Đứng ngoài cuộc ở “chợ Đông”
Trước V.League 2021, người ta chứng kiến 4 nhóm đội bóng với 4 thái độ mua sắm khác nhau trên thị trường chuyển nhượng. SHB Đà Nẵng và Bình Định nhanh chóng “chốt đơn” trước những thương vụ mà họ vốn dĩ đã ướm từ trước. Rafaelson, Huy Hùng, Gustavo, Ahn Byung Keon, Rimario, Tấn Tài, Đình Kha được hai CLB này chiêu mộ một cách gọn gàng. Tương tự, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mua nhanh mà bán cũng nhanh. Theo chiều đi, họ chia tay Bruno Henrique, Mansaray, Janclesio và theo chiều về, đội bóng này sớm lấy Phi Sơn, Quách Tân hay Claudecir.
Nhóm thứ hai là nhóm thích tạo “bom tấn”. Hà Nội FC, Viettel, HAGL, TP.HCM liên tục “nổ” những vụ đình đám từ vị trí HLV cho đến cầu thủ. Họ vốn dĩ đã có bộ khung tự cảm thấy là ổn định. Cũng vì thế chỉ cần 1-2 thương vụ khủng như Pedro Paulo, Geovane, Bruno Cunha, Lee Nguyễn, Brandao… là đủ để họ hoàn thiện lực lượng như mong mỏi. Thấp hơn một chút, Đông Á Thanh Hóa, B.Bình Dương cũng có sự chuẩn bị khá tươm tất với HLV Ljupko Petrovic và HLV Phan Thanh Hùng hay các tiền đạo ở trình độ khá tại V.League là Chevaughn Walsh và Omar.
Nhóm thứ ba có lẽ thuộc về riêng Sài Gòn FC. Hơn 20 cầu thủ ra đi, nhưng họ cũng nhanh chóng đón về 20 cầu thủ khác để khỏa lấp khoảng trống. Sẽ nhiều người lo lắng về năng lực của Sài Gòn FC. Nhưng tính đến hiện tại, đoàn quân của chủ tịch kiêm HLV trưởng Vũ Tiến Thành lại cho thấy sự ổn định đủ để xóa nhòa nỗi lo trước đó trong thời điểm khởi động hướng tới mùa bóng mới.
Nhóm thứ tư chính là nhóm hững hờ nhất trên thị trường chuyển nhượng. Ngay cả khi họ bổ sung tân binh đi chăng nữa thì những gương mặt ấy chưa thể khiến người hâm mộ cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Đó là Than.QN, Hải Phòng và DNH Nam Định. Đây cũng là 3 ứng viên khiến người ta cảm thấy dễ bị xuống hạng nhất, khi lực lượng thiếu chiều sâu, đội hình chưa đủ dày dạn để chinh chiến tại V.League năm nay.
Không thể không lo
Đã hai mùa giải trôi qua, DNH Nam Định luôn sống trong sự thoi thóp có thể rớt hạng bất cứ lúc nào. Kỳ chuyển nhượng trước mùa bóng mới càng khiến người hâm mộ thành Nam lo lắng hơn cho đội chủ sân Thiên Trường. Họ vừa chia tay Felipe Martin, tiền đạo vốn dĩ được lựa chọn thay Rafaelson do không đảm bảo được yêu cầu. Họ cũng nói lời tạm biệt những trụ cột quan trọng khác như Thiago, Đỗ Merlo hay Lê Sỹ Minh. Niềm hy vọng vào những gương mặt trẻ như Minh Tuấn, Thanh Trường, Xuân Quyết hay chân sút nội mới đến Võ Lý là không đủ. Nhất là khi đối chiếu với những đối thủ cạnh tranh vé trụ hạng trực tiếp như SLNA, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay B.Bình Dương thì DNH Nam Định cho thấy “kho đạn” của họ lép vế hơn hẳn.
Không chỉ DNH Nam Định mất trụ cột. Vấn đề ở Than.QN cũng đang khiến người hâm mộ đất Mỏ phải quay lưng với CLB này. Hàng loạt cái tên vốn là biểu tượng của Than.QN như Xuân Hùng, Nhật Minh, Tuấn Linh, Văn Việt ra đi. Cay nghiệt hơn, HLV Phan Thanh Hùng sau những lần nhún nhường cũng quyết định dứt áo rời đội bóng.
Than.QN cũng không cho thấy tham vọng giữ vững vị trí trong nhóm đầu như mùa trước. Họ chỉ cất nhắc một trợ lý có thâm niên là ông Hoàng Thọ lên làm HLV trưởng. Những niềm hy vọng cuối như Hồng Quân, Hai Long, Xuân Tú sẽ chỉ được kết hợp với những cầu thủ trẻ thuộc đội U21 được đôn lên thi đấu. Người ta vẫn đang trông chờ một thương vụ thực thụ đến với Than.QN. Nhưng xem chừng, đội chủ sân Cẩm Phả cũng chẳng đủ “đạn” để mạnh dạn có bản hợp đồng nặng ký trước khi V.League 2021 khởi tranh.
Không như DNH Nam Định hay Than.QN, Hải Phòng về cơ bản vẫn giữ được những ngoại binh chất lượng như Diego Fagan, Jermie Lynch. Bộ khung đội hình của Hải Phòng cũng không có xáo trộn đáng kể. Nhưng vấn đề của Hải Phòng nằm ở chính tinh thần và sự quyết tâm của các cầu thủ. Fagan từng tuyên bố muốn ra đi, nhưng bất thành. Lynch cũng tưởng chừng sẽ đến Hà Nội FC mà không thành công. Việc trợ lý Lê Quốc Vượng chia tay Hải Phòng cũng khiến người hâm mộ lo ngại về tinh thần, nhuệ khí chiến đấu của các cầu thủ đất Cảng. Và nếu vẫn cứ chơi vật vờ như cái cách mà Hải Phòng đã thi đấu ở mùa trước thì e rằng, nguy cơ rớt hạng vẫn sẽ tiếp tục lơ lửng trên đầu đội chủ sân Lạch Tray.
Play-off thăng hạng có dễ?
Trong cuộc đua chống xuống hạng, đại diện V.League có cơ hội chơi tiếp ở sân chơi này mùa giải năm sau nếu đá play-off với đội hạng Nhất. Về lý thuyết, lợi thế nghiêng về các CLB ở hạng trên khi trình độ được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không dễ chút nào. Bởi áp lực ở trận đấu này cho đại diện V.League là rất cao, trong lúc đội ở hạng Nhất thoải mái hơn khi không bị sức ép thành tích.
Dù vậy, chiến thắng trong trận play-off ở những mùa giải gần đây đều thuộc về đội ở V.League. Gần nhất là Thanh Hóa khi đội bóng xứ Thanh đánh bại Phố Hiến với tỷ số 1-0 trong trận play-off mùa giải 2019. Nhưng như đã đề cập, đứng thứ 13 cũng vẫn còn cơ hội để tiếp tục chơi ở V.League qua suất vé vớt.
Trở lại 1,5 suất xuống hạng cùng điều chỉnh mới
Ở V.League 2021, sau khi giai đoạn 1 với 13 vòng đấu khép lại, giai đoạn 2 vẫn sẽ tiến hành tách thành 2 nhóm như năm ngoái. Tuy nhiên, khác với mùa giải 2020, 8 đội (thay vì 6 đội) sẽ thi đấu trụ hạng và 6 đội phía trên tranh chức vô địch. Bên cạnh việc tăng số đội ở nhóm dưới, VPF cũng tăng trở lại từ 1 lên 1,5 suất xuống hạng, bao gồm đội cuối bảng rớt hạng trực tiếp và đội áp chót phải tranh vé vớt với đội á quân giải hạng Nhất 2021.
Bình Luận