Chỉ có hóa đơn tiền lương hàng năm của Man City (423 triệu bảng) là cao hơn Chelsea. Mùa giải trước, Man City đã vô địch Premier League, Champions League và FA Cup. Đội nam Chelsea đứng thứ 12 trên BXH, dù đội nữ đã vô địch Women's Super League và FA Cup nữ.
Số liệu cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2022 - 30/6/2023, họ đã chi tổng cộng 745,2 triệu bảng cho các tân binh. 454,1 triệu bảng nữa đã được chi cho cầu thủ kể từ ngày 30/6/2023. CLB đã thu được 203 triệu bảng từ việc bán cầu thủ và kiếm được lợi nhuận ròng 62,9 triệu bảng từ hoạt động giao dịch cầu thủ nói chung, nhờ vào việc bán Timo Werner, Kalidou Koulibaly, Jorginho, Kai Havertz.
Kể từ khi Todd Boehly mua lại CLB vào tháng 5/2022, Chelsea đã chi tổng cộng 1,2 tỷ bảng cho các tân binh. Điều này đã dẫn đến việc khấu hao tăng vọt lên 205 triệu bảng, tăng từ 162,5 triệu bảng vào năm 2022 .
Do khoản chi 454,1 triệu bảng được chi cho các cầu thủ sau ngày 30/6/2023, chẳng hạn như Moises Caicedo, Cole Palmer và Axel Disasi - con số khấu hao của Chelsea trong giai đoạn 2023-2024 có thể sẽ tăng thêm. Con số 205 triệu bảng này đã là mức cao nhất ở Premier League, với MU đứng thứ hai (152 triệu bảng), Man City thứ ba (145,4 triệu bảng).
Tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với các tính toán PSR của Chelsea? Chelsea cần phải bắt đầu bán cầu thủ ngay và luôn, nhưng rất khó. Nhìn vào bảng lương 400 triệu bảng, ta thấy đây đều là những cầu thủ lương cao và có rất ít CLB sẵn sàng mua cỗ máy ngốn lương đó.
Tuy nhiên, Chelsea vẫn giỏi bán cầu thủ, ví dụ vụ bán Mason Mount cho MU lấy 60 triệu bảng. Nhưng áp lực là rất lớn, từ nay đến 30/6. Thêm vào đó, báo cáo cho thấy 3 năm qua, Chelsea không kiếm được gì ở châu Âu vì không được tham dự các giải đấu.
Chelsea vẫn tự tin rằng họ sẽ vẫn tuân thủ PSR của Premier League trong giai đoạn kết thúc vào mùa giải 2023/24. Họ hy vọng bảng lương sẽ khác trong tài khoản 2023-24 sau khi tính các cầu thủ bị bán ở mùa hè trước. Nhưng tương lai của họ không sáng sủa lắm.
Chuyên gia tài chính Kieran Maguire phân tích: “Vấn đề chính là những tài khoản này tệ hơn mong đợi. Chelsea không thể tăng doanh thu trận đấu mùa này vì sân đã kín chỗ. Thu nhập từ truyền hình sẽ giảm khoảng 70 triệu bảng vì không thi đấu ở châu Âu. Không có suất dự châu Âu cũng là mất một món.
Chắc hẳn có rất nhiều áp lực đối với CLB. Thực tế là họ đã lỗ 90 triệu bảng sau khi bán khách sạn. Theo quy định của EFL, bạn không được phép đưa số tiền bán khách sạn vào tính toán PSR của mình. Nếu họ không thể làm được điều đó ở Premier League thì tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn”.
Các tài khoản cho thấy Chelsea đã vay 428,5 triệu bảng không lãi suất, mặc dù không có thông tin nào được đưa ra về việc ai đã cho vay tiền. Chelsea cũng bán một khách sạn cho BlueCo 22 Limited - một công ty sân sau của Boehly và các thành viên hội đồng quản trị Chelsea khác làm giám đốc - với giá 76,3 triệu bảng, số tiền này sẽ giúp giảm khoản lỗ 90,1 triệu bảng.
Không rõ liệu Premier League có cho phép số tiền thu được từ việc bán khách sạn cho một công ty khác liên kết với câu lạc bộ được sử dụng cho các con số PSR hay không. Chelsea cho biết việc này được thực hiện phù hợp với các quy định của Premier League.
Các tài khoản cũng cho thấy CLB coi Blues Investment Holdings là công ty mẹ cuối cùng của mình. Blues Investment Holdings được thành lập tại Quần đảo Cayman, một lãnh thổ thuộc sở hữu của Anh, nổi tiếng với vị thế là thiên đường trốn thuế. Công ty mẹ của MU cũng được đăng ký ở đó.
Tổng doanh thu của Chelsea đã tăng từ 481,3 triệu bảng vào năm 2022 lên 512,5 triệu bảng vào năm 2023, với phần lớn mức tăng này đến từ bộ phận thương mại của họ. Thu nhập thương mại của họ tăng lên 210,1 triệu bảng cho năm kết thúc vào ngày 30/6/2023, đạt tổng cộng 177,1 triệu bảng vào năm trước.
Những số liệu này được đưa ra sau khi rộ tin Chelsea đã chi 75,1 triệu bảng cho phí đại diện trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2023 đến ngày 2/2/2024. Con số này nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác ở Premier League, trong đó Man City chi 60 triệu bảng trong cùng thời gian đó.
Bình Luận