Marcus Rashford nhận bóng ở khu trung lộ, cách khung thành Atletico Madrid đến 30m. Trong vòng bán kính khoảng 5m quanh Rashford, hoàn toàn không có cầu thủ nào truy cản hay ập vào tranh chấp, nghĩa là anh có đủ cả thời gian lẫn không gian để thực hiện giải pháp tiếp theo. Sẽ cầm bóng tiến gần hơn đến khung thành đối phương, hay phối hợp với đồng đội nào, ở cánh nào? Không hề.
Rashford ngước nhìn như thể anh là ngôi sao duy nhất trên sân. Anh lấy đà và chỉnh thước ngắm thật kỹ, rồi tung cú sút trong dáng điệu đà. Nhìn toàn cảnh, đấy là một bức ảnh đẹp, ở khoảnh khắc Rashford sút bóng. Nhưng đấy là một pha dứt điểm khó lòng tồi tệ hơn được nữa. Bóng bay nhẹ hều và vọt xà, cao gấp 3 lần so với chiều cao khung thành. Trong một môi trường bóng đá khác, một nền văn hóa khác, giới quan sát thay vì bàn về chuyên môn sẽ đành sẽ phải đặt nghi vấn: “bán độ” chăng?
Đấy là cú sút duy nhất mà Rashford thực hiện được, cho đến khi anh bị thay khỏi sân ở phút 75. Và cú sút ấy diễn ra trong hiệp 2, tức là thời điểm đã quá rõ ràng để mọi người kết luận: Rashford là một trong vài cầu thủ kém nhất trên sân (hoặc chính anh kém nhất). Chỉ có Rashford không biết được điều này, nên mới sút bóng trong dáng điệu ngôi sao một cách kệch cỡm như vậy. Cựu danh thủ M.U Paul Scholes kêu gọi: Rashford, làm ơn, đừng cố gắng thực hiện những điều ma thuật khi có bóng nữa.
Kịch bản xuyên suốt: các pha tấn công của M.U coi như kết thúc khi bóng đến chân Rashford. Hoặc khi Rashford tạt bóng vào vùng cấm địa thì đấy coi như là động tác “trả” bóng cho hàng thủ đối phương. Có đến 80% các pha lừa bóng của Rashford là thất bại. Nói rằng Rashford thể hiện phong độ thấp đến tận đáy trong trận đấu này thì quá đơn giản. Kỳ thực, đây cũng là trận đấu mà Paul Pogba hoặc Luke Shaw cũng chẳng kém gì Rashford về mức độ gây thất vọng. Cứ cho rằng M.U trong tay HLV “dỏm” Ralf Rangnick đã trở thành toán quân ô hợp từ lâu, mà mọi chuyện thắng bại của họ đều là ngẫu nhiên. Nhưng đây là sự tình cờ hiếm thấy, khi hầu như tất cả cùng lúc rớt phong độ. Ngược lại, đây cũng là may mắn tình cờ và hiếm thấy, khi M.U lại thủ hòa trên sân đối phương trong một trận đấu như vậy.
Vấn đề lớn nhất: vì sao Rashford lại cứ nghĩ mình là siêu sao, là “đại ca”, cứ phải thì đấu đúng phong cách của một cầu thủ vĩ đại như vậy? Một mặt là vì cả xã hội Anh đã trở thành “fan cuồng”, từ khi Rashford chi tiền bảo trợ một chương trình từ thiện hồi năm ngoái. Người ta thậm chí chỉ trích, kết tội những ai dám chê Rashford đá dở. Phần khác, đấy dĩ nhiên cũng là lỗi của HLV Rangnick. Vì sao HLV này chẳng dám động đến Rashford, trong hoàn cảnh các bình luận viên khắp thế giới đã phải cười hềnh hệch mỗi khi nhắc đến cái tên Rashford trong chương trình bình luận giữa trận? Jamie Carragher chỉ là một trong rất nhiều bình luận viên tỏ ra ngạc nhiên ngay từ việc Rashford có mặt trong đội hình chính. Bình luận viên này cho rằng từ nay M.U không nên để Rashford đá chính nữa. Nhưng chắc Rangnick… chẳng dám đâu!
Tệ cả năm nay rồi…
Những gì Paul Scholes vừa nói, người ta đã nói cả năm nay rồi, và tổng quát hơn nhiều. Kể từ khi vang danh trong xã hội Anh với chương trình suất ăn cho học trò nghèo, phong độ Rashford đã sa sút hẳn. Anh “họp online, điều hành xã hội” nhiều hơn tập trung chơi bóng. Đã có những sự tâng bốc rằng Rashford làm được nhiều hơn… thủ tướng Anh. Người ta thậm chí “mang tội” khi dám chỉ trích Rashford về việc đá hỏng luân lưu trong trận chung kết EURO 2020!
71%. Với tỷ lệ chính xác 71%, Marcus Rashford là cầu thủ chuyền bóng kém nhất trong đội hình chính M.U, và là một trong những cầu thủ chuyền bóng kém nhất trên sân ở trận hòa 1-1 vừa qua.
Bình Luận