Vấn đề trọng tài V.League: Kiểm soát quyền lực

Nói đến trọng tài là nói đến lực lượng quyền lực nhất có thể quyết định đến sự thành công của giải đấu cũng như các đội bóng.
Vấn đề trọng tài V.League: Kiểm soát quyền lực

Thế nhưng, chỉ một quyết định sai lầm của trọng tài cũng có thể khiến sân chơi chao đảo. Thế nên, kiểm soát quyền lực ở những ông vua sân cỏ nhằm đảm bảo sự thành công của giải đấu là yêu cầu sống còn với các nhà quản lý bóng đá.

Nhiều người bảo, trọng tài là một thế giới riêng. Ở đó, họ có cách vận hành riêng và không chấp nhận sự tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất. Sự độc lập của các ông vua sân cỏ là yếu tố đảm bảo thành công cho giải đấu. Thế nhưng, bóng đá cũng như cuộc sống luôn đối diện với những rủi ro, thách thức có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác trọng tài. Cũng như cuộc sống, trao quyền lực phải đi liền với kiểm soát quyền lực. Điều này nhằm tránh sự lạm quyền, lợi ích nhóm hay đi chệch hướng tư tưởng. Bóng đá cũng vậy, các nhà quản lý kiểm soát quyền lực bằng điều lệ, quy chế, bằng quy trình phân công, điều hành một cách minh bạch, chuyên nghiệp.

Phải nói rằng, mùa giải qua chứng kiến nhiều biến động liên quan đến công tác trọng tài. Sai số của các trọng tài từ hạng Nhất đến V.League luôn khá cao và điều này trở thành thách thức đối với hình ảnh nền bóng đá cũng như thành công của giải đấu. Đã có lúc, VFF và VPF phải đối diện với rất nhiều áp lực từ các đội bóng và dư luận phải hành động nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ trọng tài. Và những áp lực đó đã được chuyển hóa thành những bước đi cụ thể nhằm quy chuẩn hóa công tác phân công cùng những quyết định dù buồn nhưng vẫn phải diễn ra.

Kỷ luật trọng tài, không mời làm nhiệm vụ, hoặc yêu cầu thay đổi sự phân công trong những trường hợp cụ thể đã xuất hiện nhiều trong mùa giải vừa qua. Có thể thấy, sự quyết liệt của VPF với tư cách là người trả tiền thuê trọng tài. Về nguyên tắc, VPF không có quyền tác động vào công tác trọng tài nhưng với tư cách người trả tiền, họ vẫn có tiếng nói quyền lực của mình. Khi nắm đấm tài chính được sử dụng, công tác trọng tài đã có những điều chỉnh tích cực và bằng chứng là cuối mùa, các trận đấu diễn ra khá êm thấm, góp phần mang đến sự thành công chung. 

Vẫn chưa thể có VAR ở V.League
Trước tình hình trọng tài có nhiều sai sót, câu hỏi lại được dư luận đặt ra là bao giờ mới áp dụng VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài). Tuy nhiên, việc đưa công nghệ VAR vào bóng đá Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề và phải thông qua nhiều bước với sự chấp thuận của FIFA, chứ không đơn giản là chuyện muốn mà được.

Trọng tài đang xem lại VAR trong một trận đấu  ở nước ngoài

Liên quan đến tiến độ áp dụng công nghệ VAR vào V.League, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Để áp dụng công nghệ VAR, ngoài yếu tố kỹ thuật thì cũng cần chuyên gia nên không thể đẩy nhanh được. Thông thường chúng ta sẽ mất từ 2 năm đến 2,5 năm”.

    Bình Luận