Bất ngờ luôn là một phần trong bóng đá. Nhưng các “ngựa ô” của mùa giải chỉ nên… dừng đúng lúc, không nên đi đến trận chung kết để rồi phá hỏng trận đấu được chờ đợi nhất. Thực tế trong 5 mùa giải gần đây ở cúp Quốc gia, tình cảnh “không đáng được trông đợi” ấy diễn ra khá nhiều khi có ít nhất 1 đội không được đánh giá cao, thiếu sức hút với khán giả cả nước lại đi đến trận chung kết.
Như năm ngoái, Quảng Nam lận đận ở V.League lại đi đến chung kết, nên không tạo thành đối trọng tương xứng với Hà Nội FC. Các cặp chung kết cúp QG ở các mùa giải 2018 (B.BD gặp Thanh Hóa), 2017 (SLNA gặp B.BD)… cũng xảy ra tình cảnh tương tự nên có sự vênh khá lớn về chuyên môn, khiến cho người xem không thấy “đã” bởi chất lượng đội hình của 2 đội không cao, không quá xuất sắc.
Nhưng ở mùa giải này, trận chung kết lại đem đến cảm giác háo hức chờ đợi. Sức mạnh của Hà Nội thì đã rõ khi họ đang là thế lực đang thách đối mọi đối thủ có thể lật đổ sự thống trị. Đội bóng Thủ đô hiện diện ở trận cuối cùng với tư cách là nhà ĐKVĐ nên càng được trọng vọng hơn.
Trong số 13 đối thủ ở V.League, Viettel, chứ không phải CLB TP.HCM, là đội bóng được kỳ vọng sẽ tạo nên đối trọng ngang ngửa với Hà Nội. Bởi dù mới năm thứ hai góp mặt ở V.League nhưng Viettel thực sự tập hợp được rất nhiều cầu thủ giỏi, có chất lượng chuyên môn hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh Hà Nội, Viettel được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho 2 sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam trước giờ mùa giải 2020 khởi tranh.
Hai đội bóng mạnh nhất, giàu tham vọng nhất giáp mặt với nhau hứa hẹn sẽ tạo nên trận cầu quyết chiến. Nhưng chất lượng chuyên môn của cuộc đọ sức để xác định chủ nhân của đỉnh cao vinh quang không chỉ đến từ sự hô hào, tham vọng và tinh thần quyết đấu. Ở đó, chất lượng đội hình là yếu tố khác còn quan trọng hơn để hy vọng vào một bữa tiệc bóng đá thực sự và người xem không cần phải bàn cãi về năng lực ngang ngửa của 2 đội bóng trên địa bàn Thủ đô.
Nhìn đâu trong đội hình của Hà Nội và Viettel cũng đều thấy “sao sáng” của các Đội tuyển Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên đã quá đỗi quen thuộc với khán giả Việt Nam như Quang Hải, Thành Chung, Văn Quyết… (Hà Nội) hay Hoàng Đức, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đức Chiến… (Viettel).
Đó là chưa kể nhiều gương mặt đang nhường chỗ cho lớp đàn em trong màu áo của ĐT Việt Nam như Nguyên Mạnh, Tấn Trường, Tấn Tài, Thành Lương… cũng đang chơi rất xuất sắc. Nếu phong độ của các cầu thủ ổn và được HLV trưởng 2 đội tin dùng, Hà Nội và Viettel hoàn toàn có thể bố trí đủ 2 đội hình chính thức gồm những cầu thủ đã và đang khoác áo các ĐTQG (U22 QG và ĐTVN) trong thời gian qua.
Rõ ràng, những thông tin ấy về Hà Nội và Viettel chính là lực hấp dẫn để cuốn hút người xem đến với trận chung kết cúp Quốc gia 2020. Đây cũng chính là một trong những lý do để LĐBĐ Việt Nam gửi văn bản đến UBND Hà Nội cho phép khán giả vào theo dõi cuộc thư hùng này. Bởi không để khán giả đến sân theo dõi trực tiếp cuộc đại chiến của dàn sao 2 đội sẽ là sự uổng phí rất lớn.
XEM THÊM
Đội bóng Công an Nhân dân đặt mục tiêu thăng hạng
Chung kết Cúp QG 2020: Khán giả được vào sân… hạn chế
Đội tuyển Việt Nam ‘vững như bàn thạch’ trên bảng xếp hạng của FIFA
Bình Luận