10 năm trước, các cậu bé Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến mới 11 tuổi. Ngày ngày, cậu bé ấy quấn quýt bên cha mẹ ở một làng quê yên bình của tỉnh Hải Dương. Với Hoàng Đức, SEA Games là một điều gì đó vừa lạ, vừa quen. Trong tâm trí của một cậu bé 11 tuổi có cả niềm vui, có cả nỗi buồn khi U23 Việt Nam thắng hay thua.
Thế nhưng, những bước chạy, những hình ảnh về đàn anh như Trọng Hoàng lại gieo vào đầu cậu bé Đức Chiến, Hoàng Đức mơ thành một ngôi sao sân cỏ. Và giờ, giấc mơ ấy đã thành hiện thực khi họ trở thành đồng đội của nhau từ Viettel đến U22 Việt Nam. Một sự tiếp nối diệu kỳ và trở thành sợi chỉ đỏ cho giấc mơ của bóng đá Việt Nam.
10 năm trước, Viettel thăng hạng. Sau 5 năm chơi ở giải hạng Nhất, họ đã trở lại với cái tên mới Thể Công. Và cũng 10 năm trước, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel được thành lập, tách biệt với đội 1 mang tên Thể Công. Đó cũng là thời điểm những người làm bóng đá ở Viettel thực hiện một kế hoạch rất lớn cho mình. Họ tuyển sinh rầm rộ trên khắp cả nước.
Từ Tây Nguyên đến Đà Nẵng, vào tận Cà Mau, ngược lên Hà Giang, Tuyên Quang, xuống đồng bằng sông Hồng với hai mỏ bóng đá là Hải Dương và Thái Bình. Những danh thủ của Thể Công như: Hồng Sơn, Sỹ Long, Mạnh Dũng, Minh Tiến, Phương Nam tỏa đi khắp nước, đến từng thôn xóm để tìm kiếm nhân tài.
10 năm trước Viettel xuất phát sau HAGL một chút về đào tạo trẻ bài bản, chuyên sâu. Nhưng cũng chính HAGL với sự đồng bộ của mình đã tạo ra cảm hứng và áp lực cho hai lò đào tạo là Viettel, Hà Nội và sau này là PVF phải nhập cuộc một cách quyết liệt nếu không muốn mất địa bàn. Và cũng chính từ thời điểm này, Viettel trước sự cạnh tranh của đối thủ và quyết tâm tâm thể hiện chỗ đứng của mình đã đưa ra một mô hình cực mới với bóng đá trẻ Viettel là “trung tâm đào tạo vệ tinh”.
Có thời điểm, Viettel có đến 8 vệ tinh trải dài khắp cả nước. Quan điểm của đội bóng này là những em nhỏ dù được dạy bóng đá nhưng vẫn cần được phải được ở bên gia đình để có một tuổi thơ trọn vẹn. Họ sẽ được đưa về đào tạo chuyên sâu ở Trung tâm Viettel khi 15 tuổi và trải qua rất nhiều bài kiểm tra khắc nghiệt.
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn từng thổ lộ:
“Khi bố của Nguyễn Hoàng Đức dẫn cậu ấy lên Trung tâm Viettel tôi đã nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ có một viên ngọc. Bố của cháu cao như một vận động viên bóng chuyền. Tôi tin Hoàng Đức sau này sẽ có một thể hình lý tưởng. Còn kỹ thuật thì đã đạt chuẩn của lò Thể Công thì đương nhiên phải tốt”.
Bóng đá Việt Nam đang được hái quả ngọt nhờ bước đi căn cơ và đầy tham vọng từ hơn 10 năm trước. Thậm chí, nhiều người nói rằng, HLV Park Hang Seo đã may mắn sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, thể hình lý tưởng và trên hết là bóng đá Việt Nam sau một thời gian phát triển nóng đã tạo ra được những giá trị cốt lõi thông qua nền tảng đào tạo trẻ cực tốt. Nói đúng hơn, bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang Seo đã có duyên trời định. Một nhà cầm quân tài năng, một nền bóng đá bắt đầu phát tiết nhờ những giấc mơ được khởi sự từ 10 năm trước.
Để có một đội tuyển mạnh, chúng ta cần những HLV giỏi. Nhưng để có một đội tuyển, một nền bóng đá thành công thì chúng ta phải có những chiến lược đủ sự dài hơi. Sẽ không có những Hoàng Đức, Đức Chiến, Tiến Linh, Quang Hải… nếu công tác đào tạo trẻ bị lãng quên. Bóng đá là sự tiếp nối và quả ngọt ngày hôm nay là nhờ sự vun trồng trong quá khứ.
Vậy nên, từ trận chung kết SEA Games hôm nay bóng đá Việt Nam phải nghĩ đến chuyện 10 năm kế tiếp. Những lò đào tạo truyền thông như Viettel, HAGL, Hà Nội, PVF cần phải giữ được đẳng cấp của mình. Và xa hơn nữa, bóng đá trẻ cần phải là gốc rễ của mọi CLB chứ không chỉ là chuyện riêng của một vài trung tâm nổi tiếng.
10 năm tới chúng ta có gì? Câu hỏi ấy phải được trả lời và bắt đầu ngay từ lúc này.
Bình Luận