Lấn át khu vực
Cuối tháng 11 vừa qua, Fanpage Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đưa ra thống kê Top 10 CLB trong khu vực có số lượng CĐV đến sân đông nhất giải nội địa 2020. Theo đó, DNH Nam Định đứng số 1 với số lượng 110.342 lượt khán giả đến sân trong mùa giải vừa qua, trung bình 15.763 người/trận. Đội bóng thành Nam cũng là CLB 3 năm liền ở V.League vô địch về số lượng khán giả đến sân cổ vũ đội nhà.
Đứng thứ 2 trong danh sách này là CLB Persebaya Surabaya của Indonesia với 62.227 lượt khán giả. Buriram United của Thái Lan đứng thứ 3 với 61.916 lượt khán giả. Có thể thấy, khoảng cách mà DNH Nam Định tạo ra với các CLB khác ở khu vực lớn thế nào.
Vị trí thứ 4 và 5 lần lượt thuộc về 2 đội bóng khác của Việt Nam là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (59.761 lượt khán giả) và HAGL (55.089 lượt khán giả). Persib Pandung của Indonesia xếp thứ 6 với 51.927 lượt khán giả. CLB TP.HCM xếp thứ 7 với 51.120 khán giả, hơn đội xếp thứ 8 là Persija Jakarta của Indonesia 294 lượt khán giả.
Vị trí thứ 9 và 10 thuộc về hai đội bóng nữa của Việt Nam là SLNA (49.155 lượt) và Hà Nội FC (49.859 lượt). Như vậy, có đến 6 CLB của Việt Nam lọt vào Top 10 CLB Đông Nam Á có số lượng CĐV đến sân đông nhất giải nội địa 2020, dù mùa giải năm nay bị tạm dừng đến 2 lần. Nói thế để thấy, sức nóng, sự quan tâm của khán giả Việt Nam dành cho bóng đá lớn thế nào. Tất nhiên, để có những con số ấn tượng đó là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên bóng đá mới được đón khán giả trở lại các sân bóng. Nhưng đằng sau đó vẫn là tình yêu, sự mến mộ của “cầu thủ thứ 12” dành cho môn thể thao vua ở Việt Nam.
Phản ứng kịp thời của BTC giải
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 thì các sân ở V.League cần phải mở cửa để đông đảo khán giả đến sân thay vì hạn chế. Thực tế, sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, BTC giải đã có những điều chỉnh, chỉ đạo sát sao với các sân địa phương. Và tùy từng khu vực, tỉnh thành mà có lượng khán giả khác nhau được phép vào sân.
Chẳng hạn như các sân Hòa Xuân, Hàng Đẫy chỉ có thể đón 3.000-5.000 khán giả vào sân. Thế mới có chuyện, ở trận “chung kết” giữa Viettel gặp Hà Nội FC ở vòng 5 giai đoạn 2 V.League, hàng nghìn CĐV đã không thể vào sân do bị hạn chế khán giả nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến dịch Covid-19.
BTC giải đã có nhiều cách phản ứng nhanh trước diễn biến “thời sự”. Đặc biệt ở cuối mùa giải, khi các cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, sân Hà Tĩnh bị ngập nặng, không đảm bảo chất lượng thi đấu thì BTC giải đã nhanh chóng phối hợp với HL Hà Tĩnh đi đến thống nhất tổ chức trận đấu trên sân khách. Đó cũng là lý do mà trận HL Hà Tĩnh gặp Viettel diễn ra trên sân Hàng Đẫy, rồi sau đó HL Hà Tĩnh gặp TP.HCM ở sân Thống Nhất.
Dù vậy, đi đá “sân khách” nhưng các trận đấu đó vẫn có không dưới 5.000 khán giả đến sân. “Năm nay dịch Covid-19, rồi bão lụt liên tục xuất hiện nhưng không vì thế mà sân cỏ nguội lạnh. BTC giải cùng các CLB đã có sự phối hợp, ứng phó tốt trong từng tình huống để giải vẫn tiếp tục và quan trọng nhất là các sân vẫn có đông đảo khán giả”, HLV Phạm Minh Đức (HL Hà Tĩnh) cho biết.
Thiên Trường vẫn là số 1
Theo thống kê, tổng số khán giả đến xem các trận đấu ở V.League 2020 là 750.900 người. Dù chỉ bằng một nửa so với năm 2019 (1.307.700 người) và 2018 (1.400.000 người) nhưng đó là con số đáng để hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây, nhiều trận không được phép đón khán giả và đặc biệt, số trận giảm đi khoảng 1/3.
Thiên Trường vẫn là “chảo lửa” có sức nóng nhất của V.League bởi tổng số khán giả đến xem DNH Nam Định ở sân nhà là là 112.000 người (trung bình lên đến 12.444 người/trận). Đứng thứ nhì là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là 59.761 người. Ở mùa giải này, HAGL chơi trên sân nhà rất tốt nhưng số lượng khán giả đến sân không như kỳ vọng với chỉ 55.089 người, đứng thứ ba về số lượng khán giả đến sân. Sự góp mặt của Công Phượng, Tiến Dũng giúp cho TP.HCM trở thành đội đứng thứ tư về số lượng khán giả với 51.120 người. Đứng cuối cùng trong Top 5 là SLNA với 49.155 khán giả.
Sự tỏa sáng của “cầu thủ thứ 12”
Tại Gala tổng kết mùa giải 2020, có đến 6/14 CLB được vinh danh là có Hội CĐV hoạt động tích cực nhất gồm Hội CĐV HAGL, Than.QN, Thanh Hóa, HL.HT, Hà Nội FC và TP.HCM. Trong bối cảnh giải đấu bị tác động bởi đại dịch Covid-19, việc các Hội CĐV vẫn giữ được “lửa” là điều rất đáng ghi nhận. Đó có lẽ cũng là lý do khiến BTC khó “so bó đũa chọn cột cờ” nhằm tìm ra một hội CĐV xuất sắc nhất.
Người ta cảm thấy tiếc cho Hội CĐV Nam Định, vốn đã gây ấn tượng về sự nhiệt tình và máu lửa, tuy nhiên, đâu đó vẫn có những “vết gợn” khiến Hội CĐV Nam Định không thể có mặt trong nhóm được bầu chọn.
Bình Luận