Ghi chép: Công Phượng ghi bàn giữa… đại dịch

Công Phượng ghi bàn với một cú sút xa đẹp mắt. Anh chạy về phía các phóng viên ảnh ngồi gần đó và ăn mừng. Ở một góc khán đài A, 40 CĐV CLB TP.HCM nổi trống, ồ lên nhưng khoảng chục giây sau mọi thứ rơi vào lặng thinh…
Ghi chép: Công Phượng ghi bàn giữa… đại dịch

Tôi đã nghĩ trong đầu, nếu trận siêu cúp giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC mà không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có lẽ chiều nay những khán đài sân Thống Nhất đã lèn kín khán giả. Cũng dễ hiểu, cuộc so giày giữa các nhà ĐKVĐ và Á quân V.League với những ngôi sao giữa đôi bờ chiến tuyến, chẳng khác gì một trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt Nam.

Trong bối cảnh, giải đấu quốc nội vắng bóng những trận cầu đỉnh cao, hẳn nhiều người sẽ dành ngày nghỉ cuối tuần đến sân và thưởng lãm. Và tôi cũng đã mường tượng, khi Công Phượng sút tung lưới thủ môn Văn Công, khán giả trên sân sẽ gọi tên anh, những làn “sóng người” cũng xuất hiện với sự hứng khởi của một trận bóng đá.

Nhân viên an ninh đeo khẩu trang trong suốt cả trận

Bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào, việc phải thi đấu trên sân không có (hoặc ít) khán giả sẽ “cướp” đi ít nhiều sự cảm hứng từ những đôi chân. Chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Với những những nhà làm giải lại càng không, bởi bóng đá mà thiếu khán giả thì chẳng khác gì “cá thiếu nước”. Và bởi, không khán giả, các nhà làm giải mất đi những nguồn lợi tài chính đáng kể. Đấy là chưa nói đến những hệ luỵ khác…

Để tổ chức một trận đấu bóng đá giữa mùa đại dịch, BTC thực sự đau đầu để đưa ra những tính toán. Nhưng những con tính ấy có là gì đi nữa thì điều tiên quyết, quan trọng nhất chính là sự đảm bảo an sức khoẻ, cho các cầu thủ, cho khán giả, cho những người có mặt, tham gia trận đấu và cả cộng đồng. Cần phải ngợi khen cho cho công tác tổ chức trận Siêu cúp QG giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC vì mọi thứ đã khép lại với sự an toàn và những nụ cười cho tất cả.

Sự an toàn ấy bắt đầu từ khâu kiểm soát an ninh cho đến khâu kiểm tra y tế cơ bản. Một hàng rào an ninh được thiết lập từ ngoài bãi đậu xe hay từ các nhân viên làm nhiệm vụ tại sân. Ở những cánh cổng ra vào, nhân viên y tế được tăng cường cùng với đó là những chiếc máy đo thân nhiệt dành cho tất cả những người vào sân. Dĩ nhiên, chuyện hạn chế các CĐV mà cụ thể, chiều nay, mỗi đội bóng chỉ có khoảng 40 người vào sân là điều kiện cơ bản để tránh những “nguy cơ” giữa mùa đại dịch.

CĐV của hai đội bị hạn chế trong trận siêu cúp

Như đã nói, một chút tiếc nuối khi trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt Nam được tổ chức giữa mùa đại dịch. Đấy là việc chẳng đặng đừng với với các nhà làm giải. Nói thẳng ra, họ không thể lùi lại, cũng không thể chờ vì các giải đấu khác có thể sẽ “dồn toa”, tạo ra sự ảnh hưởng lớn về nhiều mặt. Thế nên, có thể xem trận Siêu cúp QG chiều nay giống như buổi “tổng diễn tập” của các nhà tổ chức. Ở đó, việc điều hành, sự phối hợp ăn ý mới có thể đưa trận đấu đến vạch đích an toàn.

Không ngoại trừ trái bóng V.League hay các giải đấu khác sẽ lăn giữa mùa đại dịch. LĐBĐ Việt Nam (VFF), công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hay các đơn vị liên quan đã lên những kịch bản khác nhau cho những trường hợp xấu nhất có thể đến vì Covid-19. Một buổi tổng duyệt rút ra rất nhiều bài học và cả sự chuẩn bị một cách tốt nhất để hướng tới những chặng đường dài phía trước.

Chiều nay, Hà Nội FC lên ngôi. Và người ta sẽ còn nhớ đến chức vô địch của họ vì đấy là chiếc giúp được mang về giữa mùa đại dịch. Còn BTC đã gửi đi một thông điệp: Mọi thứ đã sẵn sàng.

XEM THÊM

CLB TP.HCM chiêu mộ cựu tiền đạo của giải MLS

TP.HCM vs Hà Nội FC: Còn hơn một trận chung kết

Phi Sơn muốn trở lại đội tuyển Việt Nam

    Bình Luận