Nhìn lại hành trình của U23 Việt Nam tại vòng loại: Những gương mặt kỳ vọng và thất vọng

Hai trận đấu của U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2022 đem đến những ý kiến trái chiều xoay quanh lối chơi mà các cầu thủ thể hiện. Bên cạnh đó, thông qua hai màn so tài trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar, U23 Việt Nam cũng chứng kiến một số gương mặt kỳ vọng và cả thất vọng.
Nhìn lại hành trình của U23 Việt Nam tại vòng loại: Những gương mặt kỳ vọng và thất vọng

“Nhạc trưởng” Hai Long và “ẩn số” Thanh Minh

Cái tên đầu tiên được nhắc đến phải là Nguyễn Hai Long. Tiền vệ sinh năm 2000 đã chơi nổi bật trong 2 trận đấu trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar ở vai trò “nhạc trưởng”. Có thể, khi phải chơi trong vai trò “số 6” (tiền vệ trụ) ở 30 phút đầu trận gặp U23 Myanmar, Hai Long thi đấu không thành công. Nhưng khi được trả lại vị trí “số 8” (tiền vệ con thoi) sở trường, Hai Long đã phát huy được khả năng. Anh có những tình huống xử lý gọn gàng, xoay xở thông minh trong phạm vi hẹp. 

Đáng chú ý là những đường chuyền tạo cơ hội cho đồng đội của Hai Long. Trước U23 Đài Bắc Trung Hoa, Hai Long kiến tạo để Văn Xuân ghi bàn. Trước U23 Myanmar, cầu thủ sinh năm 2000 tạo điều kiện để Thanh Minh lập công. Quả thực, Hai Long đang từng bước khẳng định vai trò “nhạc trưởng” ở thế hệ cầu thủ sinh năm 1999-2001 của U23 Việt Nam.

Một điểm sáng khác chính là “ẩn số” Thanh Minh. Khi chẳng đối thủ nào của U23 Việt Nam biết đến Thanh Minh do anh hiếm khi ra sân ở những trận đấu chạy đà cho vòng loại U23 châu Á 2022 thì bất ngờ, tiền đạo dân tộc Tà Ôi tỏa sáng với một bàn thắng cùng hàng loạt pha hãm thành nổi bật trước U23 Myanmar. HLV Park Hang Seo cũng đã dành lời khen cho Thanh Minh sau trận đấu đó. Và nếu có thể được tiếp tục tạo điều kiện phát triển và trao cơ hội, Thanh Minh hoàn toàn có thể nâng tầm kỹ năng chơi bóng. 

Hai Long (giữa) chơi rất ấn tượng trong trận đấu với U23 Đài Bắc Trung Hoa

Xuân Tú và Văn Đạt gây thất vọng 

Khi “ẩn số” Thanh Minh bất ngờ thể hiện khả năng thì Xuân Tú và Văn Đạt lại trở thành những nỗi thất vọng, trong bối cảnh họ được kỳ vọng nhiều nhất. Ở 2 trận giao hữu trước U23 Tajikistan và U23 Kyrgyzstan, Văn Đạt và Xuân Tú đều lập công với những bàn thắng đẹp mắt. Nhưng khi bước vào giải đấu chính thức, cả hai đều không thể hiện được năng lực như mong đợi. 

Văn Đạt thậm chí còn để lại hình ảnh không đẹp ở phút thứ 8 trận đấu với U23 Myanmar, khi cố ý húc vai vào mặt cầu thủ đội bạn. Sự non kinh nghiệm trong xử lý tình huống của Văn Đạt suýt chút nữa khiến U23 Việt Nam gặp rắc rối. Bởi nếu là một thẻ đỏ dành cho Văn Đạt, U23 Việt Nam chơi thiếu người từ phút thứ 8 thì hậu quả sẽ rất lớn. Cũng giống như Văn Đạt, sự kỳ vọng của người hâm mộ U23 Việt Nam vào Xuân Tú cũng trở thành nỗi thất vọng ghê gớm. Một lần nữa, căn bệnh “thử kêu đốt xịt” mỗi khi nhập trận chính thức của Xuân Tú lại xảy ra. Khi thi đấu giao hữu, tiền đạo của Hà Nội FC chơi không tồi. Nhưng trong 2 trận đấu được trao cơ hội đá chính ở U23 Việt Nam trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar thì Xuân Tú lại bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc. Khi hàng công với Xuân Tú và Văn Đạt kém duyên thì những bế tắc trong triển khai thế trận của U23 Việt Nam lại càng lớn hơn. 

Một gương mặt khác cũng chưa thể hiện được khả năng là Quang Vinh. Trong khi Thanh Bình và Việt Anh vẫn tròn vai và hiếm khi mắc lỗi thì Quang Vinh trong vai trò trung vệ lệch trái trở thành mắt xích chơi thiếu tập trung và an toàn. May mắn cho U23 Việt Nam, hai đối thủ mà chúng ta gặp đều không có hàng công đủ mạnh để tận dụng những sai lầm của Quang Vinh. 

    Bình Luận