Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Vui có, buồn có, hưng phấn có, hụt hẫng có. Tâm trạng của bạn như thế nào khi chứng kiến bàn thắng ở phút 94 của Sergio Aguero hay trận thắng tưng bừng 3-0 của Liverpool trước Man City?. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời, nó thổi bùng ngọn lửa đam mê ẩn chứa trong mỗi người. Tuy nhiên, bạn phải là fan hâm mộ của một đội bóng, thì mới cảm nhận hết niềm vui khi đội nhà chiến thắng và nỗi buồn khôn nguôi khi thất bại cay đắng.
Tại sao cổ động viên lại ủng hộ các câu lạc bộ ?
Để trả lời được câu hỏi này, trước hết bạn phải hiểu sự khác nhau giữa người hâm mộ châu Âu và châu Á. Ở châu Âu, hầu hết các câu lạc bộ đều có lịch sử lâu đời. Người hâm mộ luôn đồng hành cùng đội bóng từ khi mới thành lập. Họ xem câu lạc bộ địa phương mình thi đấu hàng tuần. Dù đội bóng có giành chức vô địch, được thăng hạng hay phải xuống hạng, fan hâm mộ luôn dõi theo. Mối liên kết giữa cổ động viên và câu lạc bộ là hết sức khăng khít.
Các câu lạc bộ châu Á không có lịch sử hình thành lâu đời như các "đồng nghiệp" ở châu Âu. Mặc khác, trình độ giải vô địch bóng đá ở các nước không cao, trong khi người hâm mộ có xu hướng thích cổ vũ các đội bóng giành nhiều thành tích. MU, Real Madrid, Barcelona là những câu lạc bộ lớn, giàu thành tích, tích cực quảng bá hình ảnh. Do đó, họ có rất nhiều fan hâm mộ ở châu Á. Những người hâm mộ nghĩ rằng, họ có thể bù đắp sự thiếu hiểu biết về đội bóng, tạo ra mối liên kết với các câu lạc bộ yêu thích bằng cách xem thật nhiều các trận đấu.
Cho đến khi nào thì bạn trở thành một fan hâm mộ bóng đá chính hiệu? Thật khó để hình dung. Chúng ta không thể miêu tả nó dễ dàng như cân, đong, đo điếm một vật có hình dạng, trọng lượng nhất định. Bàn về đề tài này, ta cùng nghe ý kiến của Giáo sư tâm lí học Daniel Wann ở Đại học Murray State.
Theo Wann, có một điều dễ nhận biết khi bạn đã là một fan bóng đá thật sự. Đó là cảm giác thuộc về. Một nhóm cổ động viên có màu da khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, quốc tịch khác nhau; tuy nhiên họ cùng chia sẻ niềm vui khi câu lạc bộ giành chiến thắng, cùng khóc khi đội nhà nhận thất bại. Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ. Cảm giác cùng thuộc về, cùng hướng đến một đội bóng, cùng dành tình yêu cho một câu lạc bộ. Họ có chung bản sắc, có chung cảm giác thuộc về một màu áo, một câu lạc bộ mà không có ở bất kì nơi đâu.
Cảm giác tiêu cực khi bạn là một fan bóng đá
Đã có ý kiến cho rằng, nếu đội bóng con cưng của bạn có số trận thất bại ít hơn hoặc bằng với số trận thắng, bạn vẫn nhớ về những lần bại trận hơn. Đó là khi, cảm xúc tiêu cực lấn át và xâm chiếm lấy tâm trí bạn. Manchester United năm nay là một ví dụ điển hình. Việc bị Sevilla loại khỏi đấu trường C1, khiến nhiều fan hâm mộ đội bóng này hụt hẫng. Mùa giải coi như chấm dứt với họ, mặc dù MU vẫn còn cơ hội tại Premier League, FA Cup.
Vì sao lại có cảm giác đó ? Vì một lẽ đơn giản, họ quá yêu đội bóng này, đặt nhiều kì vọng vào đội nhà, một đội hình có nhiều ngôi sao, dưới sự dẫn dắt của một trong những HLV xuất sắc nhất thế giới. Trận thua đó gần như làm cả mùa giải thất bại. Đó, chắc hẳn là suy nghĩ của nhiều người hâm mộ Quỷ Đỏ.
Bạn có nên trở thành một fan hâm mộ bóng đá ?
Câu trả lời là có. Bóng đá là môn thể thao mang đến nhiều cảm xúc cho nhân loại. Nó kết nối mọi người lại với nhau. Dù bạn có thể nhận lấy nhiều cảm giác tiêu cực khi đội nhà thất bại, bạn vẫn nhanh chóng quay lại ủng hộ đội bóng của mình. Cảm giác có chung bản sắc, có chung tình yêu khiến người ta đồng cảm và xích lại gần nhau hơn. Đó là một tình yêu thể thao chân chính và đáng quý.
Bình Luận