Vì sao các CLB V.League chưa thể sống được bằng nguồn lực bóng đá?

Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động vì thiếu tiền, Tây Ninh giải tán cũng vì thiếu tiền. Một bức tranh ảm đạm với bóng đá Việt Nam mà ở đó, khi các CLB không tự chủ nguồn lực từ bóng đá, những cái chết yểu là điều được dự báo.

Trước khi mùa giải 2021 khởi tranh, CLB Xi măng Fico Tây Ninh giải thể vì thiếu kinh phí. Đến thời điểm tháng 8/2021, một CLB ở V.League là Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động một năm. Lý do được đưa ra là bầu Hùng đang nợ lương, thưởng các cầu thủ 60-70 tỷ đồng. Khi ông bầu này cạn nguồn lực, UBND tỉnh chưa có giải pháp, nguy cơ biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam hiện hữu.

Than Quảng Ninh đang rơi vào tình cảnh chết yểu.

Phận “ăn đong” ở V.League

Thực tế, đây là thực trạng chung trong suốt 20 lên bóng đá chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Theo thống kê, có ít nhất 10 CLB phải giải thể hoặc chuyển giao vì thiếu kinh phí sau khi các ông bầu không còn đầu tư bởi nhiều lý do khác nhau.

Một trong lý do được đưa ra là sự phụ thuộc quá lớn vào các ông bầu cũng như ngân sách địa phương. Trong khi đó, khả năng vận hành, tạo ra các sản phẩm để thu lại nguồn kinh phí cho đội bóng hoạt động gặp hạn chế. Nói đúng hơn, những nguồn thu từ chuyển nhượng cầu thủ, bản quyền, tài trợ áo đấu, bán áo đấu, bán vé,… ở bóng đá Việt Nam chưa đủ, thậm chí chỉ nhỏ giọt để bù các khoản chi.

Theo lãnh đạo một CLB ở V.League xin phép được giấu tên, để duy trì một mùa giải đội bóng phải chi khoảng 80 tỷ đồng. Riêng năm 2021, đội bóng chi 100 tỷ, vì những khoản nợ trước khi chuyển giao đội bóng là 20 tỷ. 

Trong khi đó, số tiền giá vé thu được ở mỗi trận đấu CLB thi đấu trên sân nhà khoảng 500 triệu. Bản quyền quảng cáo trong năm 2021 dự kiến thu được 10 tỷ, giai đoạn 1 thu được 3,5 tỷ. Nhưng do giải bị hủy vì dịch nên nhà tài trợ rút lui. Áo đấu, quà lưu niệm chưa triển khai làm.

Chi phí vận hành 1 trận đấu hết 250 triệu, chưa áp dụng bán vé mùa nên chưa thu được nguồn chính thức. Trong khi đó, kinh phí chuyển nhượng năm nay đội bóng rơi vào khoảng 10 tỷ. Tỉnh hỗ trợ 30 tỷ nhưng số tiền trên chia nửa cho đội trẻ từ U13, U15, U17, U19, U21. Nửa còn lại dành đội 1, cụ thể khoảng 15 tỷ đồng/năm. Nhẩm tính, để vận hành đội bóng, ông chủ bỏ ra số tiền rơi vào khoảng 80 tỷ đồng trong năm nay.

Một CLB tân binh như Bình Định có mức chi dao động 100 tỷ đồng/năm.

Một lãnh đạo CLB Bình Định cho rằng: “Bình Định là tân binh V.League, vậy nên mọi kế hoạch để phát triển đội bóng theo hướng chuyên nghiệp vẫn đang trong quá trình xây dựng và tìm hướng đi hợp lý nhất”.

Trong năm qua, Bình Định thu được tiền vé khoảng 400 triệu đồng/trận. Một nửa chi phí dành đến BTC để tổ chức trận đấu, trả lương nhân viên, bảo vệ,… số tiền còn dư sẽ chuyển vào đào tạo bóng đá trẻ. 

Số tiền thu được từ biển quảng cáo, bán quà lưu niệm, bán vé chỉ ước tính trăm triệu đến một, hai tỷ đồng, không đủ để chi trả số tiền duy trì hoạt động CLB hàng năm đến 100 tỷ đồng. 

Đối với các CLB Việt Nam, việc sống dựa bằng các nguồn lực từ bóng đá vẫn còn là điều khá xa xỉ khi câu chuyện về kinh doanh bóng đá vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Một trong những đội bóng đang dần có kết quả tích cực từ kinh doanh bóng đá là CLB Hà Nội.

Đội bóng Thủ đô có các gói tài trợ theo mức từ kim cương, vàng, bạc tùy theo hợp đồng để quảng bá hình ảnh của đội trên áo đấu, áo tập. Giá trị này tăng lên và giá trị thương mại cũng lũy tiến. Muốn đạt hiệu quả cao, CLB Hà Nội vừa phải có thành tích tốt về mặt chuyên môn, vừa xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp. Tuy vậy, số tiền bỏ ra để vận hành đội bóng mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí là cả 100 tỷ đồng.

Ngoài Hà Nội, CLB TP. HCM cũng có những kết quả tích cực từ kinh doanh bóng đá. Theo đó, chỉ riêng mùa giải 2021, họ có đến 12 nhà tài trợ đồng hành cùng đội. Đó là những bản hợp đồng bằng hiện kim hay các sản phẩm chuyên biệt. 

Việc sở hữu những ngôi sao đương thời như Lee Nguyễn, Bùi Tiến Dũng,… tạo nên sức hút về mặt thương hiệu cho CLB này. Thế nhưng, nguồn lực để đầu tư vào đội bóng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Giá trị về mặt thương hiệu của Lee Nguyễn có thể thu hút các nhà tài trợ đến với CLB TP. HCM.

Ngoài hai CLB kể trên, hầu hết các đội bóng ở V.League đều chưa thu về những khoản kinh phí từ bóng đá mang lại. Trong khi đó, nguồn chi dành đến các hoạt động rất lớn. Một trong những khoản tốn khá nhiều tiền của các đội bóng là lương.

Theo tìm hiểu, trong số 14 CLB, Nam Định là đội bóng chi số tiền lương thấp nhất. Số tiền dao động trong khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Các CLB còn lại chi trong khoảng 1,5-2 tỷ/tháng. Đối với nội binh, lương các cầu thủ thuộc hạng ngôi sao không dưới 50 triệu/tháng. 

Những cầu thủ ít sao số hơn cũng 30-50 triệu/tháng. Những cầu thủ vốn được xem là dự bị thường xuyên cũng rơi vào 20-30 triệu/tháng. Đối với ngoại binh, mức lương cho cầu thủ “xịn” là hơn 15.000 USD/tháng. Những mức thấp hơn rơi vào khoảng 10.000-15.000 USD/tháng hay cầu thủ thuộc giá trung bình cũng tối thiểu 5.000-6.000 USD/tháng.

Ngoài ra, chi phí lót tay là khoản tiền khá lớn. Các sao số như Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức, Trọng Hoàng,… có thể nhận mức hơn 3 tỷ đồng/năm. Tương tự là các cầu thủ ít thương hiệu cũng cỡ tiền tỷ. Thậm chí, nhiều cầu thủ hạng Nhất có mức lót tay không dưới 400 triệu/năm. Trong khi đó, tiền lót tay cho ngoại binh dao động từ 50.000 cho đến 200.000 USD/năm tùy theo giá trị của họ.

Một con số quá lớn so với số tiền mà các CLB kiếm ra được từ các hoạt động liên quan đến bóng đá. 

Sự chênh lệch quá lớn giữa nguồn thu và chi là gánh nặng về kinh tế đối với các đội bóng. Theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), các CLB phải là những doanh nghiệp. V.League đã đi theo hướng xu hướng. Song, vấn đề lớn chính là sự phụ thuộc quá lớn vào “tiền túi” các ông bầu. Thậm chí, một số CLB còn trông chờ vào ngân sách địa phương.

Chi phí cho ngoại binh về lương, lót tay chiếm khoản chi khá lớn ở các CLB.

CLB Hải Phòng được UBND tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng/năm. Hay như CLB SHB Đà Nẵng nhận “gói” 20 tỷ đồng/năm. Chính sự phụ thuộc quá lớn này khiến các CLB luôn bị động mỗi khi gặp trục trặc về kinh phí. Chẳng hạn, đó là sự giải ngân chậm hay khủng hoảng vì dịch COVID-19. Số CLB tự độc lập tài chính rất ít ỏi.

Trả lời truyền thông, chủ tịch Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Trần Anh Tú thừa nhận: “Nhiều CLB hiện nay vẫn hoạt động bằng nguồn tiền của các doanh nhân là ông chủ các CLB hoặc một doanh nghiệp mà địa phương giao cho quản lý câu lạc bộ”.

Ông Tú cho rằng, đến thời điểm này xu hướng các ông bầu làm bóng đá vẫn chưa khác nhiều so với trước đây. Nếu có khác thì ở chỗ các câu lạc bộ đang quan tâm đến việc làm hình ảnh cho đội bóng của mình nhiều hơn trước, còn nguồn thu quảng cáo từ bóng đá vẫn chưa đáng kể.

Điều hành một câu lạc bộ bóng đá tốn rất nhiều chi phí, từ trả lương cho cầu thủ và nhân viên quản lý, đến mở rộng sân vận động và tổ hợp đào tạo, cải thiện cơ sở y tế, quảng bá câu lạc bộ...

Rõ ràng, các CLB V.League vẫn chưa “tự sống” mà hầu hết các CLB đều dựa vào nguồn lực từ ông bầu hay ngân sách địa phương. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” luôn hiện hữu từng năm. Cách làm bóng đá theo kiểu “ăn đong” này khiến số phận các CLB luôn trong chỉ mành treo chuông nếu bị rút… bầu sữa.

Vấn đề “ăn chia” bản quyền hình ảnh của các CLB với ngôi sao trong đội bóng chỉ thực sự nóng sau khi U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018. Mở đầu là câu chuyện của thủ môn Bùi Tiến Dũng và FLC Thanh Hóa. Sau quá trình lùm xùm, giải pháp được đưa ra là hai bên thực hiện mối quan hệ “win-win” trong các bản hợp đồng quảng cáo, tham dự sự kiện của thủ môn này.

Sau này, CLB Hà Nội ra quy định “công ty có quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter... để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại”. Quy định này đã vấp phải sự phản ứng sau đó. Sau này, ở các bản hợp đồng của cầu thủ đều có bản phụ lục riêng tùy theo thương hiệu của mỗi cầu thủ liên quan đến giá trị bản quyền hình ảnh của cầu thủ đó.

Bức tranh về thu – chi của VPF ra sao?

Ngày 28/10/2020, tại Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2020-2023, VPF đưa ra thông báo về mức thu-chi tài chính. Theo đó, hằng năm, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ ký hợp đồng để giao quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF.

Câu chuyện kiếm nhiều doanh thu từ các vấn đề liên quan đến kinh doanh bóng đá ở V.League vẫn chưa tương xứng với hai chữ chuyên nghiệp.

Số tiền lũy kế để VPF trả chi phí cho VFF lần lượt là 11,1 tỷ đồng (2018, 2019) và 12,2 tỷ đồng (2020). Ngoài ra, VPF hỗ trợ các đội bóng tùy thuộc vào hợp đồng quảng cáo giữa VPF với đơn vị quản lý các CLB. Số tiền đó trong 3 năm qua là 43,4 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, VPF kinh doanh lời trong hai năm 2018 và 2019. Cụ thể, tổng thu năm 2018 là 100,4 tỷ đồng, tổng chi là 97,6 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 2,8 tỷ đồng. Con số này với năm 2019 là 111,4 tỷ đồng (thu), 111,1 tỷ đồng (chi) và 305 triệu đồng (lợi nhuận).

Đến năm 2020, VPF đặt chỉ tiêu nguồn thu là 111,5 tỷ đồng song chỉ đạt 93,2 tỷ đồng. Số tiền chi là 100,15 tỷ đồng, lỗ 7 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến có sự dao động này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến V.League, hạng Nhất và Cúp QG liên tục dừng. Thể thức thi đấu thay đổi dẫn đến số trận ít lại (30%). Điều này dẫn đến giá trị của các hợp đồng quảng cáo giảm.

Trong năm này, VPF chỉ hỗ trợ 50% kinh phí so với đề ra (khoảng 9 tỷ đồng). Ngoài ra, 7 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ FIFA cũng được hỗ trợ các liên đoàn thành viên. Tính ra, mỗi CLB V.League nhận hỗ trợ 800 triệu đồng, hạng Nhất 400 triệu đồng).

Trước đó, năm 2016 được xem là năm đạt đỉnh doanh thu của VPF với 176,6 tỷ (chi 175 tỷ, lợi nhuận 1,6 tỷ). Nhưng ba năm sau, mức doanh thủ chỉ là 111,4 tỷ đồng, giảm đến 65,2 tỷ đồng. Nhìn vào các con số kể trên, rõ ràng, về mặt kinh doanh, VPF không thật sự ổn định và mang lại hiệu quả cao. 

Ngoài ra, một trong những nguồn thu lớn trong kinh doanh bóng đá hiện nay cũng không được khai thác thực sự hiệu quả. Theo tìm hiểu, số tiền bản quyền truyền hình của V.League trong năm 2020 dao động ở mức hơn 3 tỷ đồng. Nếu so sánh với giải VĐQG Thái Lan, con số này khá khiêm tốn.

Tờ Bangkok Post cho hay, giá trị bản quyền truyền hình giải đấu này trong 8 năm từ 2021-2028 lên đến 12 tỷ bath (tương đương gần 9.000 tỷ đồng). Tức là, mỗi mùa giải, Thai.League thu về lên đến hơn 1.110 tỷ đồng. Một con số cực khủng.

Đó là cơ sở để khi gặp vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 như năm 2020 vừa rồi, mỗi CLB ở Thai.League nhận gói hỗ trợ 20 tỷ đồng. 

Với quyết định hủy V.League 2021, VPF sẽ lên phương án xử lý cũng như đàm phán với 5 nhà tài trợ, 3 đối tác về thiệt hại từ các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng kinh tế. 

Đa dạng hóa hiệu quả các nguồn thu từ bóng đá: Có phải là bài toán khó?

Dựa trên thực trạng kinh doanh từ bóng đá của các CLB ở V.League, lãnh đội một đội bóng cho rằng, để kinh doanh có hiệu quả, hai vấn đề quan trọng là đầu tư vào bóng đá trẻ và xây dựng hình ảnh CLB tốt có văn hoá. “Nếu đội bóng có thành tích tốt, CĐV đến sân nhiều hơn thì vé, đồ lưu niệm, hợp đồng quảng cáo, tài trợ mới nhiều. Sự hỗ trợ này sẽ giảm gánh nặng chi phí cho ông bầu đội bóng”, vị lãnh đạo này cho biết.

Sân Hà Tĩnh vỡ chỉ là hiện tượng nhất thời còn bản chất, rất nhiều trận đấu ở V.League có số lượng khán giả không nhiều và doanh thu từ bán vé cùng các hoạt động xung quanh trận đấu không cao.

Bắt đầu năm 2022, CLB Bình Định sẽ bán vé mùa. Nếu CĐV mua 2-3 mùa liên tiếp sẽ tặng "combo" áo, mũ, khăn. “Trong tương lai, Bình Định sẽ hướng đến những phương án ký hợp đồng quảng cáo trên sân, đặt biển quảng cáo trận đấu, chuyên nghiệp hơn mô hình bán vé, áo đấu…. nhằm giảm một phần áp lực về tài chính của CLB”, vẫn lời lãnh đạo CLB Bình Định.

Trong khi đó, tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện, ngành quản lý thể thao, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho hay: Mô hình phát triển bóng đá ở các nước tiên tiến sẽ dựa vào 3 nguồn thu nhập chính: doanh thu từ các hoạt động thương mại, doanh thu từ bản quyền truyền hình và doanh thu từ ngày thi đấu.

Trong đó, mảng thu nhập từ các hoạt động thương mại như các hợp đồng tài trợ cho câu lạc bộ, bán áo đấu, nhượng quyền khai thác sản phẩm có thương hiệu câu lạc bộ và một số hoạt động thương mại khác chiếm hơn 45% tổng doanh thu của một câu lạc bộ bóng đá. 

Bản quyền truyền hình cũng là nguồn thu nhập đáng kể của câu lạc bộ, thường chiếm khoảng 35% tổng doanh thu. Hai mảng thu nhập này có thể biến động lên xuống tuỳ khả năng của từng câu lạc bộ. Cuối cùng là những hoạt động kiếm thu nhập từ ngày thi đấu như doanh thu từ bán vé, các hoạt động tiếp đón người hâm mộ VIP, bán thức ăn nước uống và đồ lưu niệm cho khán giả, chiếm khoảng 20% doanh thu còn lại.

Theo ông Thiện, để có thể tối ưu hoá những nguồn doanh thu này, không chỉ các CLB phải đầu tư vào tài sản của mình, mà những đối tác liên quan như giải đấu, các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp và người hâm mộ cũng phải có những chiến lược phát triển hay nhận thức tương xứng để cùng “đẩy” nguồn thu cho bóng đá.

V.League có thể học hỏi J.League, Thai.League hay K.League?

Vẫn theo tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện, điểm mạnh của những giải bóng đá chuyên nghiệp này là nằm trong Top 8 châu Á. Họ xem bóng đá là một ngành kinh doanh thực thụ cũng như hoạt động giải trí chứ không chỉ đơn thuần là thi đấu thắng thua. Do đó từng câu lạc bộ đều nghiêm túc đầu tư vào tài sản của mình; bao gồm thương hiệu và hình ảnh đội bóng, sân thi đấu, giá trị đội hình và lực lượng người hâm mộ.

Giá trị bản quyền truyền hình cao giúp các CLB ở V.League được chia số tiền lớn.

Khi mà các ông chủ xác định câu lạc bộ của mình là một sản phẩm thì việc đầu tư nghiêm túc để sinh lợi sẽ theo định hướng kinh doanh rõ rệt. Đơn cử như từng mảng vận động tài trợ, truyền thông hay kinh doanh đều có những bộ phận phụ trách chuyên biệt với chiến lược cũng như KPI cụ thể cho từng giai đoạn. 

Ngoài ra, một điểm thuận lợi của những giải đấu như J.League, K.League hay Thai.League là các tập đoàn kinh tế hay doanh nghiệp lớn đều xem thể thao là một mảng marketing hiệu quả cũng như hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) để quảng bá doanh nghiệp. Do đó, khi câu lạc bộ chuẩn bị nghiêm túc để đáp ứng những nhu cầu của doanh nghiệp, theo mối quan hệ win-win, thì doanh thu từ mảng thương mại của đội bóng đó sẽ tốt.

Một điểm mạnh nữa là các tập đoàn truyền thông ở các nước này phát triển tốt nên giá trị bản quyền truyền hình cho giải bóng đá chuyên nghiệp luôn ở mức cao. Ví dụ như Thai League mới đàm phán hợp đồng bản quyền truyền hình mới với giá trị đến 12 tỷ baht Thái (khoảng 9000 tỷ đồng) trong 8 năm. Trong đó mỗi năm, các câu lạc bộ hàng đầu Thai.League được chia sẻ tiền bản quyền truyền hình lên đến 50 tỷ đồng.

Tiền bán vé cũng như những hoạt động kinh doanh trong ngày thi đấu cũng là một điểm mạnh ở các câu lạc bộ tại những giải đấu này. Trung bình những CLB hàng đầu Thai.League thu được doanh thu đến 30 – 50 tỷ cho việc bán vé và những hoạt động kinh doanh vào ngày thi đấu trong mỗi mùa giải. 

Sân vận động thuộc sở hữu của các câu lạc bộ nên việc triển khai những hoạt động này rất hiệu quả. Khán giả được chia thành nhiều nhóm với các loại vé khác nhau. Khách VIP thì có những khu vực “VIP-box” để có thể vừa thưởng thức bóng đá, ăn uống và bàn chuyện kinh doanh. 

Khán giả đi theo kiểu gia đình có những trò chơi trước khi vào sân cổ vũ theo kiểu “được ăn, được nói, được gói mang về” cho con cái hay chính bản thân khán giả. Những cổ động viên cuồng nhiệt có mặt từ sớm để chuẩn bị các dụng cụ cổ vũ cũng như cờ băng rôn phía sau hai cầu môn.

Tất cả khiến cho một trận bóng đá trở thành một ngày hội để mọi người vừa giải trí vừa cổ vũ cho đội bóng yêu thích. Cuối cùng, doanh thu mang về cho các câu lạc bộ tăng lên, góp phần phát triển đầu tư ngược lại cho đội bóng để phát triển chuyên nghiệp và bền vững.

 

Nhóm BTV bóng đá trong nước

    Bình Luận