Nỗi lo cầu thủ U20 Việt Nam sắm vai 'dự bị' ở CLB

Nhiều cầu thủ U20 Việt Nam đã có màn trình diễn tốt tại VCK U20 châu Á vừa qua, nhưng khi về CLB chủ quản, họ khó có thể tranh suất thi đấu tại V.League và đối diện nguy cơ chậm phát triển tài năng.
Nỗi lo cầu thủ U20 Việt Nam sắm vai 'dự bị' ở CLB

Năm 2016, lần đầu bóng đá Việt Nam có đại diện được tham dự sân chơi World Cup khi lứa Quang Hải giành vé đến Hàn Quốc. Sau VCK U20 World Cup 2017, các cầu thủ là học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong sự nghiệp. Hàng loạt cái tên như Đình Trọng, Hoàng Đức, Quang Hải, Tấn Tài, Văn Hậu, Văn Hào, Đức Chinh, Tiến Dũng, Thanh Bình có được chỗ đứng khi về thi đấu cho các đội bóng chủ quản.

Thậm chí sang đến năm 2018, nhiều cầu thủ thuộc lứa 1997-1998 đã có tên trong danh sách dự VCK U23 châu Á và góp phần quan trọng trong việc viết nên chiến tích mang tính lịch sử với vị trí á quân.

Cũng từ đó, các học trò cũ của HLV Hoàng Anh Tuấn tiếp tục có thêm nấc thang mới khi là nhân tố chủ lực ở ĐTQG chinh chiến tại nhiều giải đấu quốc tế và đem về vô số thành tích cho bóng đá Việt Nam. Khi nhìn lại hành trình của lứa cầu thủ nói trên, giới chuyên môn đều cho rằng mấu chốt để họ có được sự phát triển đều đặn là được các CLB trọng dụng, xếp đá chính thường xuyên ở các giải quốc nội.

Văn Trường (trái) thi đấu ấn tượng trong màu áo U20 Việt Nam nhưng khi về CLB chủ quản cũng khó có suất đá chính

Bây giờ, lứa cầu thủ U20 Việt Nam hiện tại được dẫn dắt bởi HLV Hoàng Anh Tuấn có nhiều nỗi lo sau khi lên tuyển trở về CLB sẽ khó cạnh tranh suất đá chính và vị trí quen thuộc của họ là băng ghế dự bị. Trong đội hình chính U20 Việt Nam tham dự VCK U20 châu Á 2023 có khá nhiều gương mặt triển vọng như Văn Khang, Văn Trường, Vỹ Hào, Quốc Việt..., nhưng sẽ rất khó cho các cầu thủ này cạnh tranh suất đá chính ở CLB. Ngay như trường hợp đội trưởng Văn Khang sẽ phải cạnh tranh với các đàn anh dạn dày kinh nghiệm ở tuyến giữa Viettel là Hoàng Đức, Đức Chiến và đặc biệt ngoại binh Jaha.

Còn với Văn Trường khi về Hà Nội FC cũng thật khó chen chân vào tuyến giữa đội bóng Thủ đô, bởi hiện tại ngoài suất ngoại binh mặc định của Marcao thì còn đó Văn Toàn, Hùng Dũng, Hai Long. Trong khi đó, tiền đạo sắc bén nhất của U20 Việt Nam là Quốc Việt cũng khó chen chân vào đội hình chính của HAGL, bởi tuyến trên của đội bóng này có cặp tiền đạo ngoại Brandao - Paulo, chưa kể còn có Thanh Bình. Kể cả trong trường hợp Quốc Việt được kéo xuống tuyến giữa thì đội bóng phố Núi cũng khá chật chội khi đã có Tuấn Anh, Minh Vương, Ngọc Quang.

Có lẽ niềm hy vọng lớn nhất là Vỹ Hào khi B.BD không có tiền vệ tốt nên anh sẽ được ra sân nhiều hơn. Một điều thú vị ở U20 Việt Nam là những cầu thủ không sắm vai chính như Xuân Tiến, Hải Nam hay Phi Hoàng lại là nhân tố chủ chốt của SLNA, SHB.ĐN. NHM có quyền trông chờ vào sự tiến bộ của các cầu thủ này khi về khoác áo CLB.

HLV Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Mọi sự sánh giữa lứa U20 hiện tại và lứa Quang Hải năm 2016 đều rất khập khiễng. Tôi nghĩ lứa trước đây các bạn thấy rồi, họ đang ở đâu? Chính là ĐTQG, đó mới là mấu chốt. Tôi nghĩ lứa này, 2-3 năm tới họ cũng như vậy. Chúng ta nên có suy nghĩ khách quan về điều đó. Tôi mong chờ lứa hiện tại được đá ở các giải quốc nội nhiều hơn để chắp cánh cho sự phát triển”.

Bóng đá Việt Nam đang có lứa cầu thủ trẻ đáng để kỳ vọng, nhưng điều cần thiết là họ được trao cơ hội thi đấu khi về CLB chủ quản, dù rằng trên thực tế họ vẫn non kém kinh nghiệm trận mạc so với các đàn anh.
 

    Bình Luận