Hành động ấy là lời xác tín “Tôi đã đến nơi này, tôi sẽ thuộc về Lữ đoàn đỏ”. Trên tấm biển ấy là hình logo của đội bóng, và ở giữa là hình ảnh phượng hoàng lửa.
Phượng hoàng của phương Tây cũng như Rồng của phương Đông. Đấy là các động vật chỉ có trong truyền thuyết. Tuy nhiên lại là sự kết hợp của các đặc điểm đẹp nhất của nhiều giống loài. Với phượng hoàng đó là đầu gà, cổ hạc, và đuôi công. Khác với Rồng là biểu tượng của vua chúa thì phượng hoàng là biểu tượng của sự bất tử và tái sinh. Khi bước đến cuối vòng đời, Phượng hoàng sẽ thu nhặt những nhánh cây thơm và chất thành một cái tổ lớn rồi tự thiêu chính mình. Và cũng từ đống tro tàn ấy, người ta thấy phượng hoàng tái sinh.
Mùa Đông năm 2015, Juergen Klopp đến với Anfield. Liverpool ngày đó như một chú phượng hoàng nằm trong tro tàn. HLV Klopp đã chăm bẵm sinh linh bé nhỏ ấy, gieo những mầm mống chiến thuật, các trận đấu giàu cảm xúc và thắng những trận cầu 6 điểm. Ngày hôm đó, ông có nói một câu đã trở thành truyền kỳ: từ chỗ tuyệt vọng và “nghi ngờ”, các Kopites đang dần học được cách “tin tưởng”. Nhưng kể cả những gì lạc quan nhất của cuộc đời, những cổ động viên của Lữ đoàn đỏ cũng không thể tưởng tượng được việc Klopp sẽ là người chấm dứt niềm khao khát day dứt về một danh hiệu Premier League của Liverpool, càng không nghĩ rằng ông sẽ đưa Liverpool đến những nấc thang đỉnh cao từ châu Âu đến mọi danh hiệu quốc nội có thể có được. Vì ngày ấy, Liverpool điêu tàn quá, khốn khổ quá, khi già cỗi lẫn sơ sinh trộn lẫn trong hình hài của một con Phượng hoàng run rẩy với cái tổ mang tên truyền thống làm bệ đỡ.
Nếu năm 2015 là cái năm Phượng hoàng bốc cháy để bắt đầu tái sinh, thì năm 2022 đến, người ta đã nói về sự lo ngại dành cho Liverpool sau những trận hòa khó khăn đầu mùa, người ta bắt đầu nói về sự sụp đổ của Liverpool sau trận thua 1-4 đầy tủi hổ trước Napoli, và cũng bàn tán về trát sa thải dành cho Klopp. Ở đây những người Liverpool cần đặt các câu hỏi sau: tại sao lại mất niềm tin khi bạn từng đi qua những đêm dài lạc lối? Tại sao phải suy sụp khi bạn đã nhận mình là Phượng hoàng lửa? Chẳng lẽ ngắm logo đội bóng mỗi ngày để không nhận ra đây là sự bất tử và tái sinh? Thời kỳ vàng son của Juegren Klopp đã được xây dựng từ trong đáy vực của Brendan Rodgers. Và nếu nhìn luôn về phía sau lịch sử xa xăm thì chẳng phải bóng đá Anh nói chung và Liverpool nói riêng cũng là nhân chứng, thủ phạm, đã nhận lãnh kết quả và cũng đã phục hưng giá trị sau hai thảm họa Heysel và Hillsborough đó hay sao?
Một đội bóng luôn luôn bước đi giữa lằn ranh diệt vong và thống trị. Một đội bóng chọn Phượng hoàng làm biểu tượng. Và đội bóng ấy cũng sống như Phượng hoàng. Đội bóng ấy là Liverpool.
Bình Luận