Giới mộ điệu có lẽ khó có thể quên cảnh Diego Maradona bị trục xuất khỏi kỳ World Cup 1994 ngay trước trận đấu với Bulgaria vì dương tính với chất cấm. Song mùa hè năm ấy không chỉ chứng kiến một mình "Cậu bé vàng" phải rời giải giữa chừng.
Stefan Effenberg, người sau này là thủ lĩnh của Bayern Munich, cũng bị đuổi khỏi kỳ World Cup trên đất Mỹ. Huyền thoại với biệt danh "Der Tiger" (Thủ lĩnh hổ) không dùng cocaine như Maradona, nhưng hành động của Effenberg cũng là vết nhơ không thể phai mờ.
Ngón tay thối
Lịch sử chứng kiến 3 lần khu vực Trung Mỹ đứng ra đăng cai tổ chức World Cup vào các năm 1970, 1986 (Mexico) và Mỹ (1994). Lần nào những đội tuyển châu Âu cũng gặp vô vàn khó khăn bởi nhiệt độ kinh khủng tại đây.
Khí hậu ôn đới mát mẻ quen thuộc tại châu Âu khiến nhiều ngôi sao lục địa già sốc nhiệt trước không khí nóng rát người của tân lục địa. Ngày 27/6/1994, các nhà ĐKVĐ World Cup Đức gặp Hàn Quốc ở lượt đấu cuối cùng tại vòng bảng trên sân Cotton Bowl (Dallas) với nhiệt độ được ghi lại là 35 độ C.
Dẫu vậy, nhiệt độ thực tế trên sân cộng hưởng với cường độ di chuyển căng thẳng khiến nhiều cái đầu bốc hỏa. Dù Juergen Klinsmann và Karl Heind Riedl nhanh chóng ghi 3 bàn đưa Đức dẫn trước chỉ sau 27 phút, mọi chuyện nhanh chóng trở nên tồi tệ với các nhà ĐKVĐ.
Trong 11 phút giữa hiệp 2, Hàn Quốc ghi 2 bàn để rút ngắn tỷ số xuống 2-3. Trong suốt lịch sử, Hàn Quốc chưa từng giành nổi 1 điểm tại sân chơi World Cup, trong khi Đức là ông lớn bậc nhất khi đang là ĐKVĐ đồng thời lọt vào chung kết 3 lần liên tiếp.
Kịch bản bị bám đuổi khiến những ngôi sao của ĐT Đức bị khán giả la ó dữ dội. Phút 75, HLV Berti Vogts quyết định rút Stefan Effenberg rời sân. Đó không phải một ngày thi đấu tốt của tiền vệ đang khoác áo Fiorentina.
Trên đường bước ra khu huấn luyện, giữa hàng trăm tiếng hét "Cút đi Effenberg" từ CĐV nhà, Effenberg đã giơ ngón tay thối kèm một nụ cười.
Ngay lập tức, Effenberg bị đuổi khỏi ĐT Đức. "Sự nghiệp ở ĐT Đức của Effenberg đã kết thúc", HLV Berti Vogts nhấn mạnh trong phòng họp báo.
"Thật xấu hổ khi hàng chục nghìn CĐV bỏ tiền của ra đến đây, và những khán giả Mỹ lẫn đầu theo dõi ĐT Đức phải nhìn thấy cảnh tượng đó. Tôi sẽ không bao giờ cho phép các cầu thủ được làm như vậy trước mặt các CĐV".
Effenberg gọi quyết định đuổi mình khi ấy là "ngớ ngẩn". "Nhiệt độ trên sân khi ấy là 50 độ C. Chúng tôi thì đang đá chết bỏ để ĐT Đức vào vòng 2, còn CĐV thì cứ hét 'Cút đi Effenberg'. Đúng là tôi đã cư xử quá đà, nhưng tôi không hối tiếc khi ấy", anh khẳng định.
Hệ lụy
Sự nghiệp của Effenberg tại ĐT Đức gần như bị phá hủy hoàn toàn sau biến cố trên đất Mỹ. Anh bị loại khỏi ĐT Đức trong 4 năm trời. Anh vắng mặt tại EURO 1996 và World Cup 1998.
Chỉ đến khi Vogts sắp bị sa thải, nhà cầm quân này mới triệu tập Effenberg trở lại vào tháng 9/1998 để đá giao hữu với Malta và Romania. Sau 2 trận đấu vô thưởng vô phạt này, Effenberg chính thức kết thúc sự nghiệp tại ĐT Đức, ở độ tuổi 30.
Trở lại với mùa hè nước Mỹ, sau khi Effenberg bị đuổi, ĐT Đức vẫn kết thúc vòng bảng với vị trí số một. Trong cuộc phỏng vấn với Der Spiegel sau này, Klinsmann nhớ lại người Đức đã tới World Cup 1994 với sự tự tin đến mức ngạo mạn: "Chúng tôi hay hơn hẳn Brazil. Vô địch World Cup vào năm 1994 dễ hơn gấp 10 lần so với cách đó 4 năm".
Đức thắng tiếp Bỉ 3-2 ở vòng 1/8 trước khi đối đầu với Bulgaria ở tứ kết. Không ai nghĩ Đức thua, nhưng cơn địa chấn đã thực sự diễn ra. 2 bàn chỉ trong 3 phút của Hristo Stoichkov và Yordan Letchkov đã khiến Đức bị đánh bật khỏi World Cup 1994.
Hàng triệu CĐV Bulgaria đổ ra đường ăn mừng tại Sofia. Trong khi báo chí châu Âu sốc nặng trước cú trượt ngã của nhà ĐKVĐ. "Vụ mưu sát người khổng lồ tại sân Giants Stadium", tờ Independent của Anh chơi chữ với ít nhiều hả hê (Giants trong tiếng Anh là người khổng lồ).
Andreas Brehme của ĐT Đức sau này tiết lộ với FIFA: "Có rất nhiều mâu thuẫn trong đội ngày đó. Mọi thứ không thể nào được như World Cup 1990". HLV Vogts từ chối từ chức sau thất bại này. Ông ở lại và đưa Đức vô địch EURO 1996 trước khi có thêm 1 kỳ World Cup thất bại nữa vào năm 1998 (bị Croatia đánh bại 3-0 ở tứ kết).
Effenberg đứng ngoài cuộc trong mọi biến cố này. Anh trở về Đức thi đấu cho M'Gladbach sau khi rời Fiorentina cũng trong năm 1994. Năm 1998, ở tuổi 30, Effenberg trở lại Bayern Munich và khẳng định vị thế của một trong những tiền vệ hay nhất châu Âu.
Dẫu vậy số phận vẫn thử thách Effenberg. Anh cùng Bayern thua trận chung kết đáng nhớ bậc nhất lịch sử trước MU vào năm 1999. Phải đến năm 2001, ở tuổi 33, Effenberg mới được tận hưởng hương vị vô địch châu Âu khi cùng Bayern đánh bại Valencia.
Hình ảnh Effenberg bật khóc khi Oliver Kahn đẩy thành công quả luân lưu quyết định trở thành bất tử với những CĐV theo dõi trận chung kết năm đó. Năm 2005, Effenberg giải nghệ. Sự nghiệp của anh có đầy đủ vinh quang lẫn những thăng trầm trong màu áo Bayern, Fiorentina hay M'Gladbach...
Đến giờ vẫn có không ít CĐV bóng đá Đức tiếc nuối: Effenberg đã có thể trở thành tượng đài lớn hơn nữa của bóng đá thế giới nếu không có cú giơ ngón tay thối năm nào.
Bình Luận