Ligue 1 vay tiền nhằm vượt qua khủng hoảng

Trước cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch Covid-19, Ligue 1 đang triển khai phương án vay chung một gói từ 200 tới 250 triệu euro để hỗ trợ 20 CLB hàng đầu.
Ligue 1 vay tiền nhằm vượt qua khủng hoảng

“Một CLB không bao giờ chết vì thành tích thể thao, nhưng sẽ chết vì sức khỏe tài chính”, Philippe Diallo, Tổng giám đốc Hiệp hội các CLB chuyên nghiệp Pháp (UCPF), tóm gọn tình hình bi đát hiện tại. Nếu mùa giải Ligue 1 bị cắt đứt tại đây, tổng thiệt hại cho 20 đội bóng có thể lên tới 600 triệu euro. Và sẽ không ít CLB rơi vào tình trạng hấp hối.

Tập đoàn Canal+, đơn vị giữ bản quyền truyền hình (BQTH) Ligue 1, mới đây đã từ chối trả 110 triệu euro theo hợp đồng vào ngày 5/4 với lý do không có trận đấu nào được phát sóng trong 3 tuần qua. Cần biết rằng, BQTH chiếm đến 36% tổng doanh thu của các CLB Ligue 1. Một đơn vị giữ BQTH khác là BelN Sports nhiều khả năng cũng học theo Canal+ để không trả 42 triệu euro cho Hiệp hội bóng đá nhà nghề Pháp (LFP). 

Khoản thu lớn nhất là BQTH sụt giảm thê thảm, các đội bóng Pháp cũng khó lòng trông chờ vào khoản thu lớn thứ nhì là bán cầu thủ vốn chiếm 25% tổng doanh thu. Thị trường chuyển nhượng châu Âu sẽ “mất mùa” nặng nề, các đội bóng lớn đều thắt chặt chi tiêu. Vốn rất giỏi trong việc bán sao thu lãi nhưng lúc này, các CLB Pháp cũng đành “bó tay” trong phiên chợ đìu hiu chưa từng có.

Đã có nhiều giải pháp được các CLB đưa ra như giảm lương, cắt giảm nhân sự, xin hoãn đóng thuế an sinh xã hội hoặc vay ngân hàng. Pascal Robert, Tổng giám đốc của Brest thừa nhận “chúng tôi đang làm việc với hai ngân hàng địa phương”.

Ligue 1 gặp khó khi Canal + từ chối trả tiền vì không có trận đấu diễn ra trong mùa dịch

Bên cạnh giải pháp vay cá nhân từng CLB, LFP còn tính đến phương án mạnh tay là vay gói tập thể cho toàn bộ 20 đội bóng. Ý tưởng này xuất phát từ một nhóm các chủ tịch CLB bao gồm Jean-Pierre Rivere (Nice), Nasser Al Khelaifi (PSG) và Jacques-Henry Eyraud (Marseille). LFP rất hoan nghênh ý tưởng này và xem đây là con đường chủ đạo kéo Ligue 1 khỏi khủng hoảng. Theo đó, LFP hoặc FFF (LĐBĐ Pháp) sẽ đứng ra thay mặt các CLB vay gói từ 200 đến 250 triệu euro của ngân hàng. Tài sản thế chấp chính là hợp đồng BQTH mà Ligue 1 đang có với hai tập đoàn Canal+ và BelN Sports.     

Hiện các nhà lãnh đạo bóng đá Pháp đang triển khai kế hoạch vay tập thể nêu trên, bởi đó là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện tại. Trong trường hợp ngân hàng từ chối cho vay số tiền lớn đến vậy, LFP còn một phương án cuối cùng là cầu cứu…người Qatar. Chỉ có chủ sở hữu của PSG mới đủ tiềm lực tài chính để giải cứu Ligue 1 vào thời điểm này. Tuy nhiên trong số các chủ tịch CLB, có Waldemar Kita (Nantes) phản đối kế hoạch dựa dẫm vào người Qatar.

Nếu dịch bệnh thuyên giảm, Ligue 1 có thể trở lại vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 7. Dù phải đá trên sân không khán giả, đó cũng là kịch bản ít tồi tệ nhất cho các CLB. 

Sức nặng bản quyền truyền hình
Việc thất thu bản quyền truyền hình là cú đấm mạnh nhất cho các CLB Ligue 1. Theo thống kê của Ủy ban kiểm soát tài chính các CLB Pháp (DNCG), có đến 36% doanh thu của 20 CLB hàng đầu ở mùa giải trước là từ BQTH.

XEM THÊM

Từ Platini đến Tigana, chưa học trò nào vượt qua nổi thầy Hidalgo

Maradona từng suýt gia nhập Marseille

Ben Yedder, tài năng chưa bén duyên với các CLB lớn

    Bình Luận