Nguyễn Nam Thắng: Thiếu gia đất Mỏ & thú vui 'đốt tiền' cho... bóng đá

Với giới mộ điệu phía Bắc, cái tên Nguyễn Nam Thắng không quá xa lạ. Xuất thân không thuộc diện “trâm anh thế phiệt” nhưng Thắng đủ tự tin khẳng định mình là “con nhà có điều kiện” tại Quảng Ninh. Với chàng trai này, kế tục nghiệp kinh doanh của gia đình là nhằm có tiền “đốt” cho đam mê bóng đá.
Nguyễn Nam Thắng: Thiếu gia đất Mỏ & thú vui 'đốt tiền' cho... bóng đá

Bóng đá là đích đến

Là con trưởng của một gia đình kinh doanh đa ngành nghề từ công nghiệp xi măng đến kinh doanh khách sạn tại Hạ Long, Nam Thắng được ví là sinh ra ở vạch đích. Chàng trai này có nhiều năm du học tại Nga, Trung Quốc và giờ vẫn đi lại giữa các nước để kết nối việc kinh doanh. Mọi nấc thang đều nhằm chuẩn bị cho chàng trai đất Mỏ một ngày tiếp quản công ty của gia đình. 

Kinh doanh là con đường phải đi. Đó là sự nghiệp của gia đình, là cở sở đảm bảo cho tương lai. Nhưng, với Nam Thắng, bóng đá mới là đích đến. Khi Than.QN còn chơi ở hạng Nhất, người ta thấy Thắng luôn ở tuyến đầu. Thời điểm đó, chàng trai ngoài 20 tuổi đã sắm vai Chủ tịch Hội CĐV. Đến lúc Than.QN lên chuyên nghiệp, Nam Thắng lui về phía sau tìm cho mình một con đường mới. Từ đó, thiếu gia đất Mỏ liên tục xuất hiện ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa và mới đây nhất là Hà Tĩnh với vai trò của một CĐV đặc biệt.

Nhưng, với Thắng, yêu bóng đá không chỉ là đến sân, hò hét, giao lưu mà còn cơ hội để đóng góp, thực hiện hoài bão chuyên nghiệp từ khán đài. Trong suốt mấy năm, anh mày mò, tìm hiểu từ cách cổ vũ, dụng cụ cổ vũ đến các vật phẩm, quà tặng dành cho CĐV trên khắp thế giới. Rồi, Thắng đem những sản phẩm mẫu đi khắp nước, thậm chí ra cả nước ngoài đặt hàng gia công về đem tặng, hoặc phân phối cho các Hội CĐV. Không hề quá khi nói rằng, “thiếu gia đất Mỏ” chính là người khởi đầu cho làn sóng sản xuất kinh doanh vật phẩm cho CĐV bóng đá tại Việt Nam.

Có lần, khi được hỏi, tại sao lại mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cho bóng đá trong khi có thể lựa chọn một cách chơi khác, cuộc chơi khác, Thắng bộc bạch: “Nhiều người nói tôi điên khi lao đầu vào bóng đá dù có thể lựa chọn một cách tiếp cận khác. Ví như là một nhà quan sát, một người rong chơi chứ không phải là người trong cuộc.

Thậm chí, có lúc tôi chịu điều tiếng bởi cái sở thích và giấc mơ chẳng giống ai của mình. Nhưng bóng đá là cái nghiệp rồi. Nếu muốn an nhàn, hưởng thụ thì tôi sẽ chọn con đường làm ông chủ. Mọi thứ đã sẵn sàng và đó cũng là điều gia đình mong mỏi. Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng, kinh doanh là công việc tạo ra của cải cho cuộc sống. Nhưng, cuộc sống có tiền thôi thì chưa đủ. Bạn muốn có hạnh phúc. Mà muốn có hạnh phúc phải có đam mê và tình yêu. Bóng đá là tình yêu, là đích đến của tôi”.

“Đốt tiền” nuôi… tình yêu

Từ chỗ là người mở rộng thương hiệu Joma, nhà tài trợ trang phục của Than.QN ra toàn quốc, mới đây, Nam Thắng lại sắm vai nhà phân phối của nhãn hiệu thể thao Tây Ban Nha Kelme. Anh thuyết phục thương hiệu này “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều hãng thể thao luôn đánh giá cao về tiềm năng nhưng luôn gặp khó khăn trong việc bán hàng chính hãng.

Tất nhiên, để có được cái gật đầu của một công ty quốc tế có trụ sở ở châu Âu thì Thắng cũng phải chứng minh được khả năng làm thị trường của mình. Hai bản hợp đồng tài trợ trang phục cho DNH.NĐ và HL.Hà Tĩnh nhanh chóng được kết. Tới đây, bản hợp đồng thứ ba sẽ được ký với CLB bóng đá nữ Sơn La.

Nhưng có điều, để có sản phẩm tài trợ, công ty mẹ chỉ có thể hỗ trợ Thắng mua với giá ưu đãi. Với các thương hiệu nước ngoài, nhà phân phối phải có trách nhiệm làm thị trường và không có những “món ăn miễn phí”. Và thế là để đưa một thương hiệu thể thao quốc tế đến Việt Nam, thiếu gia đất Mỏ phải bỏ ra số tiền không dưới 1,2 tỷ đồng.

Với các Hội CĐV Than.QN và Nam Định, cái tên Nguyễn Nam Thắng không hề xa lạ - Ảnh: Đức Cường

Có lần tôi hỏi: “Thắng đã kiếm được bao nhiêu tiền từ việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến thể thao”? Câu trả lời của Thắng đó là “mục tiêu của tôi là tiêu bớt tiền qua từng năm. Tôi chưa từng hòa vốn trong các thương vụ của mình. Tôi đã lỗ và sẽ còn tiếp tục lỗ bởi cần thời gian để bóng đá Việt Nam mới thực sự chuyên nghiệp. Có người bảo tôi dại khi cứ phung phí tiền bạc cho những cuộc chơi mà bản thân chắc chắn chưa thể thắng.

Nhưng, nếu cần phải trả học phí cho việc định hình một thói quen mới của giới mộ điệu thì tôi sẵn sàng. Rồi một ngày các CLB sẽ quan tâm hơn đến việc khai thác giá trị gia tăng của bóng đá. Tôi sẵn sàng chờ đến ngày đó và tiếp tục hành trình kiếm tiền ngoài đời để tiêu cho bóng đá”.

Giấc mơ ông bầu
Nguyễn Nam Thắng đã bắt đầu dấn thân vào hành trình của một người làm bóng đá thật sự. CLB Luxury Hạ Long chính thức đăng ký tham dự giải hạng Ba quốc gia 2019. Mục tiêu tới đây là giành vé tham dự giải hạng Nhì QG. Sắp tới, U21 Luxury Hạ Long sẽ đăng ký tham dự vòng loại U21 QG. Trong tháng 8, Thắng cùng những người bạn sẽ tổ chức giải bóng đá U21 mở rộng Cúp Kelme gồm các đội bóng: U21 Quảng Ninh, U21 Thanh Hóa, U21 Nam Định và U21 Luxury Hạ Long nhằm chạy đà cho vòng loại giải U21 QG. Mong mỏi lớn nhất của Nam Thắng chính là kiếm được thêm nhiều tiền, kêu gọi được nhiều bạn đồng hành để trở thành một ông bầu thực sự.

XEM THÊM

Đa dạng hóa nguồn thu cho các CLB: Cánh đồng nào chưa canh tác?

'Móng' cho sự phát triển của nền bóng đá

Báo Thái Lan cảnh báo Việt Nam về sức mạnh của Malaysia

    Bình Luận