Chuyện bản quyền hình ảnh ĐTQG bị vi phạm: Cần có sự tôn trọng

Quế Ngọc Hải không phải là trường hợp đầu tiên xuất hiện trong clip quảng cáo vi phạm bản quyền hình ảnh của ĐT Việt Nam. Và một lần nữa, VFF phải “tuýt còi” để bảo vệ quyền quản lý và sở hữu thương mại đối với hình ảnh ĐTQG.
 Chuyện bản quyền hình ảnh ĐTQG bị vi phạm: Cần có sự tôn trọng

Sử dụng hình ảnh ĐT Việt Nam không xin phép

Ngày 29/8, trung vệ Quế Ngọc Hải có đăng lên trang cá nhân một đoạn clip quảng cáo liên quan đến trò chơi điện tử bóng đá. Clip có mô phỏng một số hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến đội tuyển Việt Nam như trang phục áo đỏ, cờ (nhưng cờ Việt Nam bị quay ngược lại) và cùng với đó là các cảnh quay đội tuyển Việt Nam thi đấu trận chung kết với Malaysia ở AFF Suzuki Cup 2018 (nhận cúp vô địch, các cầu thủ công kênh ông Park Hang Seo sau trận đấu); tình huống Quế Ngọc Hải chuyền cho Quang Hải ghi bàn trong chiến thắng cũng trước Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 hay một vài giây khi ĐT Việt Nam thi đấu ở Asian Cup. 

Trao đổi với Tạp chí Bóng đá, đại diện của VFF phân tích: “Ở vòng loại World Cup, FIFA và AFC trao quyền quản lý và sở hữu thương mại về hình ảnh trận đấu của ĐTQG Việt Nam cho VFF. Nhưng clip quảng cáo này đã sử dụng hình ảnh đó (tình huống Ngọc Hải chuyền cho Quang Hải ghi bàn vào lưới Malaysia - PV) mà không hề có bất cứ đề xuất hay xin phép nào lên VFF cả”. 

Ngoài ra, clip này cũng đã khai thác hình ảnh của ĐTQG Việt Nam vốn thuộc quyền quản lý và sở hữu thương mại của LĐBĐ Đông Nam Á ở các hình ảnh thuộc trận chung kết AFF Suzuki Cup 2018 cũng như LĐBĐ châu Á với một phân cảnh nhỏ tại Asian Cup. Nhiều khả năng, công ty game kia cũng đã không xin phép những tổ chức này trong việc sử dụng các hình ảnh kể trên trong clip. 

5 năm trước, VFF cũng từng “tuýt còi” clip quảng cáo bia có sự xuất hiện của Công Phượng. Trong clip có sử dụng hình ảnh Công Phượng ghi bàn vào lưới U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á 2014. VFF sau đó phải gửi văn bản nhắc nhở chân sút sinh năm 1995 và đơn vị mời anh quảng cáo về việc không được sử dụng hình ảnh của đội tuyển quốc gia để quảng cáo, khi chưa được VFF đồng ý.

Là thủ quân ĐTQG, Quế Ngọc Hải cần giữ gìn hình ảnh của mình và của ĐTQG  	 Ảnh: Minh Tuấn

Không cho phép sự lách luật trắng trợn 

Bên cạnh việc sử dụng một số hình ảnh của ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup mà không được sự cho phép của VFF, clip quảng cáo có Quế Ngọc Hải đóng vai chính còn dựng một số phân cảnh và dùng trang phục có phần giống áo đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, clip còn xuất hiện một số lời thoại có cụm từ: Đội tuyển quốc gia Việt Nam. 

“Vấn đề về mặt trang phục là điều cần nói đến. Họ đã dùng hình ảnh mà người ta liên tưởng đến đội tuyển Việt Nam, mặc dù không phải trang phục chính thức của đội tuyển Việt Nam hiện nay”, đại diện VFF phân tích. “Điều đó khiến người ta liên tưởng suy nghĩ về hình ảnh đội tuyển”.

Thực tế, đây là một hành vi nhằm “lách luật” của đơn vị sản xuất clip này. Bởi thay vì ký hợp đồng với VFF trong việc sử dụng hình ảnh đội tuyển Việt Nam, họ lại sử dụng những hoạt cảnh mô phỏng cùng một áo đấu nhái rất phản cảm, với lá cờ Việt Nam bị xoay ngược lại. Điều đó khiến cho chính hình ảnh của Quế Ngọc Hải, cầu thủ góp mặt chính trong clip cũng bị liên đới, nhất là khi một bộ phận người hâm mộ tỏ ra gay gắt đối với anh.

Cần nói thêm, 2 năm trước, Nguyễn Quang Hải cũng rơi vào trường hợp tương tự như Ngọc Hải hiện tại. Cụ thể, một hãng bia khi thực hiện clip quảng cáo với sự xuất hiện của Quang Hải đã yêu cầu anh mặc chiếc áo màu đỏ với một ngôi sao vàng bên ngực trái, khiến người hâm mộ có cảm giác đây là áo đấu của đội tuyển Việt Nam.  

Tất nhiên cũng như thời điểm đó, VFF không cho phép hành vi lách luật này làm ảnh hưởng xấu đến tuyển thủ Việt Nam nói riêng cũng như đội tuyển Việt Nam nói chung. Trong thông báo trên website chính thức, VFF ghi rõ: “VFF đã yêu cầu chấm dứt sử dụng và tháo gỡ toàn bộ các nội dung liên quan tới hình ảnh ĐTQG Việt Nam ra khỏi clip tuyên truyền quảng bá của nhãn hàng trò chơi điện tử, cũng như yêu cầu không tạo dựng hình ảnh, lời thoại gây hiểu lầm đây là ĐTQG Việt Nam.

VFF cũng yêu cầu các doanh nghiệp, các cầu thủ, thành viên đội tuyển quốc gia tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu hình ảnh các đội tuyển bóng đá quốc gia, đã được quy định rõ tại Điều lệ VFF, tránh lặp lại các vi phạm tương tự như trường hợp vừa qua”. 

Sự gay gắt và nghiêm túc từ phía VFF cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp và các tuyển thủ Việt Nam. Bởi chỉ có sự hợp tác chuyên nghiệp dựa trên những nguyên tắc được quy định rõ ràng mới giúp cho quyền lợi của các bên được đảm bảo một cách đúng đắn.

Quế Ngọc Hải chủ động xóa clip quảng cáo
Vài tiếng sau khi VFF và báo chí vào cuộc xoay quanh clip quảng cáo vi phạm bản quyền hình ảnh của đội tuyển Việt Nam, trung vệ Quế Ngọc Hải đã xóa đi clip mà mình đã đăng tải cách đây vài ngày. Đây không chỉ là bài học với riêng Quế Ngọc Hải mà còn là với nhiều tuyển thủ Việt Nam có thể sẽ tham gia đóng quảng cáo sau này. Nó sẽ tạo ra những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của ĐTQG và của chính các tuyển thủ. 

Vợ chính là người đại diện của Công Phượng

Thời gian qua nhiều nhãn hàng đã tìm đến nhờ Công Phượng làm gương mặt quảng cáo cho sản phẩm của họ, nên tiền đạo này rất cần có người đại diện giúp sức. Trước đây, HAGL đại diện cho Công Phượng, nhưng sau đó đã có một số người thân đứng ra giúp anh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Viên Minh – bà xã của Công Phượng chính là người đại diện chính thức của anh trong việc đàm phán các hợp đồng thương mại. Như vậy Công Phượng hoàn toàn có thể yên tâm để tập trung cho chuyên môn.

XEM THÊM

VFF khẳng định một công ty game vi phạm bản quyền ĐT Việt Nam 

Từ chấn thương của Đình Trọng: Cầu thủ phải biết nói 'không' khi cần thiết

SỰ KIỆN NÓNG trong ngày 

    Bình Luận