Lịch thi đấu V.League 2020/2021
Bảng xếp hạng V.League 2020/2021
Trong đại dịch, người ta quan tâm đến những thành phần yếu thế nhất. Đó là những người nhập cư, người già, trẻ nhỏ, người không có việc làm… Họ không có thu nhập, không có những mối quan hệ có thể giúp tồn tại trong khủng hoảng. Cũng vì điều này mà vai trò điều tiết của chính quyền phải được đặt lên hàng đầu. An dân là cách tốt nhất để chống dịch, vượt qua cuộc khủng hoảng lịch sử.
Trở lại với bóng đá với quyết định dừng cuộc chơi vốn gây nhiều tranh cãi. Chắc chắn một điều, không có một phương án làm hài lòng tất cả các đội bóng, các thành phần tham gia bóng đá. Bởi, khi các đội V.League cảm thấy nhẹ gánh thì quyền lợi của giải hạng Nhất bị ảnh hưởng. Khi giải hạng Nhất bị dồn toa thì chẳng có chỗ cho hạng Nhì, hạng Ba. Nói một cách nôm na là chuỗi cung ứng của bóng đá Việt Nam bị đứt gãy khi V.League không thể đến đích. Thậm chí, nó có thể mang đến tác động tiêu cực cho hệ thống thi đấu, cho con đường đi lên chuyên nghiệp của nền bóng đá.
Có người sẽ nói, giữa khủng hoảng, người ta phải hài lòng với phương án ít tổn thất nhất. Điều đó đúng. Nhưng, bên cạnh hướng đến sự ổn định về tài chính của các đội bóng, các ông chủ thì những thành phần yếu thế nhất của nền bóng đá cần phải được tính đến. Những cam kết của bóng đá Việt Nam với các đối tác cũng cần phải được xem xét một cách có trách nhiệm.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là quyền lợi của các HLV, cầu thủ, giới giám sát, trọng tài, cán bộ công nhân viên các CLB sẽ như thế nào khi hệ thống thi đấu chuyên nghiệp phải dừng lại. Nên nhớ rằng, không phải cầu thủ nào cũng là ngôi sao với mức thu nhập cao nhất và khả năng kiếm tiền quảng cáo. Có những cầu thủ chỉ có nguồn thu duy nhất là mức lương hàng tháng để nuôi gia đình. Quyền lợi của họ sẽ được các CLB giải quyết như thế nào khi giải đấu dừng lại? Đó là những câu hỏi cần sớm được trả lời.
Bình Luận