Trước thềm mùa giải 2020, Bùi Tấn Trường và Bùi Tiến Dũng tưởng như đã mất tất cả. Người đầu tiên chia tay Bình Dương, về Đồng Tháp kinh doanh trò chơi điện tử ở tuổi 34. Người thứ hai chạm đáy thất vọng ở tuổi 23 và đối diện nguy cơ vứt đi thêm một mùa giải nữa, nhưng họ đều gượng dậy.
Tưởng đã hết thời mà trở lại bất ngờ
Tiến Dũng và Tấn Trường đều đã trải qua những ngày u ám trước khi về đội bóng mới.
Tấn Trường gắn liền với hàng loạt sai lầm trong sự nghiệp, nghi vấn được ưu ái ở Bình Dương và được nhớ tới nhất khi bị HLV Henrique Calisto bóp cổ. Dù sau này, Tấn Trường đã nói rõ ông Calisto bóp cổ anh không phải vì nghi ngờ bán độ, hình ảnh Tấn Trường trong mắt người hâm mộ vẫn mang sắc thái tiêu cực.
Sau giải đấu kỳ diệu cùng U23 Việt Nam hồi 2018, Tiến Dũng gặp vô số vấn đề. Anh sa sút phong độ, để lộ báo giá quảng cáo, có xu hướng lựa chọn nghiêng về thương mại hơn là chuyên môn. Mùa trước, Tiến Dũng ngồi ngoài gần như toàn bộ mùa giải ở CLB Hà Nội, hệ quả sau đấy là những sai lầm liên tiếp tại SEA Games và U23 châu Á.
10 ngày trước, tương lai của cả hai vẫn rất u ám. Tấn Trường về Đồng Tháp, dự tính nghỉ ít nhất nửa mùa và có vẻ tin cuộc chơi bóng đá của mình đã kết thúc. Tiến Dũng dự bị cho đàn anh Nguyễn Thanh Thắng và không có nhiều cơ hội ở CLB TP.HCM đầy tham vọng.
Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự trở lại của họ. Vậy mà điều đó vẫn diễn ra.
Ngày 28/5, HLV Chu Đình Nghiêm bất ngờ xác nhận CLB Hà Nội đang theo đuổi Tấn Trường. Một ngày sau, anh ra mắt CLB mới. Phút 90 trận TP.HCM thắng Đà Nẵng ngày 30/5, Tiến Dũng bất ngờ được tung vào sân. Anh đẩy 2 quả phạt đền, giúp đội thắng trận và cười rạng rỡ trên đường rời sân.
Họ đều đã trở lại khi nhận được ít sự tin tưởng nhất, niềm tin đặt vào họ xuống đến mức thấp nhất.
Dự bị mà lại hay
Đương nhiên, những sự trở lại bất ngờ ấy không đảm bảo cho Tiến Dũng hay Tấn Trường suất bắt chính ở hai CLB mạnh nhất Việt Nam lúc này. Với họ, ngồi dự bị có khi lại là điều hợp lý.
Tiến Dũng lên V.League từ năm 2017, bắt chính đúng 5 trận ở Thanh Hóa trước khi cơn bão Thường Châu thay đổi hoàn toàn cuộc đời thủ môn trẻ này. Từ năm 2018 tới nay, Dũng đã chơi cho 3 CLB khác nhau, luôn đối diện vô số thị phi. Anh không đủ thời gian gắn bó với một đội nào, không đủ tích lũy, không đủ khoảng nghỉ để tiến bộ. Anh quay cuồng trong những chỉ trích, cố gắng cân bằng cuộc sống của cầu thủ và ngôi sao. Ở tuổi đôi mươi, Tiến Dũng phải gồng lên, cố gắng khẳng định mình, cố tìm chỗ đứng tại cả đội tuyển U23 và CLB. Quá nhiều áp lực cho cầu thủ còn quá trẻ.
Một vị trí dự bị ở CLB TP.HCM vì thế có lẽ phù hợp hơn với Tiến Dũng. Anh sẽ có thời gian lùi lại, nhìn nhận bản thân và tiến bộ từng bước. Đó là “cơ hội thứ hai” mà Dũng chưa từng có trong sự nghiệp của mình.
Khác với năm ngoái, Dũng là dự bị được kỳ vọng, phương án chiến thuật thực sự. Với HLV Chung Hae-seong, Dũng là thủ môn số 2 nhưng có nhiều điểm mạnh riêng cả so với người số một. Việc ông Chung dám thay Tiến Dũng vào sân trận gặp Đà Nẵng cho thấy ông tin tưởng vào các kỹ năng của Dũng. Màn trình diễn sau đó ít phút của Dũng không phụ niềm tin nơi HLV Chung. Niềm tin ấy có lẽ là điều Dũng không nhận được tại đội Hà Nội.
Tuy nhiên, chính bởi Dũng đã rời Hà Nội, cơ hội mới xuất hiện với Tấn Trường. Quyết định chia tay của Dũng, chấn thương của Phí Minh Long, sự non nớt nơi các thủ môn trẻ khiến đương kim vô địch V.League chỉ còn một cái tên đáng tin cậy là Nguyễn Văn Công trong khung gỗ. Từng ấy là quá ít cho mùa giải kéo dài. Họ buộc phải bổ sung một phương án dự bị chiến lược, và đó là Tấn Trường.
Ở tuổi 34, kinh nghiệm dày dạn, trình độ đã được kiểm chứng, Tấn Trường trở thành phương án hai lý tưởng cho đội bóng thủ đô. Anh không còn sung sức và phong độ như ngày còn trẻ, nhưng khả năng vẫn có thừa. Bổ sung Tấn Trường, CLB Hà Nội có lẽ đang sở phương án dự bị trong khung gỗ tốt nhất V.League.
Một lần nữa, số phận đã mỉm cười với cả Tiến Dũng và Tấn Trường.
Bình Luận