World Cup 2018 không kích cầu sàn chuyển nhượng

Các đội bóng hàng đầu châu Âu có vẻ đang không mặn mà lắm trong việc lùng mua các ngôi sao ở World Cup 2018. Họ khá chủ động trong “phòng ngự” trên thị trường chuyển nhượng, chủ yếu do bị ám ảnh bởi vấn đề lạm phát giá cầu thủ.
World Cup 2018 không kích cầu sàn chuyển nhượng
Sức mua giảm...
Có thể coi mỗi kỳ World Cup là một phiên chợ cầu thủ. Ở đó, các cầu thủ là những mặt hàng cao cấp được giới thiệu và bày bán. Thông thường, các chuyên gia “săn đầu người” rất tích cực đến “phiên chợ” này để tìm kiếm tài năng, khiến thị trường chuyển nhượng mùa Hè những dịp này diễn ra hết sức sôi động. Nhưng năm nay có vẻ như là một ngoại lệ. VCK World Cup 2018 đã không thể kích cầu thị trường chuyển nhượng


Trong quá trình diễn ra VCK World Cup 2018 cũng như sau khi giải đấu kết thúc, sức mua thậm chí còn chững lại so với các kỳ chuyển nhượng trước. Trong đó, Serie A là giải đấu có sự sụt giảm đáng kể nhất. Giải bóng đá hàng đầu của Italia hiện mới thực hiện tổng cộng 166 thương vụ. Con số này tuy rất cao trong bối cảnh năm nay, nhưng là rất khiêm tốn nếu đặt với cùng thời điểm của kỳ chuyển nhượng cách đây 4 năm, sau VCK World Cup 2014, khi Serie A tiến hành 278 vụ chuyển nhượng.


Các CLB ở Premier League cũng không mặn mà lắm với “phiên chợ” năm nay. Giải đấu luôn đi tiên phong trong phong trào mua sắm ở các kỳ chuyển nhượng mùa Hè hiện mới ký hợp đồng với 72 cầu thủ. Rõ ràng, giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vừa kết thúc trên đất Nga cách đây không lâu đã không thể làm nóng được thị trường chuyển nhượng của xứ sở sương mù. Phải nhấn mạnh rằng, cùng thời điểm này 4 năm về trước, các đội bóng ở Premier League đã ký hợp đồng với 170 cầu thủ, với tổng số tiền 1,041 tỷ euro.

Xét ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, không giải nào không sụt giảm sức mua so với cùng thời điểm 4 năm về trước, sau khi World Cup 2014 kết thúc. La Liga mới có 114 vụ chuyển nhượng, kém 36 vụ so với cùng kỳ 4 năm về trước. Bundesliga có 123 bản hợp đồng được thực hiện so với 160 thương vụ sau giải đấu mà ĐT Đức giành chức vô địch. Trong khi dù ĐT Pháp vừa giành cúp vàng trên đất Nga, các CLB ở Ligue 1 mới tiến hành 107 thương vụ, so với con số 139 vụ ở cùng thời điểm của kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2014.

... do giá cầu thủ lạm phát phi mã
Có nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến hiện tượng các CLB lớn đều thận trọng sau World Cup 2018. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là vấn đề lạm phát giá. Tính từ vụ chuyển nhượng Neymar từ Barca sang PSG với giá kỷ lục 222 triệu euro ở mùa Hè năm ngoái, giá chuyển nhượng liên tục nhảy múa một cách điên rồ. Đến một cầu thủ còn ở dạng tiềm năng như Ousmane Dembele cũng được Barca mua về từ Dortmund với giá lên đến 105 triệu euro, chưa kể chi phí phát sinh theo các điều khoản đi kèm. Hay như vừa mới đây, Liverpool đã phải trả cho Roma tới 62,5 triệu euro để có được thủ môn Alisson.

Đó cũng là nguyên nhân giải thích tại sao 4 trong số các nhà vô địch tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu chưa mua bất kỳ cầu thủ nào từng tham dự VCK World Cup 2018. Chỉ có duy nhất đội ĐKVĐ Serie A là Juventus kích hoạt “bom tấn” khi chi tới 105 triệu euro để mua về siêu sao Cristiano Ronaldo từ Real Madrid. 


Có vẻ như các đội bóng đều tránh hỏi mua cầu thủ đã có tên trong đội hình các ĐTQG đến nước Nga vì nỗi ám ảnh bị hét giá trên trời. Thật khó có thể tưởng tượng nổi Chelsea ra giá Eden Hazard tới 200 triệu euro, khiến Real Madrid dù rất muốn mua cũng phải chùn bước hay như trường hợp trung vệ Harry Maguire của Leicester đang được “tâng” giá lên gần 75 triệu euro.

Đáng chú ý, dù năm nay sức mua của các đội bóng ở châu Âu giảm hẳn so với cùng kỳ 4 năm về trước, nhưng tổng số tiền rót vào thị trường chuyển nhượng ở 2 kỳ chuyển nhượng lại không vênh nhau là mấy. Ví dụ như sau khi giải đấu trên đất Brazil 2014 khép lại, Premier League đã tiêu hết 1,041 tỷ euro, còn năm nay đang dừng ở con số 1,001 tỷ euro, dù cho mùa giải chưa khởi tranh. Cá biệt ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè này là việc các đội bóng ở Serie A đã đổ 896 triệu euro vào các hoạt động mua sắm tính đến thời điểm hiện tại, tăng đột biến so với con số 338 triệu euro cách đây 4 năm.

“Bom tấn” chưa nổ ở giải lớn


Tính đến hiện tại, 2 giải đấu lớn nhất châu Âu là Premier League và La Liga đều chưa cho nổ “bom tấn”. Hai bản hợp đồng đắt nhất Hè này thuộc về PSG ở Ligue 1 và Juventus tại Serie A. Trong đó, đội chủ sân Parc des Princes thực chất cũng chỉ khởi động điều khoản mua đứt Kylian Mbappe trong hợp đồng mượn tiền đạo trẻ này từ Monaco mùa trước.

    Bình Luận