PV: Ở mùa 2020, rất nhiều CLB chia sẻ rằng việc kiếm tiền, tăng nguồn thu cho CLB là điều tương đối khó khăn. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Năm 2020 có quá nhiều biến động. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng và bóng đá cũng không phải ngoại lệ. Tình hình kinh doanh của các ông bầu bị đình trệ, nguồn thu giảm ghê gớm nên tiền rót vào bóng đá cũng bị hao hụt đi nhiều. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Họ bị cuộc sống cơm áo gạo tiền đè nặng, phải lo lắng cho doanh nghiệp, nhân viên của mình để sống qua mùa Covid-19 nên nguồn tiền dành cho việc tài trợ bóng đá cũng bị cắt giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp trước đây có định hướng tài trợ cho bóng đá nhưng vì gặp đại dịch, việc làm ăn không thuận lợi nên họ phải thu nhỏ lại, và đành nói khó với CLB để xin rút tài trợ, dù trên thực tế họ rất yêu mến môn thể thao vua. Ở V.League 2020 có lẽ chỉ có Hà Nội, Viettel và TP.HCM là những đội không bị ảnh hưởng nhiều về tài chính bởi ông bầu, nhà tài trợ chính của họ là doanh nghiệp, tập đoàn lớn nên ngân sách dành cho bóng đá không bị ảnh hưởng nhiều, còn các đội khác rất khó khăn vì dòng tiền bị cắt giảm.
Trước thực trạng như vậy, ông có giải pháp nào để vượt qua khó khăn, kiếm tiền về cho CLB?
Ở V.League có 2 kiểu tài chính dành cho CLB đó là 1 ông bầu đứng ra lo hết cho đội. Còn kiểu thứ 2 là ngân sách địa phương dành cho CLB và có thêm vài nhà tài trợ phụ nữa cùng góp tiền nuôi đội. Về giải pháp kiếm tiền thì có lẽ chỉ bằng cách phải mở rộng mối quan hệ với nhiều doanh nhân, doanh nghiệp để kêu gọi họ tài trợ cho CLB. Bên cạnh đó, CLB phải luôn đá hết sức, không bị tiếng xấu thì khi đó mới kêu gọi được tài trợ. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh CLB thì mới có sức lan tỏa, giới thiệu đến các Mạnh Thường Quân để họ rót tiền cho bóng đá.
Nhiều ý kiến cho rằng với những CLB có chất lượng đào tạo trẻ tốt thì có thể bán cầu thủ trước khi họ đáo hạn hợp đồng để từ đó tăng nguồn thu cho đội bóng?
Đấy cũng là ý kiến hay bởi trên thực tế khi cầu thủ do chính mình đào tạo ra, họ đá đến năm 25 tuổi, được chuyển sang đội bóng mới và được hưởng toàn bộ số tiền lót tay. Thế nên, thay vì đợi cầu thủ đến 25 tuổi thì lúc 22-24 tuổi, những gương mặt chất lượng thì mình có thể bán hoặc cho CLB khác mượn. Nguồn thu từ việc chuyển nhượng cũng không hề nhỏ.
Tại nhiều CLB có các gương mặt nổi bật, có sức hút lớn không chỉ trong bóng đá. Vậy, làm thế nào để khai thác hình ảnh từ cầu thủ ngôi sao đó và tăng doanh thu cho đội?
Rất mừng là sau cơn sốt U23 Việt Nam năm 2018 thì bóng đá Việt Nam được xã hội quan tâm hơn, nhiều cầu thủ lên tầm ngôi sao được các nhãn hàng săn đón, mời đi quảng cáo. Tôi nghĩ các CLB và cầu thủ ngôi sao đó tiếp tục phát huy lợi thế tầm ảnh hưởng của mình để khai thác thương quyền. Khi cầu thủ ký hợp đồng quảng cáo có thể trích về 30% giá trị cho CLB chủ quản. Khi đó các bên sẽ cảm thấy thoải mái, chuyên nghiệp và quan trọng là có thêm nguồn thu cho CLB để tái sử dụng, đầu tư phát triển.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Bình Luận