Có lẽ, lường trước được những mối nguy trong năm 2021, trong đó có nỗi lo Covid-19 trở lại, nên VPF đã chọn thương án thi đấu thể thức 2 giai đoạn như mùa giải vừa qua thay vì thể thức 2 lượt như trước để xây dựng lịch thi đấu cho V.League 2021. Đây được coi là phương án thích hợp giữa đại dịch, đồng thời, đem đến tính cạnh tranh cao, triệt tiêu tiêu cực (nếu có) cho V.League. Chủ động trước tình hình nhưng có lẽ, VPF cũng khó có thể định ngày trở lại của mùa giải mới khi dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp ở nước ta. Đến thời điểm này, có nhiều địa phương đã công bố có ca nhiễm mới. Quan trọng hơn là trong số đó, có 5 địa phương là Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, TP.HCM và Bình Dương có các đội bóng tham dự V.League. Ngay khi có ca mới được công bố, những địa phương như Hải Phòng, Gia Lai… đã có công văn hỏa tốc gửi đến các CLB yêu cầu dừng tổ chức các trận đấu. Điều đó cũng đồng nghĩa, phải chờ đợi thêm một thời gian sau khi khống chế được dịch bệnh thì các trận đấu mới được phép tổ chức trở lại.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Trần Anh Tú cho biết, đơn vị này đang xây dựng các phương án để V.League quay trở lại khi dịch bệnh đã được khống chế. VPF đã có kinh nghiệm trong công tác điều hành giữa mùa dịch của V.League 2020 nên tỏ ra chủ động trong các phương án để thích nghi với tình hình mới. Nhưng ở mùa giải này, quỹ thời gian sẽ ngắn hơn mùa trước khi tháng 11 tới, SEA Games 2021 sẽ diễn ra lại xen kẽ nhiều giải đấu quốc tế khác. Dù trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Malaysia vào tháng Ba tới bị hoãn theo đề nghị của Malaysia đi chăng nữa thì thầy trò ông Park Hang Seo cũng cần thời gian tập trung để kiểm tra năng lực và phong độ cầu thủ nên V.League gần như không thể chiếm thời gian này. Rõ ràng, việc không thể xác định được mốc thời gian mới để V.League quay trở lại do chưa biết thời điểm khống chế thành công Covid-19 chắc chắn đặt ra bài toán không dễ tìm lời giải về việc điều chỉnh lịch thi đấu V.League của VPF.
Cơn đau đầu không chỉ xảy ra ở bộ phần điều hành giải đấu mà còn cả các CLB. Việc V.League 2021 tạm dừng vô thời hạn khiến quá trình chuẩn bị chuyên môn của các đội bị ảnh hưởng. Tất nhiên, các HLV cũng đã có kinh nghiệm để ứng phó với vấn đề “ngắt quãng vô thời hạn” này khi từng trải ở mùa giải 2020 nhưng việc phải huấn luyện trong bối cảnh không theo giáo trình sẽ khiến cho công tác huấn luyện đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro. Đó là vấn đề điểm rơi phong độ, tạo sự hưng phấn cho các cầu thủ sau một thời gian phải tập chay. Đó còn là vấn đề chấn thương một khi các cầu thủ phải trải qua mật độ thi đấu quá dày. Ở mùa giải năm ngoái, một số đội như Hà Nội, Quảng Nam, Than Quảng Ninh… có thời điểm rơi vào khủng hoảng do đội bóng trở thành “bệnh binh”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chấn thương hàng loạt ở các đội bóng là do tác động của dịch bệnh khi không thể chuẩn bị chu đáo do nghỉ quá nhiều quãng, lại không được phép tập luyện do dịch bủa vây, thi đấu với mật độ dày, cường độ lại cao khiến cho các cầu thủ không thể kham nổi…
Dù đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh nhưng việc cảnh cũ tái hiện đã đặt ra những bài toán không dễ chịu cho người trong cuộc.
Các đội được lùi thời hạn bổ sung ngoại binh
Theo như quy định, 1 ngày trước vòng 3 V.League 2021, các đội bóng sẽ phải chốt danh sách bổ sung hoặc thay đổi ngoại binh. Tuy nhiên, do vòng 3 phải hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các đội chưa thi đấu vẫn có thể sẽ được bổ sung, thay đổi ngoại binh. Đại diện pháp lý của VPF khẳng định, các đội đã đăng ký danh sách ngoại binh nhưng chưa thi đấu vẫn sẽ được thay đổi, bổ sung miễn sao trước 1 ngày diễn ra vòng 3. Nếu vậy, 4 đội bóng đã thi đấu vòng 3 gồm Thanh Hoá, Nam Định, Sài Gòn và SLNA sẽ không được bổ sung, thay đổi. 10 cái tên còn lại Đà Nẵng, Hà Tĩnh, HAGL, Bình Định, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Viettel, Bình Dương vẫn có quyền thay đổi về ngoại binh.
Phía VPF cũng cho biết, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, V.League 2021 vẫn chưa thể ấn định được ngày thi đấu trở lại.
Bình Luận