Trong lịch sử 3 cúp châu Âu, chỉ có một vòng bán kết quy tụ đủ 4 đội bóng đến từ một nước, cũng có thể gọi là một trường phái. Đó là vòng bán kết UEFA Cup mùa 1979/80, với sự góp mặt của 4 CLB Đức - nơi mà ĐTQG nước này ngay sau đó vô địch EURO 1980 và vào chung kết World Cup 1982. Đấy có phải là sự thống trị? Ngay mùa kế tiếp, Đức chỉ còn một đại diện vào đến tứ kết Cúp UEFA. Xin được nói thêm: Cúp UEFA (C3) ngày xưa mới là giải đấu có nhiều CLB mạnh nhất, bởi Cúp C1 chỉ có nhà vô địch của mỗi nước được dự (hãy hình dung những đội như Nottingham Forest, Real Sociedad, Verona, Kaiserslautern, Strasbourg đại diện cho những cường quốc bóng đá châu Âu dự Cúp C1 trong thời kỳ ấy).
Thật ra, quả đã từng có một sự thống trị. Từ mùa bóng 1988/89 đến hết mùa bóng 1998/99, chỉ có một lần bóng đá Italia không có đại diện ở trận chung kết Cúp UEFA. Đấy là mùa bóng 1995/96 mà Juventus vô địch... Champions League. Và đấy là khoảng giữa của 7 mùa liên tiếp, bóng đá Italia luôn có đại diện ở trận chung kết Champions League. Trong 11 năm, các CLB Italia chiếm 28 suất dự chung kết, đá 4 trận chung kết “nội bộ”, đoạt 15 chức vô địch trên đấu trường 3 cúp châu Âu. Có 10 cái tên khác nhau làm nên sự áp đảo này: Juventus, Milan, Inter, Lazio, Roma, Fiorentina, Sampdoria, Torino, Napoli, Parma.
Nhưng đội tuyển Italia - một trong ba ĐTQG (cùng Đức và Brazil) thành công nhất lịch sử - lại không có danh hiệu vô địch nào trong giai đoạn ấy. Điểm chung giúp các CLB Italia áp đảo trận địa 3 cúp châu Âu là sức mạnh vô song về tài chính. Có 23 “Quả bóng Vàng, Bạc hoặc Đồng” trong giai đoạn 1988-2000 được trao cho các cầu thủ chơi bóng ở Serie A. Chỉ có 4 cầu thủ trong số ấy là người Italia.
Tất nhiên, chỉ là “ước lệ”, khi nói ngoài câu chuyện vừa nêu thì chẳng còn sự thống trị nào. Barcelona và Real Madrid tuy có thay nhau vô địch Champions League gần đây, nhưng họ chẳng đại diện La Liga (đại diện cho các thể loại G-14 hoặc G-18 nào đấy, của bóng đá đỉnh cao nói chung... thì còn có lý). Họ không thể dự Europa League. Cũng như Sevilla không thể tranh chấp ngôi cao ở Champions League. Cùng “mác” La Liga, nhưng cũng phải mâm nào ra mâm ấy rồi.
Thành công trong bóng đá thời nay chủ yếu thuộc về sức mạnh tài chính, tài năng của giám đốc thể thao (nói chung là khâu điều hành), và khả năng của HLV trưởng (gồm cả năng lực chuyên môn lẫn sự may mắn). Quá phức tạp so với sự đồng nhất về đặc điểm của bóng đá Italia khoảng 20-30 năm trước. Nên thời nay rất khó, nếu không muốn nói là chẳng có “sự thống trị” nào.
XEM THÊM
Flick lập thành tích sánh ngang Sir Alex, Guardiola và Mourinho
Bình Luận