Kẽ hở từ hợp đồng cầu thủ tại V.League

Ngoài Thanh Hóa, một số đội bóng khác ở V.League cũng từng phải trả đền bù tiền cho các cầu thủ ngoại. Lý do khiến các CLB phải chịu thiệt nặng là do các điều khoản về quy định trong hợp đồng sơ sài, dẫn đến những kẽ hở.
Kẽ hở từ hợp đồng cầu thủ tại V.League

Tháng 7/2019, Phòng Pháp lý và tư cách cầu thủ FIFA gửi thông báo đến CLB Hải Phòng yêu cầu đội bóng đất Cảng phải đền bù cho tiền đạo Errol Stevens số tiền 200.000 USD. Cụ thể, chân sút người Jamaica này kiện lên FIFA, đòi Hải Phòng bồi thường số tiền tính đến hết thời hạn hợp đồng còn lại của mình cũng như trả những khoản mà đội bóng đất Cảng còn nợ. Trước đó, 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn. Hải Phòng cho rằng, Stevens vi phạm kỷ luật  ăn ở tập trung khi ra ngoài ở với vợ con, nên tiến hành kỷ luật tiền đạo này. Sau khi thắng kiện, không chỉ nhận số tiền lớn từ Hải Phòng, Stevens ngay sau đó còn quay trở lại chơi bóng ở V.League trong màu áo của chính… Hải Phòng. 

Dù đã giải thể nhưng cuối năm 2021, Than Quảng Ninh cũng vẫn phải chịu án phạt của FIFA sau khi Diogo Pereira gửi đơn kiện lên FIFA. Theo đó, cầu thủ ngoại này yêu cầu đội bóng đất Mỏ trả nốt 6 tháng tiền lương. Sau khi nhận đơn của Diogo Pereira, FIFA đã ra phán quyết buộc Than.QN phải đền bù số tiền hơn 62.000 USD. 

Không phải đợi đến khi FIFA đưa ra phán quyết, một số CLB chấp nhận chi một số tiền “khủng” để đền bù cho các cầu thủ ngoại. Bởi họ thừa hiểu mỗi khi  FIFA ra phán quyết, phần thua thường sẽ thuộc về chính các đội bóng. Đơn cử như khi còn tồn tại, Navibank Sài Gòn tính “xù” hợp đồng với tiền đạo Francois Edene. Chân sút này tuyên bố sẽ gửi đơn kiện lên FIFA nếu như đội bóng này không trả số  tiền lót tay còn nợ. Trước sức ép ấy và đặc biệt thiếu cơ sở pháp lý nên Navibank Sài Gòn đã chủ động trả cho Francois Edene 80.000 USD. Sài Gòn Xuân Thành cũng là trường hợp khác phải “móc hầu bao” để trả một khoản tiền nhất định cho Huỳnh Kesley Alves sau khi chân sút này tuyên bố sẽ kiện lên FIFA nếu như CLB không trả số tiền hơn 20.000 USD mà đội bóng còn nợ. Sau khi thương thảo, Huỳnh Kesley chấn nhận nhận số tiền bằng một nửa khoản nợ trên.

Tiền đạo Huỳnh Kesley Alves từng thắng kiện CLB Sài Gòn Xuân Thành - Ảnh: Minh Tuấn

Một thực tế từ những vụ kiện của các cầu thủ nước ngoài đối với các CLB trong nước cho thấy, mỗi khi hành động pháp lý được đưa ra là FIFA luôn ra phán quyết có lợi cho các cầu thủ nước ngoài. Tất nhiên, đây không phải là một sự thiên vị mà bởi căn cứ vào những quy định trong các điều khoản của hợp đồng. Thông thường, các đội bóng khi thương thảo hợp đồng không đi vào chi tiết cụ thể mà chỉ có vài điều khoản chung chung về mức lương, thời hạn hợp đồng… Thế nên khi xảy ra tranh chấp, vốn cần những quy định tỉ mỉ và chặt chẽ, các CLB lại đuối lý so với các cầu thủ ngoại vốn có đội ngũ pháp lý và người đại diện nước ngoài. Dù vậy, các CLB vẫn chủ quan để rồi phải đền bù những khoản tiền lớn. 

“Các CLB Việt Nam không hiểu luật lại làm việc theo kiểu luật do mình tự đặt ra. Các CLB không đàm phán ngay từ đầu. Nếu có sẽ khó có chuyện kiện tụng như thế”, một nhà môi giới giới thiệu khá nhiều cầu thủ ngoại ở V.League bày tỏ quan điểm.

Việc bị một cầu thủ kiện lên FIFA không chỉ khiến cho CLB (đứng trước nguy cơ) mất tiền mà còn ảnh hưởng đến uy tính, danh dự của chính đội bóng đó, của bóng đá Việt Nam. Đây thực sự là những bài học đắt giá để các CLB nhìn nhận lại, qua đó, thực hiện có căn cơ, chặt chẽ cũng như hành xử chuyên nghiệp hơn hơn về vấn đề hợp đồng với các ngoại binh trong tương lai. 

    Bình Luận