'Móng' cho sự phát triển của nền bóng đá

Để tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, mỗi CLB cần đáp ứng bộ quy chuẩn với tập hợp các nguyên tắc do FIFA và AFC đặt ra, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều lệ của VFF. Nói đơn giản hơn, Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp là nền móng cho sự sống còn, phát triển của mỗi đội.
'Móng' cho sự phát triển của nền bóng đá

Kim chỉ nam cho các CLB

Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp quy định về hoạt động của VFF trong việc cấp phép cho các CLB bóng đá Việt Nam tham dự các giải thuộc Hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Cúp Quốc gia, hạng Nhất Quốc gia và V.League) và các giải đấu cấp CLB của AFC (AFC Cup, AFC Champions League) trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về thành tích thể thao và các tiêu chí cần thiết để được cấp phép theo quy định có liên quan đến AFC và VFF.

Mục đích cấp phép của VFF được thực hiện nhằm đảm bảo nhiều yếu tố. Nổi bật trong đó là thúc đẩy và cải thiện tiêu chuẩn về mọi mặt của bóng đá ở châu Á; Nâng cao trình độ quản lý và tổ chức CLB; Cải thiện khả năng tài chính và kinh tế của các CLB, tăng tính minh bạch và tin cậy của các CLB; Bảo đảm tính liên tục của các giải đấu trong một mùa giải… 

Nói như Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trong cuộc trả lời phỏng vấn cách đây không lâu: “Chúng ta phải thực hiện một kế hoạch đồng bộ, từ cơ quan quản lý bóng đá, ban điều hành giải và đặc biệt là các CLB. VFF đang hướng các CLB đến một lộ trình phát triển ổn định và bền vững. 5 tiêu chí được đặt ra trong Quy chế cấp phép sẽ đảm bảo nâng cao trình độ quản lý và tổ chức, cải thiện khả năng tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời tạo ra môi trường ổn định cho sự phát triển của các CLB”. 

Các CLB muốn làm giàu từ chính bóng đá thì phải đảm bảo tính chuyên nghiệp một cách thực thụ - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Giá trị sinh lời

Vậy 5 tiêu chí trong Quy chế cấp phép là gì? Đó là tiêu chí thể thao; tiêu chí cơ sở vật chất; tiêu chí nhân sự và hành chính; tiêu chí pháp lý; tiêu chí tài chính. Trong đó, chỉ cần thiếu 1 trong số 5 tiêu chí, CLB sẽ đối mặt nguy cơ không thể góp mặt trong hệ thống thi đấu, đặc biệt của AFC.

Hà Nội FC là đội thấm thía nhất sự khắt khe trong Quy chế cấp phép này. Vốn dĩ là ĐKVĐ V.League, Cúp Quốc gia và vào đến vòng 4 đội mạnh nhất của AFC Cup năm ngoái, nhưng mùa giải này, đội bóng thủ đô phải nhường suất tham dự giải châu lục cho TP.HCM. Lý do là bởi Hà Nội FC thiếu sót trong tiêu chí thể thao mà cụ thể ở đây là không có đội U15 tham dự giải U15 Quốc gia mùa trước. Mất đi một giải đấu lớn, Hà Nội FC không chỉ mất đi tiền thưởng cho mỗi vòng hay một chiến thắng mà họ cũng hao hụt một khoản liên quan đến bản quyền truyền hình và bán vé vào sân. 

Rõ ràng, nhìn từ bài học của Hà Nội FC, những đội bóng Việt Nam khác nếu thực sự muốn làm giàu từ chính bóng đá thì phải đảm bảo tính chuyên nghiệp một cách thực thụ. Cụ thể trước mắt là tuân thủ 5 tiêu chí trong Quy chế cấp phép. Bởi đó là nền móng để các CLB có thêm những nguồn thu chủ động từ bán vé, bản quyền truyền hình, tiền tham dự các giải đấu lớn, quảng cáo…, bên cạnh những nguồn thu truyền thống và thụ động từ ngân sách địa phương hay khoản tiền cứng từ nhà tài trợ chính của đội… 

Như trong giai đoạn hiện tại, với ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, nhiều đội bóng V.League như Quảng Nam FC, Thanh Hóa đã phải đau đầu với bài toán thu chi. Bởi khi nguồn thu của đội vẫn chỉ cố định từ ngân sách của tỉnh và có thể đối diện với việc hao hụt tài trợ do giải đấu chưa thể trở lại thì nguồn chi liên quan đến lương, thưởng, chế độ ăn uống, cơ sở vật chất lại tăng theo thời gian. Thế mới thấy, 5 tiêu chí của Quy chế cấp phép bóng đá chuyên nghiệp ít nhất là giúp các CLB quản lý thu chi hợp lý hơn, qua đó bớt lao đao trong bối cảnh Covid-19 tạo ra nhiều biến số ở mùa giải năm nay. 

XEM THÊM

 

Đa dạng hóa nguồn thu cho các CLB: Cánh đồng nào chưa canh tác?

Bóng đá và tư duy doanh nghiệp

 

Báo Thái Lan cảnh báo Việt Nam về sức mạnh của Malaysia

    Bình Luận