Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
"Chim mồi" Haaland
Sau trận lượt đi, Antonio Ruediger được ca tụng như người hùng vì chiến tích "bắt chết" Haaland, chỉ cho tiền đạo của Man City chạm bóng 21 lần. Đến trước màn tái đấu ở Manchester, tâm điểm của cuộc chiến vẫn xung quanh cái tên này. Từng thất vọng ra mặt vì hậu bối tại Arsenal - Rob Holding không hoàn thành nhiệm vụ theo kèm Haaland, cựu danh thủ Martin Keown dồn hết tâm huyết cho Ruediger khi mách nước: “Ruediger cần phải làm chủ tình hình và nói ‘Chúng ta sẽ chơi theo luật của tôi, không phải cậu’. Ở thời điểm này, Haaland nghĩ rằng cậu ta có thể đánh bại bất kỳ ai, nhưng bạn phải khiến cậu ta nghi ngờ bản thân. Giống như Yerry Mina của Everton, bạn phải cố gắng sử dụng một vài chiêu hắc ám, dù đó là cấu véo hay giả bộ giẫm vào chân. Nếu bạn véo Haaland, cậu ta có lẽ chỉ chạy đi chỗ khác. Bạn phải cố gắng chui vào trong đầu cậu ta… hay thậm chí bắt nạt luôn”. Nhưng tiếc cho Keown là Ruediger không được sử dụng từ đầu. Còn Man City thì vô cùng thành công khi khiến cho không chỉ một mà rất nhiều đối thủ ám ảnh với "quái vật" của mình.
Giá trị của một trung phong không chỉ được đo bằng những bàn thắng, mà còn bởi vùng phạm vi mà anh ta ảnh hưởng. Pep Guardiola và Man City đã làm quá tốt công việc PR, đánh bóng tên tuổi của Haaland - biến anh thành một siêu nhân tới từ Bắc Âu, có thể nuốt trọn mọi đối thủ. Mẫu tiền đạo mà Man City xây dựng toàn năng như thế, khiến cho mọi đối thủ đều phải dè chừng anh trên 100% thời lượng.
Đây thực tế chính là thứ mà Man City thiếu trong những mùa trước, khi hàng công của họ không có một điểm nhấn để đối phương hút vào. Pep đề cao sức mạnh tập thể không sai, nhưng vô hình trung lại biến tất cả mọi người nhạt nhòa như nhau, dù thực tế thì các hộ công của City cũng đều vô cùng xuất sắc chứ không phải dạng tầm thường.
Để rồi bây giờ, họ trình làng một Haaland đã ghi hơn 50 bàn mùa này. Pep nói cậu học trò ở đẳng cấp của Messi và Ronaldo. Vậy thì đúng ý đồ quá rồi còn gì nữa, để kèm Messi hay Ronaldo, đối phương toàn phải cắt cử ít nhất 2-3 người. Eder Militao rồi David Alaba luôn phải thay phiên nhau ôm lấy khối cơ bắp khổng lồ có mái tóc đuôi ngựa. Và hệ quả thì như tất cả chúng ta đã thấy, các khoảng không gian trống hoác trong vòng cấm Real cứ thế lộ ra. Trong bàn mở tỷ số của Bernardo Silva, pha thoát xuống của tiền vệ nhỏ con này là rất tài tình, nhưng nó cũng được hỗ trợ bởi sự hớ hênh của toàn bộ hệ thống phòng ngự Real đã bị hút vào Haaland. Đến khi Alaba nhận ra tình hình và chạy ra be góc thì đã quá muộn.
Không ai xứng đáng hơn
Man City lẽ ra có thể ghi đến 3 bàn trong 20 phút đầu trận nếu Haaland và đồng đội tận dụng tốt cơ hội. Tiền đạo sinh năm 2000 có 2 lần đối mặt Courtois nhưng đều bị thủ thành người Bỉ khuất phục. Trong một tình huống chạm trán khác ở hiệp 2, Haaland tiếp tục không thể chiến thắng Courtois. Cả 2 lượt trận gặp Real, Haaland không có pha lập công nào. Đương nhiên, nếu Haaland có thể tận dụng những cơ hội và ghi bàn nữa thì quá tuyệt vời. Nhưng chưa cần việc đó, đội bóng của anh đã chiến thắng vẻ vang rồi. Thực tế thì trong bối cảnh bị vây ráp tứ phía như vậy, việc Haaland vẫn có thể thoát ra khỏi vòng vây trong một vài khoảnh khắc để đánh đầu hay sút bóng thực sự đáng khen. Nó cho thấy khả năng đọc tình huống và ý đồ của đồng đội đang được Haaland thể hiện hoàn hảo.
Đó là lý do mà dù có một nhà vô địch World Cup trên ghế dự bị, Pep vẫn phải dùng Haaland tới tận phút 89. Cựu tiền đạo Dortmund đã có một mùa giải xuất chúng, không ai có thể phủ nhận được. Chưa tính tới kết cục trận chung kết thì Haaland đã chắc suất nhận giải thưởng từ UEFA. Cụ thể, Haaland coi như nắm chắc danh hiệu Vua phá lưới Champions League khi đang dẫn đầu BXH với 12 bàn thắng, bỏ xa những người xếp sau là Salah, Mbappe và Vinicius tới 4 bàn. Quan trọng hơn là cả 3 đều đã bị loại khỏi giải đấu. Trong khi đó, người ghi nhiều bàn nhất tại cúp châu Âu cho Inter là Edin Dzeko cũng mới chỉ có 4 pha lập công, thậm chí chưa lọt vào Top 10. Để lật đổ Haaland, cựu sao Man City sẽ phải ghi tới 9 bàn trở lên trong trận chung kết sắp tới tại Istanbul. Kịch bản sẽ không bao giờ diễn ra. Cùng với đó, danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa Champions League” cũng khó thoát khỏi tay Haaland khi những đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng đều là… đồng đội ở Man City như Kevin de Bruyne, Ilkay Guendogan hay Bernardo Silva.
Haaland khó lòng phá kỷ lục của Ronaldo Hiện Haaland đã có 12 bàn tại Champions League và chỉ còn đúng 1 trận đấu nữa để gia tăng thành tích của mình. Chính vì thế, kỷ lục ghi 17 bàn trong một mùa Champions League của Cristiano Ronaldo đang rất an toàn. Khả năng tiền đạo của Man City có thể ghi tới 5 bàn vào lưới Inter tại Istanbul là rất phi lí. |
Bình Luận