Vì sao V-League chưa để lại nhiều dấu ấn chiến thuật?

Dù đã lên chuyên nghiệp 20 năm nhưng lối chơi của đa phần các đội bóng tại V-League vẫn rất đơn giản, thiếu đường nét cũng như chiều sâu.

Vì sao V-League chưa để lại nhiều dấu ấn chiến thuật? - 1

Hà Nội FC vượt trội hơn các đối thủ tại V-League về khả năng tổ chức lối chơi. Ảnh: VPF

Câu hỏi đặt ra là họ không chịu thay đổi hay không thể thay đổi?

Phất bóng cho… Tây

Trận chung kết Cúp Quốc gia 2020, Viettel dù bị đánh giá thấp hơn vẫn chơi quật cường trước Hà Nội FC. Thậm chí, thày trò HLV Trương Việt Hoàng còn có bàn dẫn trước nhưng cuối cùng phải nhận thất bại 1-2. Theo dõi diễn biến trên sân, không khó nhận ra Hà Nội FC giành thắng lợi chung cuộc nhờ có chiều sâu về mặt lối chơi.

Đội bóng Thủ đô có nhiều miếng đánh và luôn biết cách tận dụng những tình huống bóng hai, bóng ba. Hai bàn thắng của đội bóng áo tím thực chất đều là tình huống bóng hai, hậu vệ hoặc đồng đội đẩy quả bóng ra và Thái Quý, Quang Hải tận dụng thành công.

Điều này nhìn qua có vẻ rất đơn giản nhưng không nhiều đội bóng ở V-League làm được. CLB TP HCM sở dĩ thua đậm 1-5 trước Hà Nội FC tại bán kết Cúp Quốc gia cũng bởi lối chơi quá đơn giản trong khi đối thủ lại có mảng miếng.

Viettel cũng luôn ra sân với bộ đôi tiền đạo nước ngoài, trừ trường hợp bất khả kháng. TP HCM sau giai đoạn lượt đi không ưng ý tiền đạo Balde nên đã chi tới 1 triệu USD để chiêu mộ hai chân sút Costa Rica. Đương nhiên, bộ đôi này được nhắm tới cho vị trí chủ chốt trên hàng công.

Với những đầu tư mạnh mẽ khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt cho tuyến giữa, Viettel và TP HCM quyết tâm nâng tầm lối chơi. Dẫu vậy, cả hai chưa thể một sớm một chiều tạo ra sự thay đổi tích cực.

Thực tế, Viettel và TP HCM giống như đại đa số các đội bóng ở V-League, vốn sử dụng chiến thuật khá đơn giản, ở tuyến dưới phất bóng lên cho các tiền đạo ngoại xoay xở.

Với cách triển khai lối chơi như vậy, trong quá khứ, thành tích của nhiều CLB gần như phụ thuộc tới hơn 50% vào tiền đạo ngoại. Song song với đó, các trận đấu V-League thường diễn ra tẻ nhạt, kém sôi động và màu sắc.

Đương nhiên, không phải tất cả các đội bóng đều chơi theo cách “khoán trắng” cho… Tây. Hà Nội FC như đã nói ở trên rất chú trọng vào việc phát triển bóng từ sân nhà, xây dựng chiều sâu cho lối chơi. Nhờ vậy, đoàn quân áo tím tỏ ra vượt trội so với các đối thủ, ngay cả thời điểm khủng hoảng lực lượng.

Than Quảng Ninh cũng có hướng đi tương tự nhưng ở tầm thấp hơn, một phần bởi nhân sự chưa đủ đáp ứng yêu cầu của HLV Phan Thanh Hùng - người từng gây dựng nền tảng cho Hà Nội FC.

HAGL kể từ khi lứa Công Phượng được đôn lên chơi ở V-League rất chú trọng xây dựng lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ. Dẫu vậy, dưới thời HLV Lee Tae-hoon, đội bóng phố Núi lại đang vận hành theo cách đưa quả bóng vượt tuyến lên cho tiền đạo.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, các đội bóng ở V-League thời gian gần đây đã chú ý nhiều hơn tới việc xây dựng chiến thuật nhưng sự chuyển biến chưa đáng kể. HLV Triệu Quang Hà đồng quan điểm nhưng nhấn mạnh thêm: “Thực trạng này tồn tại từ rất lâu rồi và chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Ngoài Hà Nội FC và Than Quảng Ninh, tôi nhận thấy Sài Gòn FC cũng có vẻ đang ngày một hoàn thiện. Tính tổ chức của đội bóng này cao và nếu duy trì được đà hiện tại, họ sẽ rất đáng xem”.

Vì sao giậm chân tại chỗ?

Mùa giải 2020 đánh dấu cột mốc 20 năm V-League tiến lên chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, những dấu ấn về mặt chiến thuật của các đội bóng lại cực kỳ mờ nhạt. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đa phần các CLB không có bước tiến trong lối chơi?

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, đa phần các đội bóng V-League đều không có đủ điều kiện để thực hiện việc phát triển chiến thuật do thiếu con người.

“Rõ ràng điều này phản ánh trình độ giải đấu còn thấp, trong đó cơ bản nhất là trình độ cầu thủ, trình độ huấn luyện chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho sự chuyển đổi. Bản thân cầu thủ ngoại khi tới V-League năng lực vừa phải nên chỉ đáp ứng được cách chơi đơn giản. Cầu thủ nội cũng thế, đếm đi đếm lại, ngoài các tuyển thủ quốc gia thì có mấy người xuất sắc đâu. Ai cũng muốn hay, cũng muốn giỏi nhưng chưa tới thì phải chấp nhận và chờ đợi ở tương lai”, ông Tùng phân tích.

Trong khi đó, HLV Triệu Quang Hà nêu quan điểm, để một đội bóng chơi có nét thì cần hai yếu tố, một là con người, hai là triết lý của HLV. “Hà Nội và Quảng Ninh hội tụ được hai yếu tố này.

TP HCM có con người tốt nhưng HLV lại muốn tổ chức lối chơi trực diện hơn, đưa bóng nhanh về phía trước nên không tạo được chiều sâu. Triết lý đó dường như chưa phù hợp nên họ thường lúng túng”, ông Hà lấy dẫn chứng.

Cũng theo HLV Triệu Quang Hà, một nguyên nhân khác khiến V-League nghèo nàn về mặt chiến thuật là do các HLV không có đủ thời gian để xây dựng lối chơi bài bản.

“Thông thường, nếu muốn có lối chơi tốt, HLV cần có thời gian để giúp cầu thủ hiểu triết lý của mình. Cầu thủ cũng cần thời gian để thích nghi. Tuy vậy, áp lực thành tích khiến nhiều HLV phải làm theo cách ăn xổi bằng không sẽ bị sa thải. Ngặt nỗi, khi đội bóng không có nền tảng tốt thì lại dễ sụp đổ và HLV là người đứng mũi chịu sào đầu tiên. Nó giống như một vòng luẩn quẩn”, ông Hà phân tích.

“Trong tương lai, nếu muốn V-League thực sự có sự phát triển chiến thuật, các đội bóng cần chú trọng ngay từ bây giờ việc đào tạo nhân sự. Nói gì thì nói, không có con người tốt thì mọi kế hoạch đều khó thực hiện. Muốn con người tốt thì phải đào tạo tốt. Đào tạo ở đây không đơn thuần là đào tạo cầu thủ mà còn phải đào tạo đội ngũ HLV để họ có tư duy, triết lý hiện đại thay vì cách làm đơn giản, chạy theo thành tích.” - Bình luận viên Ngô Quang Tùng.

    Bình Luận