GĐKT mới của Việt Nam có điểm gì giống và khác ông Toshiya Miura? 

VFF đang trong quá trình đàm phán với giảng viên Yusuke Adachi. Nếu thành công, bóng đá Việt Nam sẽ có một Giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản, đồng hương với ông Toshiya Miura.
GĐKT mới của Việt Nam có điểm gì giống và khác ông Toshiya Miura? 

Những điểm giống nhau đến bất ngờ

Tất nhiên ngoài quốc tịch Nhật Bản ra, ông Yusuke Adachi - ứng viên tiềm năng ngồi vào chiếc ghế Giám đốc kỹ thuật VFF còn có nhiều điểm chung với đồng hương Toshiya Miura, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Xuất phát điểm của cả hai khi là cầu thủ không có gì đáng chú ý. Nếu như HLV Toshiya Miura chỉ tham gia bóng đá nghiệp dư thì ông Adachi cũng giải nghệ từ năm 27 tuổi do chấn thương. 

Một điểm chung khác giữa hai con người cùng sinh trong những năm 60 của thế kỷ XX ở Nhật Bản (ông Adachi sinh năm 1961 còn ông Miura sinh năm 1963) là ngôn ngữ. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật, cả hai đều thông thạo tiếng Đức và tiếng Anh. Bản thân ông Adachi và ông Miura hoàn toàn có thể ngồi uống café với nhau và tâm sự với người đối diện của mình về một điểm chung nữa. Đó là bình luận viên bóng đá. Và nếu như đó không phải là một cốc café mà là một buổi tập luyện trên thực địa, cả hai chuyên gia người Nhật Bản cùng thế hệ này cũng có một triết lý công việc chung. Đó là tận tâm, trách nhiệm, khắt khe. 

Ông Adachi được nhiều HLV Việt Nam đánh giá cao trong công tác giảng dạy

Một buổi giảng dạy trên sân 19/8 rơi vào sự cố mất điện. Thời gian buổi học không còn nhiều. Nhưng thay vì để các HLV ra về sớm, ông Adachi lại tìm cách mượn tất cả những chiếc xe gần đó và xếp thành hàng, nổ máy để tạo thành dàn đèn cung cấp ánh sáng cho tất cả hoàn thành buổi học đó. Hay như một hôm thực địa trên sân. Cơn mưa rào đột ngột diễn ra trước khi buổi học khép lại 30 phút. Thì cũng như sự cố mất điện kể trên, ông Adachi yêu cầu tất cả nán lại để chờ mưa tạnh, trước khi hoàn thành buổi học ngày hôm ấy. Điều đó tương tự như ông Toshiya Miura. Người luôn yêu cầu chính xác một cách tuyệt đối trong thời gian và khối lượng tập luyện. Ông không thể chấp nhận một cầu thủ quá cân, với một cái bụng to và ì ạch chạy trên sân cỏ. 

Khác biệt trong suy nghĩ về cách chơi bóng

Có nhiều điểm chung giữa hai chuyên gia đến từ Nhật Bản. Nhưng họ cũng không tìm thấy nhau trong quan điểm triết lý bóng đá. Buổi uống café giữa đôi bên có thể sẽ dừng lại đột ngột nếu như họ nói về cách chơi bóng mà mình yêu thích. 

Đến lúc này, triết lý về một lối đá khoa học, chú trọng đến thể lực cùng cách đá phòng ngự phản công vẫn luôn là kim chỉ nam khi hành nghề của ông Miura. Và ngay cả HLV Park Hang Seo đang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng kế thừa không nhỏ một số cầu thủ được tôi luyện lối chơi ấy dưới nhiệm kỳ của vị HLV Nhật Bản. Nền móng thể lực của các cầu thủ cũng đã được nhắc đến nhiều trong 5 năm trở lại đây. Để rồi từ ngữ thể hiện cường độ tập luyện như “nhồi thể lực” đã được chính bản thân cầu thủ và người hâm mộ dần quen dưới thời những HLV ngoại, khi nó thực sự là tiêu chí đóng góp vào thành công chung của các ĐTQG Việt Nam. 

Ông Miura đề cao tính chặt chẽ trong cách chơi, lấy phòng ngự phản công làm kim chỉ nam khi huấn luyện

Ông Miura yêu thích sự chặt chẽ trong phòng ngự. Nhưng nhiều quan điểm đánh giá ông Adachi luôn đeo đuổi sự phóng khoáng trong tấn công. “Quan điểm của ông Yusuke Adachi từ trước đến nay là xây dựng những lứa cầu thủ trẻ biết cách chơi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt”, một HLV đánh giá ông Adachi như vậy. 

XEM THÊM

Bóng đá Việt Nam gian nan đi tìm kiến trúc sư trưởng

Chuyện về ghế GĐKT của các CLB Việt Nam

Cầu thủ thấp nhất V.League kịp tái xuất trận DNH Nam Định - HAGL

    Bình Luận