Đi qua nhiều năm tháng và cả những đổi thay rất lớn nhưng câu nói của ông Sáu Thành vẫn còn nguyên tính giá trị với bóng đá Việt Nam. Có lần gặp lại, ông Thành vẫn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ở thời nào cũng thế, đầu tiên là phải có tiền rồi mới tới cách làm bóng đá. Đội bóng có giàu truyền thống, có được si mê đến mấy mà không có tiền và có phương cách điều hành đúng thì sớm muộn gì cũng mai một, thậm chí giải thể”.
Nhìn từ bức tranh toàn cảnh 20 năm tiến lên chuyên nghiệp hoá của V.League, có thể khẳng định, một đội bóng mạnh và được yêu thương vượt thời gian không chỉ là câu chuyện từ phòng truyền thống, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền của các ông bầu, các doanh nghiệp. Có thể lấy ví dụ, SLNA là một đội bóng giàu truyền thống và bản sắc nhưng giấc mơ vươn xa của họ ở thời điểm hiện tại đang bị mắc kẹt bởi bài toán “tiền đâu?”.
Nhìn vào cuộc chạy đua trên thị trường chuyển nhượng hẳn các CĐV của sông Lam đang phát thèm. Phải, từ rất lâu rồi, cứ mỗi năm họ lại chứng kiến tình trạng “chảy máu” cầu thủ vì ngân sách của đội bóng chỉ đủ để duy trì sự sống. Người ta tự hỏi, tại sao một đội bóng như sông Lam lại không nhận được sự quan tâm, hoặc nhận được ít sự quan tâm của doanh nghiệp. Phải chăng là cơ chế? Phải chăng là cách làm? Phải chăng là những ẩn khuất sau lưng mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu?
Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đẻ ra tiền nhưng đấy lại là công cụ gián tiếp sinh lợi cho các doanh nghiệp. Đầu tư tài chính cho bóng đá đôi khi là một kênh đầu tư thông minh và khôn ngoan, bởi doanh nghiệp “được” rất nhiều thứ mà trên sân bóng khán giả không thể thấy được.
Bình Luận