Leicester City thành công nhờ 'ông chủ tốt' Vichai vĩ đại  

Leicester City vô địch FA Cup 5 năm sau chức vô địch Premier League và 11 năm sau khi được cố tỉ phú người Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha mua lại. Leicester bây giờ là CLB hạng mạnh của Premier League, luôn đua Top 4 và có nền tài chính khoẻ mạnh. Tất cả nhờ công của Vichai.  

TẠI SAO NGƯỜI THÁI NHẮM PREMIER LEAGUE?  

Vichai Srivaddhanaprabha không phải người Thái Lan đầu tiên xâm nhập đảo quốc Sương Mù và hòn ngọc trên chóp vương miện là Premier League. Người tiên phong là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, một người Thái gốc Hoa giống Vichai, cũng đầy khôn ngoan và mưu mẹo, người đã mua Man City để tị nạn chính trị hơn là làm bóng đá, kinh doanh hay làm hình ảnh.  

Nhưng Thaksin là cái chân cáo đầu tiên đặt vào lĩnh vực này, mở đường cho bia Chang, bia Singha, cho tỉ phú Vichai Srivaddhanaprabha tại Leicester City, cho tỉ phú Dejphon Chansiri tại Sheffield Wednesday cùng trào lưu người Thái dùng Premier League để quảng bá giá trị Thái Lan ra thế giới.  

Đây là sự khôn ngoan được thực hiện một cách lớp lang, bài bản mà giới doanh nhân khác ở châu Á hay Đông Nam Á không hoặc chưa làm được. Việc bầu Đức với những hoạt động giao thương với CLB Arsenal hay tấm biển quảng cáo chạy tên doanh nghiệp của bầu Đức tại Premier League chỉ là một hạt cát so với sự bao trùm của người Thái tại giải đấu này.  

Câu chuyện của Vichai cùng con trai mình tại Leicester City sẽ chứng minh cho thực tế đó, rằng người Thái đã khôn ngoan như thế nào khi đánh chiếm Premier League, thu hái được thành công cả về hình ảnh, tiền bạc lẫn thành tích thể thao, thậm chí được coi là “giới chủ tốt”, đối lập hoàn toàn với “chủ xấu” tại Man United, Liverpool hay Man City.  

Chân dung cố chủ tịch Vichai của Leicester tại SVĐ diễn ra trận chung kết FA Cup 2021

Vào thời điểm năm 2010, câu chuyện của Thaksin tại Man City đã rất ồn ã. Dân Anh và châu Âu đã biết đến Thái Lan, không phải như thiên đường du lịch mà còn là quê hương của các tỉ phú dám ăn lớn, làm lớn như Vichai hay Dejphon.  

Vichai là ai? Đó là người mà 15 năm trước, vào năm 2006, ông và cậu con trai Aiyawatt Srivaddhanaprabha tới Stamford Bridge xem một trận đấu của Chelsea. Họ ngồi ở khán đài phía Tây, cùng chỗ với Roman Abramovich, phòng VIP số 8, con số phát tài theo quan niệm của người Trung Quốc.  

Khi đó, bố con nhà tỉ phú người Thái Lan gốc Hoa nhận ra họ bị hấp dẫn bởi Premier League và những giá trị tiềm năng ở giải đấu này. 4 năm sau, Vichai đã bỏ ra 39 triệu bảng để mua lại Leicester từ Milan Mandaric, sau 3 năm tài trợ áo đấu cho một đội bóng ở Championship ngập trong nợ nần.  

Theo đánh giá của Forbes năm 2010, tài sản của Vichai ước tính là gần 2 tỷ bảng, là người giàu thứ 4 tại Thái Lan và nằm trong Top 8 ông chủ giàu nhất tại Premier League. Nhờ đó, Vichai có thể mua Leicester bằng nửa giá bán Harry Maguire sau này.  

Vào lúc Vichai ký giấy mua bán, những thương hiệu hàng hoá của Thái Lan như bia Chang, bia Singha đã rất nổi tiếng ở Premier League, với các hợp đồng quảng cáo cho các CLB trong Big Six. Hãng bia Chang, một trong hãng bia lớn nhất Thái Lan, cũng vừa ký hợp đồng 10 năm với Everton. Câu hỏi đặt ra: tại sao người Thái lại đầu tư tiền tấn vào bóng đá Anh?

Chức vô địch Premier League 2015/16 cho thấy Leicester là thương vụ thắng lớn của Vichai

Câu trả lời là vì Premier League rất có uy tín và nó sẽ giúp cho họ, chính xác hơn là ngành kinh doanh của họ, vươn xa hơn ra thế giới sau khi đã đạt được những thành tựu đáng kể ở khu vực. Sở hữu một CLB bóng đá Anh sẽ tái khẳng định vị thế của một doanh nhân uy tín, nhiều tham vọng.  

Một câu hỏi khác: Cuộc đầu tư này ngoài việc khuếch trương thanh thế các doanh nghiệp Thái thì có mang lại lợi ích về tài chính không? Có một sự thật là việc làm chủ một CLB chưa bao giờ đảm bảo mang lại những lợi nhuận, kể cả với những tên tuổi lớn như Man City, Liverpool hay Chelsea.  

Trong lịch sử của mình, chưa bao giờ Premier League thấy 50% các CLB của mình làm ăn có lãi và những hiện tượng “in tiền” như Man United chỉ là thành công dị biệt. Con số CLB có lãi ở những giải đấu hạng dưới của Anh lại càng thấp hơn.  

Nhưng việc làm chủ một CLB bóng đá Anh là cơ hội độc nhất vô nhị để các tài phiệt Thái Lan nâng cao vị thế của mình ở trong nước, đồng thời tiếp thị hình ảnh hãy còn vô danh của bản thân và nhãn hàng mình tại Anh quốc như Vichai và tập đoàn bán lẻ King’s Power của ông.  

Những doanh nhân Thái Lan như Vichai hiểu rất rõ cách vận hành của thị trường Thái Lan, nếu không họ đã chẳng kiếm hàng triệu USD từ nó. Mức độ phủ sóng của Premier League tại Thái Lan ngày càng lớn. Chọn đầu tư vào đấy là một nước cờ khôn ngoan của nhà tài phiệt người Thái.  

Surapol Utintu, GĐĐH của công ty Thai Beverage Marketing (sở hữu nhãn hiệu bia Chang) nói: “Việc nhà tài trợ hoặc mua lại những CLB bóng đá sẽ giúp tăng sự nhận diện của đất nước Thái Lan trên bản đồ thế giới. Trong quá khứ, người ta đâu có biết nhiều về Thái Lan, nhưng từ khi những nhà đầu tư Thái xuất hiện ở Premier League, thế giới đã biết nhiều về chúng tôi hơn”.  

Cúp FA vừa qua lại ghi thêm thành công trong sự đầu tư của nhà Vichai tại Leicester

VICHAI LÀ ÔNG CHỦ TỐT & KHÔN NGOAN  

Thời điểm mà Vichai mua Leicester, CLB này đang ôm khoản nợ 103 triệu bảng. Vichai lập tức chi tiền để trả hết nợ cho CLB. Đó là việc làm khác hẳn với nhà Glazer đã làm ở Man United bởi sau khi bị mua, Quỷ Đỏ lại phải è cổ gánh khoản nợ mà chủ Mỹ đã vay để mua chính họ.  

Tuy nhiên, Vichai chỉ rộng tay trong việc thanh toán nợ nần để xua đuổi vận khí xấu khỏi CLB. Ông luôn rất khôn ngoan trong việc chi tiền hay không chi tiền. Đơn cử như, Vichai không bao giờ dùng tiền để mua danh hiệu như Roman Abramovich hay Sheikh Mansour.  

Trong mùa Hè đầu tiên ở Stamford Bridge (2003), Abramovich đã đốt 132 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng. Với Mansour (2008), con số tương tự là 124 triệu bảng. Còn Vichai muốn phát triển đội bóng theo kế hoạch bài bản để thu lại thành công.  

Tính từ lúc tiếp quản đến khi CLB vô địch Premier League, tổng số tiền Vichai chi cho chuyển nhượng chỉ là 81 triệu bảng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ mất 6 năm để có chức vô địch Premier League đầu tiên, tương tự Man City của Mansour.  

Vichai là chủ ngoại hiếm hoi được CĐV yêu mến ngay cả khi đã chết

Không những thế, Leicester City còn kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán cầu thủ với giá cao cho các đội thủ khác như N’Golo Kante và Drinkwater cho Chelsea, hay Riyad Mahrez cho Man City, Harry Maguire cho Man United…    

Chức vô địch FA Cup mùa này, cùng suất tham dự Champions League (khả năng lớn) càng làm thành công của gia đình Vichai thêm lung linh. Ông đem đến triết lý hoàn toàn đối lập với các ông chủ giàu có khác: chi tiêu khôn ngoan vẫn đem lại thành công, nhiều tình yêu và ít sự thù ghét.  

Vậy Vichai đã thể hiện sự khôn ngoan đó như thế nào? Trong khi nhà Glazer coi Man United chỉ là con bò vàng để “hút máu”; giới chủ của Arsenal đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu và chủ sở hữu Liverpool bắt đầu thể hiện bộ mặt của tư bản trong việc tham gia Super League, thì Vichai lại khác.  

Ông trả nợ cho CLB, dùng thời gian và tiền bạc để xây dựng đội bóng từ gốc và xây dựng được mối quan hệ cực tốt với các CĐV. Chưa bao giờ chúng ta thấy CĐV Leicester hô “Nhà Vichai cút đi” tại sân King’s Power cả. Bởi Vichai quản lý CLB như nhà của mình, coi CĐV là người thân, sẵn sàng mời bánh mỳ kẹp và bia Singha khi có điều kiện.  

“Đó là văn hóa của Thái Lan. Chúng tôi dành thời gian cho BHL, cầu thủ, HLV và CĐV. Chúng tôi cố gắng điều hành theo không khí của một gia đình, lắng nghe ý kiến của mọi thành viên để hiểu họ như anh em. Chúng tôi cũng tuyệt đối tôn trọng truyền thống của CLB và tin tưởng những người gắn bó lâu năm”, Aiyawatt, con trai của Vichai khẳng định.  

Các cầu thủ Leicester tuyên bố chiếc cúp này dành tặng cố chủ tịch Vichai, bố của ông chủ trẻ Kun Top

Ngay sau khi Leicester City giành quyền thăng hạng lên Premier League năm 2014, Vichai mời toàn bộ cầu thủ và thành viên CLB một bữa vô cùng thịnh soạn tại một nhà hàng thượng hạng ở London. Ăn xong, ông còn tặng mỗi người một “chip” 10.000 bảng để họ “có vốn” đi thử vận may tại một sòng bài gần đó.  

Sau khi Leicester vô địch Premier League, Vichai tặng mỗi cầu thủ trong đội nhà một chiếc xe BMW i8 giá 105.000 bảng. Những dịp đặc biệt, ông hay tặng bia cho khán giả tới sân. Vào lễ sinh nhật 60 của mình, ông còn tặng 60 vé mùa cho các CĐV may mắn nhất. 

Vichai còn đầu tư nâng cấp cả sân tập Belvoir Drive lẫn sân đấu King Power của Leicester đâu ra đấy. Ông chỉ đạo hạn chế tăng giá vé tại sân King Power, nếu có phải tăng thì cũng chỉ tăng ở mức tối thiểu.    

Song những việc làm vừa khôn ngoan, vừa được lòng người của gia đình nhà Vichai không cản được việc giá trị của CLB Leicester tăng mạnh, từ 39 triệu bảng năm 2010 thành xấp xỉ 600 triệu bảng vào thời điểm hiện nay, bất chấp 2 mùa giải khủng hoảng vì COVID-19.  

Dễ hiểu tại sao khi Leicester đánh bại Chelsea trong trận chung kết FA Cup mùa này và giành chức vô địch, tất cả mọi thành viên đội bóng đều tuyên bố đây là món quà để dành tặng cố chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha. Và trong tương lai không xa, tên sân vận động chắc chắc sẽ được đổi thành tên ông chủ tốt người Thái Lan được tất cả yêu mến này.    

    Bình Luận