhất giảm lương các cầu thủ trong thời gian tới. Nhiều đội bóng khác rậm rịch đưa ra những bước điều chỉnh tương tự. SLNA cho biết nếu V-League tiếp tục hoãn, CLB sẽ thực sự gặp khó khăn về tài chính.

Giải hoãn nhưng mỗi tháng, chi phí trả lương, chăm sóc sân... vẫn phải trả, con số phát sinh là cực lớn. Trong khi đó, do không thi đấu, CLB không thể quyết toán với các nhà tài trợ, trả quyền lợi cho đối tác. Một nỗi lo lớn khác là các cầu thủ sẽ duy trì phong độ, thể lực ra sao khi phải tập “chay” dài ngày, không được cọ xát, thi đấu. Thủ quân CLB Hà Nội, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết thừa nhận, tập luyện kéo dài khiến tinh thần cầu thủ đi xuống, đó gần như một cực hình. Kéo theo đó là nỗi lo đội tuyển Việt Nam bị “vỡ” kế hoạch ở các giải đấu quốc tế.

Bóng đá là môn “thể thao vua”, là trò chơi phục vụ số đông công chúng. Đây là góc nhìn thường thấy đối với bóng đá. Nhưng một khía cạnh khác có lẽ rất nhiều người chưa kịp nhận ra, đây cũng là sinh kế của hàng nghìn người, chỉ nói riêng ở Việt Nam. CLB Hà Nội cho biết chỉ riêng cầu thủ và thành viên BHL đã ngót nghét 50 người, con số lớn hơn nhiều nếu cộng thêm nhân viên văn phòng, cán bộ, lao động phổ thông. Với hệ thống 14 đội V-League, 12 đội hạng Nhất, các đội trẻ... hàng nghìn người đang sống bằng bóng đá.

Điều quan trọng hơn, sau dịch bệnh, cuộc sống sẽ trở lại bình thường và bóng đá cần được duy trì để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Đó là niềm vui của hàng triệu người sau mỗi chiến thắng của các ĐTQG. Từ những góc độ này, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao những nhà tổ chức bóng đá trên khắp thế giới và Việt Nam đều đang nỗ lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại của bóng đá.

    Bình Luận