Nỗi ám ảnh bồi hoàn hợp đồng cho ngoại binh ở V.League

Với bóng đá Việt Nam, bồi hoàn hợp đồng cho ngoại binh thực sự là nỗi ám ảnh. Nhưng, trong vòng quay của bóng đá chuyên nghiệp thì việc bồi hoàn hợp đồng là điều rất dễ xảy ra.
Nỗi ám ảnh bồi hoàn hợp đồng cho ngoại binh ở V.League

Ký hợp đồng, sử dụng được vài trận đấu thì phải thanh lý hợp đồng với ngoại binh. Nếu không thỏa thuận được điều khoản thanh lý một cách êm đẹp, hoặc có điều khoản ràng buộc từ đầu thì các đội bóng phải chấp nhận bồi hoàn toàn bộ giá trị bản hợp đồng đã ký. Có những đội bóng thậm chí còn nếm trái đắng khi mùa giải chưa bắt đầu nhưng cầu thủ bị chấn thương phải thanh lý nhưng vẫn bồi hoàn hợp đồng. Có những cầu thủ còn giấu luôn chấn thương, hoặc đưa đội bóng vào thế sự đã rồi đến mức trở tay không kịp.

Có muôn vàn lý do để các CLB phải đền hợp đồng cho cầu thủ ngoại. Ban đầu thì người ta tin rằng, các đội bóng không quan tâm đến công tác pháp chế nên dễ bị đưa vào những điều khoản bất lợi. Nhưng dần, khi các đội bóng va vấp nhiều, những bản hợp đồng chặt chẽ được soạn sẵn nhưng các đội bóng vẫn phải đền bù khi có xung đột về hợp đồng. Bởi, như đã nói, có rất nhiều lý do khiến các đội bóng phải thanh lý hợp đồng với cầu thủ ngoại. Áp lực về thành tích khiến các HLV phải lựa chọn những ngoại binh tốt nhất. Thế là thanh lý hợp đồng và những tình huống pháp lý rắc rối xuất hiện ngay sau đó. Điều quan trọng nhất là lăng kính của các CLB Việt Nam và quan điểm bảo vệ người lao động của FIFA nhiều khi không đồng nhất với nhau. FIFA không quan tâm đến những lời giải thích dù nó có lý đến đâu mà họ chỉ chú tâm vào những điều khoản mà hai bên cam kết trong hợp đồng.

Đền bù hợp đồng khiến ngân sách của các đội bóng bị vơi đi phần nào. Kiếm tiền vốn là bài toán khó với bất cứ đội bóng nào. Nhưng, đã vào cuộc chơi chuyên nghiệp thì những suy nghĩ giản đơn, những quyết định cảm tính thường mang đến bất lợi cho các đội bóng. Điều mấu chốt nhất giúp các đội bóng tránh được rắc rối về pháp lý đó là công tác lựa chọn phải thật sự khoa học, công tâm và bài bản, chính xác về pháp chế. Nhưng có một điều chắc chắn, còn bóng đá chuyên nghiệp, còn những khác biệt về tư duy, quản trị và áp lực về chuyên môn thì việc tranh chấp hợp đồng sẽ còn xuất hiện. Nó nhưng là bài học rất dài, rất khó và bất cứ đội bóng nào cũng phải trả học phí.

Thanh Hóa không kháng án
CLB Thanh Hóa thực tế đã nhận được quyết định của Phòng Giải quyết Tranh chấp FIFA, xoay quanh việc đền bù hợp đồng với trung vệ Igor Jelic từ tháng 9/2022, tức là cách đây nửa năm so với thời điểm thông tin này được công khai trên giới truyền thông. Khi ấy, đội bóng xứ Thanh cũng hoàn toàn chấp thuận và thực hiện theo đúng quyết định của FIFA. CLB này không có bất cứ kháng cáo hay khiếu nại gì xoay quanh câu chuyện này. 

Không thể đùa với phán quyết của FIFA
Sau khi nhận đơn khiếu kiện từ các bên, Phòng Giải quyết Tranh chấp của FIFA sẽ vào cuộc. Họ thu thập dữ liệu từ các bên, dựa theo luật định đã ban hành để đưa ra kết luận. Mỗi khi đưa ra phán quyết, FIFA – cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới cho phép một khoảng thời gian nhất định để các CLB hoặc cầu thủ kháng cáo. Tuy nhiên, cơ hội để thành công khi kháng cáo là không cao. Điều này cũng đồng nghĩa, các câu lạc bộ phải trả đủ số tiền như phán quyết của FIFA. 

Nếu các câu lạc bộ không thực hiện phán quyết, không chuyển tiền đền bù cho cầu thủ thì sẽ phải chịu chế tài mạnh mẽ từ cơ quan quyền lực này.  Theo đó, câu lạc bộ chịu trách nhiệm thực hiện phán quyết có thể bị trừ điểm, bị cấm chuyển nhượng, thậm chí bị đánh tụt hạng nếu không thực hiện theo phán quyết của FIFA. 

    Bình Luận