Tại sao người ta lại nói về khái niệm “xây V.League”? Bởi lẽ, hành trình lên chuyên nghiệp không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió và đạt sự đồng thuận. Các đội bóng, ban tổ chức giải, cơ quan quản lý bóng đá luôn ở trong tình trạng vừa hợp tác vừa cạnh tranh hay chịu áp lực giữa quyền lợi riêng và trách nhiệm chung. Nói đâu xa, xung quanh chuyện V.League bị hủy có quá nhiều điều để nói. Ở đó, một bộ phận các đội bóng nói thẳng là tính toán quá nhiều nên quyết định chọn giải pháp dễ nhất là dừng cuộc chơi. Họ thừa biết V.League dừng là bước lùi của bóng đá chuyên nghiệp và quan trọng hơn, chúng ta hoàn toàn có thể đi đến đích nếu thực sự vì nhau, vì cái chung.
Cũng không thể trách các đội bóng quá tính toán cho quyền lợi về vị thế, tài chính. Trong cuộc chơi khắc nghiệt, người ta thường có xu thế lựa chọn giải pháp dễ và có lợi nhất. Chỉ có điều, V.League, bóng đá Việt Nam và đặc biệt là các đội bóng đang đối diện hệ lụy tiêu cực từ việc hủy giải. Chúng ta đang có một môi trường thiếu ổn định về quản trị và sự chuyên nghiệp. Điều đó khiến các đối tác cảm thấy thiếu tin tưởng và ủng hộ đối với bóng đá. Nói đâu xa, đến giờ, việc tìm kiếm nhà tài trợ cho các giải đấu, cho từng đội bóng trong mùa giải mới là không hề dễ. Tất nhiên, bóng đá Việt Nam vốn không sống bằng tài trợ, nhưng nếu mãi dựa vào túi tiền của ông bầu, doanh nghiệp hay ngân sách thì giấc mơ chuyên nghiệp sẽ còn rất xa vời.
Vậy nên, nói về “xây V.League” thì thật dễ. Nhưng giữa nói và hành động đôi khi lại là khoảng cách rất xa. Bóng đá Việt Nam cần những hành động thực tế thay vì những tuyên ngôn có cánh. Bóng đá cần sự hy sinh, đóng góp thiết thực chứ không phải những tranh cãi mang màu sắc cá nhân nhằm kiếm tìm chiến thắng trên mặt trận truyền thông, nhưng lại mang đến thất bại về hình ảnh V.League. “Xây V.League” nghĩa là cùng nhau chắt chiu, gom góp những điều tốt đẹp nhất, những khát vọng lớn nhất và trách nhiệm cao nhất với giải đấu.
Bình Luận