Cầu thủ Việt Nam tham gia quảng cáo: Thương hiệu & doanh thu

Khoảng 10 năm trước, số cầu thủ Việt Nam nhận được lời mời quảng cáo vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hiện tại, với sức mạnh của mạng xã hội, với hiệu ứng lớn từ bóng đá trẻ thì chuyện có thêm thu nhập từ nghề tay trái dành cho các cầu thủ Việt Nam bắt đầu trở nên phổ biến.
Cầu thủ Việt Nam tham gia quảng cáo: Thương hiệu & doanh thu

Từ Huỳnh Đức, Văn Quyến đến Công Phượng, Tiến Dũng...

Nói đến... người tiên phong chuyện cầu thủ đi quảng cáo, chúng ta cần quay trở lại cách đây hai thập kỷ. Khi ấy, Lê Huỳnh Đức, một trong những gương mặt sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam, bất ngờ nhận được lời mời làm đại diện hình ảnh của hai thương hiệu lớn. Bằng việc bắt tay hợp tác với Pepsi và Philips, danh thủ này trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên có thu nhập từ quảng cáo bên cạnh mức lương từ chuyên môn sân cỏ. 

Cái gật đầu của Huỳnh Đức lúc bấy giờ mở ra hướng đi mới cho các cầu thủ Việt Nam. Họ tin rằng mình có thể kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo. Năm 2003, Văn Quyến được hàng loạt đối tác xếp hàng mời quảng cáo sau dấu ấn quá lớn tại SEA Games 22. Ấn tượng nhất là bản hợp đồng với LG có giá trị lên tới 13.000 USD, gồm hiện vật và tiền mặt.

Năm 2008, đến lượt Công Vinh thành ngôi sao hạng A của bóng đá Việt Nam. Anh nhận vô vàn những lời mời quảng cáo, trong đó có cả việc làm đại sứ thương hiệu cho hãng xe Audi tại Việt Nam. 

Chuyện các cầu thủ Việt Nam có hợp đồng quảng cáo thực sự đã diễn ra từ rất lâu. Nhưng trong nhiều năm, làn sóng ấy lại như biểu đồ hình sin lúc chìm, lúc nổi. Phải đến 5 năm trở lại đây, khi Internet trở nên phổ biến, bóng đá trẻ thăng hoa cùng sự phát triển mạnh của mạng xã hội và thương mại điện tử, những lời mời quảng cáo với giá trị lớn mới phổ biến. 


Rõ ràng nhất về chuyện các cầu thủ quảng cáo có thể thấy ở lứa U23 Việt Nam hiện nay sau VCK U23 châu Á 2018. Từ các ngôi sao hạng A như Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng, Xuân Trường hay Đức Chinh cho đến những Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Thanh, Hồng Duy… đều “buôn may bán đắt” khi đóng quảng cáo, làm đại sứ thương hiệu cho đến bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội cá nhân. Một status có giá vài triệu đồng, tham dự sự kiện có giá chục triệu đồng đến đóng quảng cáo lên đến trăm triệu đồng,… những nguồn thu ấy có nằm mơ các cầu thủ trẻ trước đó cũng chẳng thể nghĩ đến. 

Bài toán giữ thương hiệu

Cũng giống như Huỳnh Đức cách đây 20 năm, làn sóng trẻ U23 Việt Nam đang “đắt show” quảng cáo một lần nữa khẳng định thương hiệu cầu thủ hoàn toàn có thể giúp họ có thêm nguồn thu không nhỏ. 

Các CLB chủ quản cũng tỏ ra cởi mở trong việc đồng ý cho các cầu thủ được tham gia sự kiện ngoài thi đấu. Nhất là khi trong những bản hợp đồng với cầu thủ hiện tại, các đội bóng có thể hưởng từ 50-60% trong đa số các doanh thu mà cầu thủ của họ nhận được.

Nhưng có một điều cần phải nhấn mạnh rằng, cầu thủ chỉ sinh lời ở nghề tay trái khi nghề tay phải là màn trình diễn trên sân phải đảm bảo chất lượng. Bởi chỉ cần một scandal không mong muốn, những trận đấu nhạt nhòa, các cầu thủ sẽ dần mất đi số lượng người hâm mộ quan tâm. Điều đó cũng đồng nghĩa, họ sẽ mất đi những đối tác, nhãn hàng vốn đặt chỉ tiêu khách hàng trong kinh doanh lên trên hết. 

Hiệu ứng U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á rồi cũng sẽ qua đi. Và lúc này, các cầu thủ trẻ phải nỗ lực để khẳng định giá trị thương hiệu. Bởi điều đó là yếu tố cốt lõi cho sự nghiệp, cho những nguồn thu nhập thêm trong sự nghiệp quần đùi áo số. 
    Bình Luận