Từ Công Phượng, Quang Hải đến Ngọc Hải

Như đã biết, Quế Ngọc Hải và đối tác của một công ty về game đã vi phạm bản quyền hình ảnh trận đấu và hình ảnh ĐTQG. Nhìn từ vụ việc này có thể thấy người tham gia lẫn đối tác cần có sự tỉnh táo, sự hợp lý về mọi mặt để không bị “tuýt còi”.
Từ Công Phượng, Quang Hải đến Ngọc Hải

Có một giả thiết đặt ra thế này, nếu công ty đối tác của Quế Ngọc Hải có văn bản xin phép hoặc có sự thỏa thuận bằng văn bản với LĐBĐ Việt Nam (VFF) và nhận được sự đồng ý thì câu chuyện đã không phải ầm ĩ. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, công ty đối tác của Quế Ngọc Hải chưa ý thức được việc họ đang khai thác bản quyền hình ảnh trận đấu và hình ảnh của ĐTQG mà nó đang thuộc quyền quản lý của VFF.

Trong trường hợp được VFF chấp thuận, hẳn nhiên đôi bên sẽ phải ngồi lại với nhau để thống nhất các điều khoản về mặt hình ảnh và tài chính. Có thể chuyện chia sẻ quyền lợi là nguyên nhân chính, khiến công ty đối tác của Quế Ngọc Hải vô tình hay cố ý “lách luật” và họ đã vi phạm quyền sở hữu của VFF. Thực tế, trước Quế Ngọc Hải đã có không ít trường hợp vi phạm quyền sở hữu của VFF và đại đa số đều có một kịch bản chung là các đối tác sử dụng hình ảnh của ĐTQG khi chưa có văn bản chấp thuận.

Còn nhớ năm 2015, Công Phượng từng đóng quảng cáo cho một hãng bia và gây tranh cãi khi có hình ảnh của U19 Việt Nam. Trong clip quảng cáo có sử dụng Công Phượng ghi bàn vào lưới U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á diễn ra trên sân Mỹ Đình. Hình ảnh ăn mừng của tiền đạo đang khoác áo CLB TP.HCM cũng “dính” đến trang phục của U19 Việt Nam.

Ngọc Hải cảm ơn NHM sau một trận đấu quốc tế 	Ảnh: Minh Tuấn

Năm 2018, đến lượt Quang Hải cũng quảng cáo cho một hãng bia. Theo đó, Quang Hải xuất hiện trong đoạn video tái hiện pha đá phạt thành bàn trong trận chung kết VCK U23 châu Á 2018 giữa mưa tuyết Thường Châu. Cần phải nhấn mạnh khi Công Phượng, Quang Hải hay Ngọc Hải tham gia, ký hợp đồng quảng cáo đều mang tính chất cá nhân và điều này không thuộc quyền quản lý của VFF. Tuy nhiên, khi sử dụng lại vi phạm bản quyền hình ảnh ĐTQG thuộc về VFF. 

Lấy ví dụ cụ thể hơn, Quang Hải không sử dụng hình ảnh thật của U23 Việt Nam, ngay cả áo mà tiền vệ này mặc khi đó cũng không phải áo đấu của đội tuyển. Nhưng tất cả những hình ảnh đó đều khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh của  U23 Việt Nam và Quang Hải xuất hiện đều gắn với thương hiệu của đội tuyển. Đã có những tranh cãi liên quan đến vấn đề thương quyền của ĐTQG. Trong trường hợp sử dụng hình ảnh bản quyền, người thường bị “tuýt còi” đầu tiên là cầu thủ. Họ được xem là người đóng vai trò quan trọng nhất khi tham gia vào gói các sản phẩm quảng cáo.

Trong trường hợp của Quế Ngọc Hải, khó có thể nói công ty đối tác đã nhận thức sai lầm về vấn đề bản quyền hình ảnh. Những thước phim về chiếc áo đội tuyển bị xóa logo ít nhiều đã chứng minh, họ cũng “hiểu chuyện” chứ không hề… vô tư.

Như đã đề cập ở trên, việc chia sẻ quyền lợi có thể là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chuyện vi phạm. Bản quyền hình ảnh của ĐTQG là “tài sản” của VFF, của bóng đá Việt Nam. Do vậy, cần phải hiểu đúng về quyền lợi, nghĩa vụ đối với người tham gia. VFF bảo vệ quyền lợi cho chính mình nhưng hẳn họ cũng không qúa khắt khe nếu đôi bên ngồi lại với nhau để bảo đảm lợi ích cũng như sự tôn trọng lẫn nhau.

XEM THÊM

VFF khẳng định một công ty game vi phạm bản quyền ĐT Việt Nam 

Từ chấn thương của Đình Trọng: Cầu thủ phải biết nói 'không' khi cần thiết

SỰ KIỆN NÓNG trong ngày 

    Bình Luận