Từ ngày 2 đến 10-5, VFF sẽ gửi văn bản đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành (BCH), phó chủ tịch, chủ tịch VFF khóa 8 (nhiệm kỳ 2018-2022) theo tiêu chí mới là ứng viên BCH không nhất thiết phải có bằng cử nhân.
Theo quy định, sau khi hoàn tất quy trình tổng hợp, thống kê danh sách đề cử nhân sự, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội 8 là chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ gửi báo cáo lên Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cuối cùng là Bộ Nội vụ. Sau khi Bộ Nội vụ thông qua báo cáo thì trong vòng 30 ngày sau, VFF mới được tổ chức đại hội.
Điều này đồng nghĩa đại hội VFF nhiệm kỳ 2018-2022 nhiều khả năng sẽ lùi sang tận tháng 6 hoặc lâu hơn nữa. Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ: "Tôi giữ vai trò phát ngôn của VFF nhưng hiện tại, Tiểu ban Nhân sự làm việc đến đâu, tôi chưa được thông báo. Chỉ biết sắp tới, một số lãnh đạo thường trực VFF đi Nga họp Đại hội đồng FIFA trùng với dịp nước này tổ chức VCK World Cup từ đầu tháng 6. Như vậy, đại hội nhiệm kỳ 8 nếu lùi sang tháng 6 mới tổ chức thì có khả năng sẽ phải lùi sang tận tháng 7, vì quy định đại hội bắt buộc phải có đầy đủ thường trực khóa 7 tham dự".
Ông Gụ cũng nhận xét: "Trong thông báo mà ông Lê Hùng Dũng phát đi kết quả tổng hợp ý kiến BCH về việc đưa tiêu chí phải có bằng cử nhân vào điều lệ VFF ở đại hội khóa 8 sắp tới và khẳng định chưa thể tổ chức đại hội trong tháng 4 với lý do chưa hoàn thiện công tác nhân sự ngày 27-4 vừa qua, có thể khẳng định ông Dũng đã nhận ra cái sai. Đáng tiếc là ông muốn để trách nhiệm này cho anh em trong BCH cùng chịu trách nhiệm.
BCH không có quyền bỏ phiếu về điều lệ, điều lệ là của đại hội xây dựng lên rồi trình Bộ Nội vụ phê duyệt và đã trở thành "pháp lệnh". Ở đây rõ ràng ông Dũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trước đó lúc ông Dũng bắt đầu đưa ra tiêu chí bằng cử nhân thì chính tôi cũng đã có ý kiến nhưng trưởng tiểu ban nhân sự không nghe".
Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 tháng, VFF yêu cầu các đơn vị thành viên bổ sung đề cử nhân sự. Sau 2 lần giới thiệu, hiện đã có 4 ứng viên ra tranh cử chủ tịch, 11 ứng viên ra tranh cử phó chủ tịch, 30 ứng viên ứng cử vào BCH khóa 8.
Một chuyên gia bóng đá cho rằng: "Những lý do, hoàn cảnh để lùi đại hội thì không quan trọng nhưng việc lùi đại hội thì mình sẽ làm được những gì, vấn đề là làm thế nào để những người ra ứng cử có đề án để người ta biết mình sẽ làm được những gì, mà việc này phải có điều lệ, quy chế chuẩn theo tiêu chí FIFA. Bao nhiêu năm nay, VFF chưa hề có quy chế chuẩn theo tiêu chuẩn FIFA, việc này là cấp bách nhất để ai lên làm việc cứ theo quy chế mà làm".
Một chuyên gia bóng đá khác cũng cho hay: "Mỗi một quốc gia có một hoàn cảnh riêng, việc hoãn đại hội nhiều lần như ở đại hội 8 không có vấn đề gì nhưng hoãn thì phải làm cho tốt hơn. Những sự việc lùm xùm ở VFF trong thời gian qua không hẳn là điều xấu, đây có thể là một điều tốt khi các thành viên có nhiều ý kiến phản biện lẫn nhau nhưng cuối cùng là không thù ghét, trù dập nhau. Còn việc Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang có những vấn đề trong thời gian qua cũng dễ hiểu vì ông Tuấn là người đảm nhận nhiều việc nên dễ sai sót. Việc này cơ quan chủ quản của ông Tuấn là Tổng cục TDTT cũng phải nói rõ ràng".
Chờ thêm góp ý cho đề án tranh cử
Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ca cao Việt Nam, cho biết đã soạn xong đề án tranh cử chức danh phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF để gửi đến báo chí. Tương tự, ông Lương Hoàng Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, cũng cho biết cương lĩnh ứng cử chức phó chủ tịch truyền thông VFF đã soạn xong và sớm công bố đến dư luận.
Điểm chung dễ nhận thấy trong các đề án tranh cử của những nhân tố mới trong cuộc đua vào các ghế chủ chốt ở VFF, phần nào đó đều liên quan đến nền tảng công nghệ truyền thông 4.0. Ông Trần Văn Liêng chia sẻ: "YouTube, Facebook, hay tựu trung là "Internet of Things"..., là những điều mà tôi muốn gửi gắm đến người hâm mộ bóng đá, các doanh nghiệp cũng như giới truyền thông trong đề án tranh cử. Hình thức tương tác không giới hạn giữa VFF và doanh nghiệp, người hâm mộ cũng như truyền thông sẽ thông qua một ứng dụng di động và web, gồm nhiều sản phẩm như hình ảnh, hoạt động trong và ngoài sân cỏ, truyền hình bóng đá, thương quyền đội tuyển, các game show liên quan đến bóng đá, giao lưu thần tượng... Nguồn thu chính là số tiền dùng để tải ứng dụng về máy, kèm theo một số khoản chi ra trong khi sử dụng các sản phẩm trên ứng dụng đó".
Đó chỉ là 1 trong 5 giải pháp mà ông Trần Văn Liêng nêu ra trong đề án tranh cử, với mong muốn nhận được sự góp ý từ công luận khi tham gia cuộc đua vào VFF mà ông là một tân binh, giống như một vài nhân tố khác như ông Lương Hoàng Hưng, người cũng khẳng định nếu trúng cử sẽ xây dựng nền tảng quản lý truyền thông an toàn, có tính bảo mật cao cho VFF mang tên "blockchain".
Bình Luận